Ôtô Nga tại Việt Nam - cánh cửa hẹp cho người khổng lồ

UAZ có nền tảng thương hiệu tốt từ thời kỳ chiến tranh tại Việt Nam, nhưng ở hiện tại, nhu cầu của khách hàng có thể khiến hãng xe Nga gặp khó.

UAZ Pickup tại Việt Nam.

Khoảng một tháng trở lại đây, thị trường ôtô Việt Nam xôn xao khi một số sản phẩm của UAZ (U-oát) được nhập khẩu về nước. Nguyên cớ của việc này bắt nguồn từ Nghị định thư về hợp tác giữa Việt Nam và Nga để hỗ trợ sản xuất phương tiện vận tải có động cơ trên lãnh thổ Việt Nam.

Nghị định thư này chính thức có hiệu lực vào 5/10, cùng thời điểm hiệu lực với Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á - Âu. Nghị định chủ yếu nói về những ràng buộc để các liên doanh Nga-Việt trên lãnh thổ Việt Nam sản xuất phương tiện vận tải. Các hãng xe Nga được phép thành lập liên doanh tại Việt Nam gồm GAZ, UAZ và KAMAZ. Nội dung này chủ yếu liên quan tới dài hạn, nhưng trong đó, có một phần nhỏ là "Ưu đãi" lại liên quan trực tiếp đến việc nhập xe con để bán cho khách hàng cá nhân.

Ưu điểm lớn nhất của xe Nga là bền, nhưng thiết kế chậm thay đổi, công nghệ không nhiều nên khó là lựa chọn ưu tiên của khách hàng cá nhân.

Phần ưu đãi viết, nếu các liên doanh này nhập khẩu "phương tiện vận tải có động cơ" về Việt Nam sẽ được miễn thuế nhưng theo hạn ngạch, 800 xe năm 2016, 850 xe năm 2017 và 900 xe năm 2018. Trong số những "phương tiện vận tải có động cơ", UAZ là hãng có những mẫu xe dành cho khách hàng cá nhân như Pickup, Hunter hay Patriot.

Vì ưu đãi này nên mới đây các xe của UAZ lần lượt về Việt Nam thông qua nhà nhập khẩu AutoK. Đại diện nhà nhập khẩu này cho biết, không phải công ty nào cũng có thể nhập khẩu xe và được miễn thuế, chỉ có một số được chỉ định.

Một chuyên gia trong ngành phân tích, miễn thuế nhập khẩu để các liên doanh có xe tiếp cận khách hàng Việt, nhưng áp hạn ngạch để tránh các hãng lợi dụng kiếm lợi từ nhập khẩu mà không sản xuất theo nội dung chính của nghị định. Tuy nhiên, con số 800 xe một năm là quá ít, khó có sức ảnh hưởng thị trường, bên cạnh đó bản thân sản phẩm mới là yếu tố quan trọng nhất tác động lên thị trường.

Đại diện AutoK cho biết, từ khi đưa xe về giới thiệu ở showroom, công ty này nhận nhiều quan tâm của khách hàng, nhưng phần lớn tò mò vì thương hiệu "khổng lồ" UAZ quá quen thuộc trong thời chiến, khách hàng quan tâm thực sự để mua rất ít. Đến thời điểm này, công ty vẫn chưa bán chiếc nào.

Xe không bị đánh thuế nhập khẩu có giá chỉ khoảng 70% so với nhập thông thường, nhưng giá rẻ không đồng nghĩa với xe bán chạy. Khách hàng đến showroom đều cho rằng thiết kế của xe thiếu hiện đại, cho cảm giác nặng nề, chỉ ấn tượng đầu tiên này đã là rào cản lớn để tiếp cận.

Ưu điểm lớn nhất của xe Nga là bền, nhưng thiết kế chậm thay đổi, công nghệ không nhiều nên khó là lựa chọn ưu tiên của khách hàng cá nhân. Trong ba mẫu xe về Việt Nam, Hunter thiên về truyền thống, như một chiếc U-oát hàng chục năm trước, Pickup và Patriot hướng tới hiện đại nhưng nếu so với các đối thủ Nhật, Hàn, Mỹ có mặt ở Việt Nam thì hai sản phẩm của UAZ chưa tạo ra khác biệt.

Cánh cửa cho khách hàng phổ thông là rất hẹp, đối tượng đầu tiên mà AutoK muốn hướng tới là quân đội, nơi mục đích sử dụng phù hợp, niềm tin thương hiệu cũng "dồi dào" hơn. Không chỉ bán cho các đơn vị quân đội, khách hàng còn có thể là những cá nhân trong ngành.

Nhà nhập khẩu này cũng cho biết, quân đội là bước đầu với triển vọng sáng sủa nhất, họ có những chiến lược cụ thể tiếp theo để từng bước mở rộng đối tượng khách hàng cá nhân trong dài hạn, khi có thể cạnh tranh sòng phẳng với các đối thủ về cả thiết kế lẫn công nghệ.

Theo Vnexpress

Nguồn ĐTCK: http://tinnhanhchungkhoan.vn/cuoc-song/oto-nga-tai-viet-nam-canh-cua-hep-cho-nguoi-khong-lo-167744.html