OPEC có cứu được những nền kinh tế phụ thuộc vào dầu mỏ?

Cuộc gặp lịch sử của các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã đi đến thỏa thuận về việc giảm sản lượng dầu tới 1,2 triệu thùng mỗi ngày. Tuần tới, OPEC có kế hoạch đàm phán với Nga và các nhà xuất khẩu khác ngoài OPEC. Quyết định giảm sản lượng khai thác dầu, đẩy giá dầu tăng lên của OPEC khiến các nền kinh tế phụ thuộc vào dầu lửa như Nga, Venezuela có cơ hội thoát khỏi khủng hoảng kéo dài mấy năm qua.

Quyết định lịch sử

Ngày thứ Tư (30/11), Hội nghị Thượng đỉnh OPEC ở Vienna đã đạt được một thỏa thuận lịch sử, theo đó, mỗi ngày các nước OPEC giảm sản lượng khai thác dầu thô tới 1 triệu thùng - Bộ trưởng Năng lượng Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất Suhail al-Mazrui thông báo. Như vậy, vào thời điểm hiện tại, sản lượng dầu thô khai thác của OPEC chỉ còn 32,5 triệu thùng/ngày.

Thỏa thuận này không áp dụng với Libya và Nigeria do những căng thẳng trong khu vực này. Iran được cho phép để giữ sản lượng vì vừa dỡ bỏ các đòn trừng phạt. Ả-rập Xê-út sẽ hạn chế sản xuất đến 10.058.000 thùng một ngày. “Nhưng chúng tôi cần sự hợp tác của các nước khác” - Bộ trưởng Năng lượng Ảrập Xêút Khalid al-Falih nói. Thỏa thuận này cũng yêu cầu các nước ngoài OPEC giảm sản lượng dầu khai thác khoảng 600.000 thùng/ngày. Sau cuộc họp của OPEC, Bộ trưởng Năng lượng Qatar cho biết Nga đã đồng ý cắt giảm sản lượng dầu của họ là 300.000 thùng/ngày.

Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2008, OPEC đã tìm được sức mạnh để giải quyết những khác biệt nội bộ và đồng ý với quyết định giảm sản lượng dầu, đẩy giá dầu tăng lên. Phản ứng của thị trường không phải chờ đợi lâu. Tại thời điểm này, giá dầu thô Brent đạt 51,89 USD/thùng, tăng hơn 4 USD/thùng so với trước đó.

Quyết định của OPEC là sự kiện lịch sử. Nó được ví như “Brexit” của Anh hay Donald Trump vừa giành thắng lợi trong cuộc bầu cử Tổng thống ở Mỹ.

Còn nhiều băn khoăn

Đáng chú ý là trước đó, mặc dù tổ chức rất nhiều cuộc họp, các bên không thể đạt được một sự đồng thuận. Vì vậy, ngay tại cuộc họp vào tháng 9 của các bộ trưởng OPEC ở Algiers, các bên đã bàn đến việc giảm sản lượng dầu đến 32,5 - 33 triệu thùng/ngày từ mức đỉnh 33,6 triệu thùng/ngày. Tuy nhiên, quyết định cuối cùng đã không đạt được. Tương tự như vậy, cuộc họp vào tháng Tư tại Doha cũng không thành công do những bất đồng giữa Ả-rập Xê-út Arabia và Iran, các nhà sản xuất dầu đã không thể đi đến một thỏa thuận về việc đóng băng sản xuất.

Trên thực tế, Hội nghị Thượng đỉnh OPEC ngày 30/11 đã không giải quyết được những lo ngại trong việc giám sát hay kỷ luật các thành viên OPEC nếu họ không tuân thủ theo thỏa thuận. Theo truyền hình Al Arabiya, Indonesia đã quyết định đình chỉ tư cách thành viên của OPEC vì không chấp nhận quyết định này.

Như vậy, bất chấp quyết định giảm sản lượng dầu khai thác của OPEC và thậm chí cả khả năng tham gia của Nga vào thỏa thuận cũng không giải quyết được vấn đề cơ bản của các nhà xuất khẩu dầu. Vấn đề ở chỗ việc khai thác dầu đá phiến ở Mỹ quá rẻ và họ không có ý định giảm sản lượng khai thác. “Chi phí sản xuất từ đá phiến Bakken ở Dunn County, bang Bắc Dakota vào khoảng 15 USD/thùng” - Giám đốc Sở Tài nguyên của bang, ông Lynn Helms khẳng định.

Đối với Nga, tình hình vẫn không thay đổi nhiều. “Chúng tôi đã sống một năm với một loại dầu trung bình khoảng 45 USD/thùng và sẽ tiếp tục sống. Cuộc họp của OPEC chỉ là một PR của các nhà đầu cơ lớn trên thị trường. Bạn không nên thổi phồng tầm quan trọng của sự kiện này, bởi tất cả mọi người, trong đó có Nga hiện đang sản xuất ở mức cao. Vấn đề quan trọng là trên thị trường - nơi chúng tôi bán dầu. Chúng tôi hài lòng với giá ở mức 45 USD/thùng, nhưng cao hơn một chút thì càng tốt” - Phó Giám đốc bộ phận phân tích của “Alpari” Anna Kokoreva cho biết.

OPEC đã có nhiều nỗ lực trong việc điều chỉnh giá dầu, tuy nhiên, để tìm được sự đồng thuận ngay trong chính nội bộ OPEC cũng như các nước ngoài OPEC là hết sức gian nan.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/the-gioi/opec-co-cuu-duoc-nhung-nen-kinh-te-phu-thuoc-vao-dau-mo-2638937-b.html