Pakistan hành động nóng, Trung Quốc hái quả ngọt

Pakistan vừa điều 15.000 binh sỹ nhằm bảo vệ những công dân Trung Quốc đang làm việc tại nước này.

Bước đi chiến lược

Tổng thống Pakistan Mamnoon Hussain ngày 25/6 tuyên bố, nước này vừa triển khai một lực lượng quân sự gồm 15.000 binh sỹ nhằm bảo vệ những công dân Trung Quốc đang làm việc tại các dự án cơ sở hạ tầng và năng lượng tại nước này.

Việc điều quân nói trên được thực hiện sau khi xảy ra vụ một cặp đôi người Trung Quốc bị bắt cóc tại Pakistan. Điều này làm gia tăng mối quan ngại về sự an toàn của công dân Trung Quốc tại quốc gia Nam Á này.

Theo một tuyên bố từ Phủ Tổng thống Pakistan, trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đang ở thăm Islamabad, Tổng thống Mamnoon Hussain nhấn mạnh việc bảo vệ các công dân Trung Quốc đang làm việc tại Pakistan là "ưu tiên hàng đầu" của chính phủ.

Bắc Kinh đang đầu tư khoảng 50 tỷ USD vào quốc gia láng giềng Nam Á này như một phần của một kế hoạch được công bố vào năm 2015 nhằm kết nối khu vực Tân Cương, miền viễn Tây Trung Quốc, với cảng Gwadar thuộc tỉnh Balochistan bằng một loạt dự án nâng cấp về vận tải, năng lượng và cơ sở hạ tầng.

Tổng thống Pakistan Mamnoon Hussain và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình

Cảng Gwadar nằm ở biển Ả Rập, có vị trí chiến lược giữa Nam Á, Trung Á và Trung Đông. Cảng cũng nằm ở cửa Vịnh Ba Tư, không xa ngoài eo biển Hormuz.

Tiếp nhận cảng Gwadar là bước tiến chiến lược của Trung Quốc trong việc đảm bảo chính sách năng lượng, vận tải hàng hải và thành lập một căn cứ hải quân trên biển Ả Rập. Trong đó, khả năng Trung Quốc biến Gwadar thành một trong “chuỗi ngọc” cảng quân sự dọc Ấn Độ Dương.

Trước đó, Bắc Kinh cũng tung ra hàng loạt sự giúp đỡ từ kinh tế đến chính trị đối với Myanmar, Sri Lanka, Bangladesh… để đổi lấy sự hiện diện tại các cảng biển của những nước này.

Một số chuyên gia Pakistan lo ngại thỏa thuận Gwadar là bước đệm để chính quyền Islamabad có thể cho Bắc Kinh sử dụng những căn cứ hải quân khác sẵn có như Karachi hay Qasim.

Bắc Kinh từng bác bỏ khả năng sử dụng cảng Gwadar cho mục đích quân sự, tuy nhiên việc phát triển bến cảng Gwadar, dù không thiết lập căn cứ hải quân thường trực tại đây, cũng sẽ tạo thuận lợi rất lớn cho Bắc Kinh tăng cường sức mạnh ở Nam và Trung Á.

Quản lý cảng Gwadar sẽ giúp Trung Quốc khắc phục những điểm yếu chiến lược từ việc Bắc Kinh đang lệ thuộc eo biển Malacca chật hẹp và đông đúc nhập khẩu năng lượng.

Bên cạnh đó, nó còn giải quyết những yếu điểm tương tự ở eo biển Hormuz cách Gwadar không xa, nơi 60% dầu nhập khẩu của Trung Quốc đi qua nhưng lại có sự hiện diện hùng hậu của hải quân Mỹ.

Trước Gwadar, Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã xây căn cứ quân sự Djibouti và khẳng định mục đích của cơ sở này là "tiếp tế cho hoạt động chống cướp biển, nhân đạo và gìn giữ hòa bình".

Điều đáng nói, cơ sở nói trên của Trung Quốc chỉ cách căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ ở châu Phi khoảng 8 dặm.

Biến Pakistan thành sân sau

Hồi tháng 4/2016, Mạng phân tích Á-Âu vừa có bài viết mô tả về mối quan hệ đặc biệt giữa Pakistan, một quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân, với nước láng giềng khổng lồ Trung Quốc.

Pakistan, một nước Cộng hòa Hồi giáo sở hữu hạt nhân, tự xưng là có tầm quan trọng địa chính trị toàn cầu và có vị trí chiến lược tương đương với Ấn Độ.

Theo bài viết trên mạng Á-Âu, Pakistan đã chấp nhận trước những áp lực địa chính trị của Trung Quốc trong những thập kỷ qua để cạnh tranh với Ấn Độ. Và cho đến nay, bất chấp những tuyên bố mạnh mẽ của mình, Pakistan dường như đã bị Trung Quốc chi phối hoàn toàn.

Những cụm từ hoa mỹ như ''núi cao'' và ''biển sâu'' được dùng để mô tả mối quan hệ anh em giữa Trung Quốc và Pakistan bị coi là một sự che đậy bản chất nhằm đánh lừa người dân Pakistan.

Nặng nề hơn, bài viết còn cho rằng Pakistan của năm 2017 dường như được biết đến như một tỉnh Hồi giáo của Trung Quốc, giống như Tân Cương.

Trung Quốc huấn luyện quân đội Pakistan dọc biên giới Ấn Độ

Theo mạng phân tích Á-Âu, chính sách ngoại giao của Pakistan với Ấn Độ và Afghanistan, và kể cả với các cường quốc như Nga hay Mỹ đều bị Trung Quốc chi phối, thông qua lực lượng ủy nhiệm là Quân đội Pakistan.

Điều đó có nghĩa là Pakistan bị ép phải tính đến những nhạy cảm chiến lược của Trung Quốc khi thực hiện các quyết sách về Ấn Độ và Afghanistan, và xu hướng quan điểm của Pakistan đối với các cường quốc lớn cũng đã được xác định rõ.

Sự kiểm soát của Trung Quốc được tiến hành bằng cách thâm nhập vào tầng lớp quân đội và chính trị gia chiếm ưu thế ở Pakistan.

Hiện có nhiều nghi vấn như Trung Quốc dùng quyền phủ quyết để ''che chở'' cho những đối tượng khủng bố như Massod Azhar thoát khỏi sự trừng phạt của Mỹ, liên kết với các tổ chức cực đoan của Quân đội Pakistan để nhằm vào Ấn Độ.

Năm 2017, Trung Quốc thành công ở Pakistan trong mọi lĩnh vực kinh tế từ phát điện, phát triển cơ sở hạ tầng...đẩy Pakistan xuống vị trí là nguồn kinh tế dự phòng cho nền kinh tế Trung Quốc.

Bắc Kinh đang có những toan tính riêng nhằm mở rộng ảnh hưởng ở Nam Á. Và Pakistan đã trở thành một lực lượng ủy nhiệm trong nỗ lực của Trung Quốc nhằm đối phó với những thế lực thù địch tại khu vực này.

Phú Yên

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/pakistan-hanh-dong-nong-trung-quoc-hai-qua-ngot-3337979/