OPEC trước bài kiểm tra mang tên 'Donald Trump'

Cận kề cuộc họp quyết định giảm sản lượng của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu (OPEC) cận kề, chính trường thế giới đã có nhiều biến chuyển.

Giá dầu thô đã tăng lên mức cao nhất trong gần một tháng, trước kỳ vọng OPEC sẽ đạt thỏa thuận cắt giảm sản lượng trong cuộc họp quyết định ngày 30/11 tới. Dầu Brent đã tăng giá 6,5% trong vòng 2 tuần qua, chạm mốc gần 50 USD/thùng lần đầu tiên kể từ tháng 10/2015. Theo chuyên gia của hãng Morgan Stanley, lộ trình cắt giảm sản lượng của OPEC cần bao gồm những điểm then chốt là, xác định rõ các thành viên ngoại lệ, hạn ngạch giảm của mỗi quốc gia và số lượng cắt giảm tổng cộng. Ngoài lý do Iran vẫn cương quyết đòi hỏi rằng nước này phải đạt được sản lượng trước thời điểm bị cấm vận mới đồng ý tham gia thỏa thuận, thì một số nước thành viên OPEC khác cũng lên tiếng yêu cầu những hỗ trợ riêng như Iraq, Lybia và Nigeria. Lý do các nước này đưa ra đều là vì bất ổn và xung đột chiến sự khiến cho sản lượng khai thác bị ảnh hưởng tiêu cực, để tránh được nghĩa vụ cắt giảm sản lượng trong OPEC lần này.

Trong nỗ lực nhằm tạo đột phá, Algeria đã đề xuất OPEC xem xét cắt giảm sản lượng dầu mỏ theo tỷ lệ 4 -4,5% đối với tất cả các thành viên, ngoại trừ Libya và Nigeria trong cuộc họp tuần tới. Theo đề xuất này, tất cả các nước thành viên ngoại trừ 2 quốc gia trên sẽ cắt giảm từ 4 - 4,5% so với ước tính sản lượng trong tháng 10 nhằm đạt được mục tiêu tổng sản lượng 32,5 triệu thùng. Với tỷ lệ này, riêng Ả Rập Saudi có thể cắt giảm lên tới 500.000 thùng/ngày. Ý tưởng này có vẻ được các thành viên OPEC hoan nghênh, tuy nhiên vẫn chưa khỏa lấp được những bế tắc còn tồn tại. Điểm mấu chốt thành công của thỏa thuận là sự nhất trí của Iraq và Iran vẫn chưa đạt được. Nga, nhà sản xuất dầu hàng đầu ngoài OPEC vẫn phản đối cắt giảm sản lượng nhưng ủng hộ chính sách đóng băng. Đây sẽ là khó khăn cho riêng OPEC để tái cân bằng thị trường và tăng giá. Nếu OPEC tiếp tục không tìm được tiếng nói chung sau hội nghị tới, có khả năng giá dầu sẽ quay đầu giảm mạnh, xuống dưới mức 45 USD/thùng.

Hơn nữa, trước cuộc bầu cử Mỹ, thách thức của OPEC chỉ là tìm tiếng nói chung giữa các quốc gia thành viên và các nhà sản xuất dầu lớn ngoài nhóm. Tuy nhiên, chiến thắng của tỷ phú Donald Trump trong cuộc đua vào Nhà Trắng hôm 8/11 vừa qua cũng đã tăng thêm rủi ro cho nỗ lực cắt giảm sản lượng của OPEC. Tổng thống mới đắc cử chủ trương độc lập về năng lượng, dỡ bỏ hầu hết các hạn chế trong hoạt động khoan dầu của Mỹ. Điều này có thể khiến cho sản lượng dầu thế giới leo thang, đồng nghĩa với kế hoạch cắt giảm sản lượng dầu mà OPEC đang ra sức vận động các nước trong khối và cả ngoài khối có khả năng bị lung lay. Yếu tố khách quan này, một lần nữa là bài kiểm tra cho sự đoàn kết và khả năng hoạt động như một khối thống nhất của OPEC khi buộc phải đưa ra quyết định mang tính bước ngoặt với thị trường toàn cầu.

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/opec-truoc-bai-kiem-tra-mang-ten-donald-trump-273868.html