Pakistan: Vụ án cựu Tổng thống tham nhũng đã đến hồi kết?

Tòa án thành phố Rawalpindi (Pakistan) vừa hoàn tất thủ tục để các phiên xét xử tham nhũng chống lại cựu Tổng thống Asif Ali Zardari được tiến hành liên tục hàng ngày, với hy vọng sẽ sớm đưa ra được bản án cho vụ việc đã kéo dài suốt 16 năm.

Tòa án Pakistan đang quyết tâm để sớm thông qua một bản án đối với cựu Tổng thống Asif Ali Zardari. Ảnh: Pakistan Today

Phiên xét xử đầu tiên diễn ra vào ngày 17/8 xoay quanh các khối tài sản bị cáo buộc là bất hợp pháp của ông Asif Ali Zardari - cựu lãnh đạo Đảng Nhân dân Pakistan (PPP), trong đó bao gồm cả tài sản tại Pakistan và ở nước ngoài.

Theo hồ sơ vụ việc, ông Zardari và vợ là bà Benazir Bhutto, bị cáo buộc đã sử dụng các tài khoản ngân hàng tại Thụy Sĩ để rửa tiền, sở hữu nhiều tài sản bằng con đường bất hợp pháp.

Vụ việc được đưa ra truy tố trước tòa vào năm 2001, tuy nhiên đã bị đóng lại vào năm 2007 theo Sắc lệnh Hòa giải Dân tộc (NRO), được ban hành bởi Chính phủ của cựu Tổng thống Gen Pervez Musharraf.

Năm 2009, Tòa án Tối cao Pakistan đã bác bỏ lệnh ân xá gây nhiều tranh cãi. Một ủy ban gồm 17 thẩm phán dưới sự lãnh đạo của Chánh án Iftikhar Mohammed Chaudhry đã phán quyết rằng: Việc ban lệnh ân xá theo Sắc lệnh NRO là vi phạm Hiến pháp.

Ủy ban này cũng ra lệnh mở lại tất cả các vụ án tham nhũng và hình sự khác, kể cả những vụ còn chưa kết thúc chống lại ông Zardari. Tuy nhiên, lúc này ông Zardari đã tuyên thệ nhậm chức Tổng thống và được hưởng quyền miễn trừ theo Điều 248 của Hiến Pháp.

Trong suốt 3 năm (2009 - 2012), Tòa án Tối cao Pakistan đã yêu cầu Chính phủ gửi văn bản cho nhà cầm quyền Thụy Sĩ đề nghị mở lại vụ án hối lộ chống lại Tổng thống Asif Ali Zardari. Tuy nhiên, Chính phủ liên hiệp do Đảng Nhân dân Pakistan của ông Zardari lãnh đạo đã từ chối làm việc này vì cho rằng, Tổng thống được quyền miễn trừ, không bị truy tố khi còn tại chức.

Vụ việc đã tạo nên xung đột gay gắt giữa Chính phủ và Tòa án. Ngày 26/4/2012, Chánh án Tòa án Tối cao Mohammed Chaudhry đưa ra phán quyết cho rằng, Thủ tướng đương nhiệm là ông Yousuf Raza Gilani đã không còn đủ tư cách để tiếp tục giữ chức vụ vì tội khinh mạn tòa án. Đây là lần đầu tiên một Thủ tướng Pakistan bị cơ quan tư pháp bãi chức.

Tháng 4/2015, Cục Bổn phận Quốc gia (NBA, thuộc Tòa án Tối cao Pakistan) đã mở lại vụ án, nhưng tiến trình điều tra, giải quyết được diễn ra với tốc độ "rùa bò", bởi ngay từ đầu, cả 2 bên truy tố và bảo vệ đều dường như không muốn theo đuổi vụ việc một cách quyết liệt.

Cho tới năm nay, vụ việc vẫn "dậm chân tại chỗ" với lý do luật sư của ông Zardari chưa sẵn sàng bởi các điều ước hoặc bệnh tật. Thêm vào đó, trong khi Tòa án Tối cao Pakistan luôn mạnh mẽ chống lại ông Zardari thì Tòa án thành phố Rawalpindi (tòa cấp dưới) lại từng lên tiếng bênh vực. Thậm chí, vào năm 2008, Tòa này đã bác bỏ cả 7 cáo buộc tham nhũng đối với ông Zardari. Trong đó có việc ông Zardari bị tố cáo nhập xe ô tô BMW mà không trả thuế, nhận 10 triệu USD lại quả từ công ty nhập khẩu vàng ARY, sử dụng sai công quỹ để xây dựng sân Polo Ground tại dinh thự của Thủ tướng ở Islamabad...

Tuy nhiên, sau phán quyết mới đây trong vụ Hồ sơ Panama - vụ rò rỉ tài liệu mật lớn nhất trong lịch sử, luật sư của ông Zardari là Farooq H. Naek đã sẵn sàng có mặt và tòa án, với sự đồng ý của Cục Bổn phận Quốc gia đã tiến hành các phiên xét xử hàng ngày đối với vụ việc này.

Theo quy định, các tòa án thường lựa chọn cách xét xử liên tục hàng ngày với sự chấp thuận của cả 2 bên công tố và luật sư của bị can.

Đầu năm nay, công tố viên của vụ án cho biết, một nhân chứng quan trọng của vụ tham nhũng đã biến mất một cách bí ẩn.

Nhân chứng được thẩm vấn - luật sư Jawad Mirza - sau đó bị tòa án Rawalpindi tuyên bố là một tội phạm.

Ông Mirza từng là một chuyên gia tư vấn pháp luật cho Cơ quan Điều tra tội phạm tài chính của NAB (FCIW) năm 2002, và đã đưa ra nhiều bằng chứng, tài liệu cho nhân viên điều tra. Các bằng chứng bao gồm các văn bản liên quan đến giao dịch tiền tệ, bảng kê chi tiết của các tài khoản ngân hàng, công ty nước ngoài được cho là của ông Zardari và gia đình ông.

Trao đổi với báo chí trong nước, Tahir Ayub - công tố viên của NAB cho biết, vụ án đang trong giai đoạn cuối, bởi vậy, tòa án đã quyết định tiến hành các phiên điều trần liên tục.

Ông hy vọng rằng các thủ tục tố tụng sẽ được hoàn tất chỉ trong vài ngày tới, và sau đó, tòa án sẽ thông qua một bản án đối với cựu Tổng thống.

Ông Zardari phải đối mặt với tổng cộng 6 tội danh tham nhũng, ngoài các khối tài sản, cựu Tổng thống còn liên quan đến tham nhũng tại SGS, Cotecna, Polo Ground, Ursus Tractors và ARY Gold.

Hoài Phương

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/quoc-te/tin-tuc/pakistan-vu-an-cuu-tong-thong-tham-nhung-da-den-hoi-ket_t114c52n123197