Ông Vương Đình Huệ: Đổi mới đơn vị sự nghiệp - không phân biệt 'công' hay 'tư'

Phó Thủ tướng khẳng định, trong chủ trương đầu tư, quản lý không được phân biệt các đơn vị sự nghiệp “công” hay “tư” mà phải đối xử công bằng, cạnh tranh lành mạnh.

Chiều 27/5, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã chỉ đạo như trên tại buổi làm việc với TP Hà Nội nhằm phục vụ hoàn thiện đề án đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính và tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Trong chủ trương đầu tư, quản lý không được phân biệt các đơn vị sự nghiệp “công” hay “tư” mà phải đối xử công bằng, cạnh tranh lành mạnh.

Giảm 5% cho chi thường xuyên

Báo cáo với đoàn làm việc, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Doãn Toản cho biết thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, Hà Nội đã sắp xếp, kiện toàn các đơn vị sự nghiệp thuộc sở, ban, ngành từ 401 đơn vị xuống còn 280 đơn vị; các ĐVSNCL cấp huyện giảm từ 206 đơn vị còn 96 đơn vị.

Số đơn vị sự nghiệp được giao quyền tự chủ tài chính năm 2016 là 2.596 đơn vị, tăng 82 đơn vị so với năm 2011, trong đó có 70 đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên (tăng 15 đơn vị); 1.353 đơn vị bảo đảm một phần chi thường xuyên (tăng 113 đơn vị); số đơn vị do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên là 1.173 (tăng 33 đơn vị).

Số thu của các ĐVSNCL của Hà Nội đã bù đắp được 40% nhu cầu chi thường xuyên. Tới nay, Hà Nội chưa có ĐVSNCL nào tự chủ hoàn toàn, bao gồm tự chủ cả chi thường xuyên và chi đầu tư. số nhân lực làm việc trong các ĐVSNCL năm 2016 là 145.892 người.

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho biết, vừa qua, TP thực hiện Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị với tinh thần quyết tâm, quyết liệt cao và triển khai đồng bộ ở tất cả các cấp, ngành. Mục tiêu xuyên suốt là đến năm 2021 sẽ giảm 10% biên chế so với hiện nay, đồng thời, giúp tiết kiệm chi thường xuyên cho TP, như năm 2016, Hà Nội đã giảm chi thường xuyên gần 5%, phấn đấu 5 năm nữa giảm 10%.

Riêng đối với hoạt động của các đơn vị sự nghiệp, quan điểm của TP là phải chuyển dần từ cơ chế thu phí dịch vụ sang cơ chế giá dịch vụ, theo hướng tính đúng, tính đủ để tạo điều kiện cho các đơn vị sự nghiệp công lập chuyển sang tự chủ hoàn toàn về kinh phí, từ đó, mới tự chủ về con người. Cùng với đó, TP sẽ đẩy mạnh ứng dụng CNTT, xây dựng chính phủ điện tử để cung ứng nhiều hơn dịch vụ công qua mạng, qua hệ thống bưu điện để người dân không phải đi lại nhiều.

Bên cạnh đó, TP tiếp tục rà soát lại toàn bộ các đơn vị sự nghiệp trong từng ngành, từng lĩnh vực để sáp nhập các đơn vị có chức năng, nhiệm vụ tương đồng. Như trong lĩnh vực nông nghiệp, tới đây, có thể sáp nhập trạm thú y với trạm bảo vệ thực vật.

Lĩnh vực y tế, Chủ tịch UBND TP cho biết: toàn TP có 584 xã, phường, thị trấn thì hiện nay có 572 trạm y tế. Trung bình mỗi trạm được đầu tư, xây dựng với kinh phí 8 tỷ đồng, cao nhất 14 tỷ đồng/trạm. Mỗi trạm cũng có từ 7-12 bác sỹ, y tá và nhân viên.

Từ đó, TP Hà Nội mạnh dạn đề nghị thí điểm chuyển hoạt động của các trạm này sang mô hình bác sỹ gia đình; tổ chức linh hoạt hệ thống trạm y tế theo hướng ở những xã, phường đã có bệnh viện tuyến huyện, tuyến TP, tuyến Trung ương đóng trên địa bàn thì không cần thiết tổ chức trạm y tế.

Tuy nhiên, để làm được, Chủ tịch UBND TP kiến nghị cần sửa đổi một số quy định của Bộ Y tế cũng như tiêu chí trong công tác xây dựng nông thôn mới; cho phép thanh toán bảo hiểm y tế đối với một số dịch vụ khám chữa bệnh thông thường tại các trạm y tế; sửa đổi một số nội dung trong Luật Phí và lệ phí để tạo điều kiện cho các đơn vị sự nghiệp chuyển sang cơ chế tính giá dịch vụ, tăng tính tự chủ về kinh phí.

Không được phân biệt các đơn vị sự nghiệp “công” hay “tư”

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cũng cho biết, đối với cơ sở vật chất, đất đai của các đơn vị sự nghiệp công lập dôi dư sau khi sắp xếp, TP ưu tiên cho các đơn vị hành chính có nhu sử dụng, nếu không sẽ tổ chức đấu giá để tạo nguồn lực cho TP. Hiện nay, TP đã thu về gần 100 địa điểm để giao cho Trung tâm phát triển quỹ đất quản lý.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá Hà Nội đã có những bước đi phù hợp và đạt được những kết quả ban đầu trong đổi mới cơ chế hoạt động của ĐVSNCL trong thời gian qua.

Tuy nhiên, mức độ tự chủ của các ĐVNSCL của thành phố vẫn còn hạn chế và đề nghị Hà Nội cũng như các bộ, ngành đánh giá kỹ vấn đề này, trong đó chú ý đánh giá việc thực hiện tự chủ về tài chính- là bước quan trọng để thực hiện tự chủ biên chế, nhân sự.

Phó Thủ tướng cũng chia sẻ thực hiện tự chủ tài chính trong hoàn cảnh hiện nay không dễ do liên quan tới việc thực hiện lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ công và các vấn đề bảo đảm các yếu tố kinh tế vĩ mô, an sinh xã hội. Đi liền với đó là tăng cường yêu cầu giám sát của Nhà nước của các bộ, ngành, địa phương và tự quản lý của các ĐVSNCL.

Theo Phó Thủ tướng, trong chủ trương đầu tư, quản lý không được phân biệt các đơn vị sự nghiệp “công” hay “tư” mà phải đối xử công bằng, cạnh tranh lành mạnh.

Trưởng Ban Chỉ đạo yêu cầu Hà Nội tiếp tục hoàn thiện báo cáo để làm căn cứ cho Ban Chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện Đề án trình Trung ương. Đặc biệt, Hà Nội đánh giá kỹ xu hướng xã hội hóa giáo dục ở các cấp mầm non, phổ thông hay việc sắp xếp lại mạng lưới ĐVNSCL theo hướng ngành, lĩnh vực hay theo địa bàn để giảm đầu mối, giảm định biên và nâng cao chất lượng dịch vụ.

N. Huyền

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/ong-vuong-dinh-hue-doi-moi-don-vi-su-nghiep-khong-phan-biet-cong-hay-tu-post228540.info