Ông vua của loài chim “vua”

QĐND - Có thể gọi yến là loài chim... “vua” vì tổ yến xưa chỉ dành cho vua chúa. Có thể gọi anh Võ Thái Lâm ở Ninh Thuận là “ông vua” của loài “chim vua”. "Ông vua yến" khởi nghiệp từ vai trò một huấn luyện viên bóng đá nghèo đến mức chỉ mơ được dùng một bát súp yến. Sau bao nhọc nhằn, cay đắng để có thành công nhưng anh không giấu nghề mà lại miệt mài dạy nghề, giúp nhiều người cùng nuôi yến, cùng làm giàu...

Giấc mơ một bát... súp yến Thành phố Phan Rang mùa thu về, Lâm dẫn chúng tôi ra rạp hát có cái tên thật đẹp: Rạp Thanh Bình ở phố Thống Nhất. Anh ngửa mặt lên trời, bầu trời ríu ran tiếng chim yến và những chấm đen nhỏ xinh chao lượn. Phẩm chất “vua yến” bộc lộ khi anh xòe tay, hai, ba chú chim yến, loài chim khó tính chẳng mấy khi ở gần con người bỗng sà xuống, đậu lên tay. Anh có triết lý thật lạ, cho rằng, chim yến đầy đủ yếu tố của người quân tử: Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín. “Nhân” từ gương mặt hiền tới đức tính sống hài hòa; “Lễ” bởi cả vạn con sống quy củ, đi về trong không gian chật hẹp mà không hề chen lấn; “Nghĩa” bởi chúng sống thủy chung, một vợ một chồng... Bước vào rạp với cánh cửa to đã bị xây bịt kín, chỉ chừa một cửa sắt nhỏ tý, đóng im ỉm với bảo vệ canh phòng cẩn mật, nơi chim yến lúc nhúc làm tổ ken dày, chúng tôi càng thêm kinh ngạc khi nghe anh Lâm kể về thuở chưa lên “ngai vàng” nghề yến. Anh từng bị coi là tên... ăn cắp khi mang bán những tổ yến đầu tiên nuôi từ bàn tay tóe máu... Cuối những năm 90 của thế kỷ trước, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Thể dục Thể thao, anh về Phan Rang, làm huấn luyện viên bóng đá cao cấp. Dù quê anh từ lâu đã có sản phẩm yến sào được dân thu gom từ các hòn đảo nhưng Lâm cũng chỉ dám đứng từ xa thèm “nhỏ dãi”. Một lần, đi dự hội thảo nước uống dinh dưỡng thể thao, nghe người ta giới thiệu nước yến rất hay. Lại nghe nói ở Hồng Công, một bát súp tổ yến có giá từ 30 đến 100USD, còn một cân tổ yến giá lên tới 10.000USD. Thế cho nên, người Ma-lai-xi-a ngồi chơi xơi nước trên bờ mà thu cả tỷ đô-la từ chim yến, nhiều hơn cả ngành đánh cá ngụp lặn ngoài biển khơi. Lâm mê lắm. Cùng lúc ấy, xảy ra chuyện lạ ở rạp hát Thanh Bình. Rạp vắng vẻ, dăm tháng mới có tối phim, buổi kịch, bỗng dưng xuất hiện đàn chim yến gần 100 con bay về làm tổ. Một ngày nọ, anh bất ngờ viết đơn xin từ chức giám đốc Trung tâm thể dục thể thao tỉnh. Kế đó, anh bán nhà, mua lại cả cái rạp hát để làm dự án nhân rộng đàn chim yến! Nghèo mà lại dám đi nuôi loài chim “vua chúa”? Gia đình, bạn bè ai cũng phản đối anh. “Lúc ấy, tôi chỉ nghĩ đơn giản là chưa biết thì học sẽ làm được. Tôi phóng Hon-đa lên Nha Trang, tầm sư học đạo. Nhưng ở đó, người ta chủ yếu thu gom tổ yến từ các đảo yến tự nhiên ngoài biển” - anh Lâm nhớ lại. Có người rỉ tai: “Phải sang In-đô-nê-xi-a mới nhiều thầy giỏi”. Xứ sở này có cả trăm làng nuôi yến, Lâm kiên trì tham gia nhiều khóa học nhưng bài học lớn nhất anh học được là: Không học được gì cả, người ta vẫn giữ nhiều bí quyết. Vẫn không nản chí, Lâm xin vô làm thêm, phụ việc không công cho họ, nay nơi này, mai nơi khác. Cảm mến ý chí của chàng trai Việt Nam, một giáo sư hàng đầu của ngành “yến học” đã truyền thụ cho anh nhiều bài học quý. Chưa hết, anh lại tới Thái Lan, rồi sang Ma-lai-xi-a, đặt chân đến hầu hết các “thánh địa” chim yến, học hỏi được rất nhiều. Hạt giống kiến thức gieo trên mảnh đất đam mê và sự kiên trì đã gặt hái những mùa quả ngọt thành công ngày một lớn. 200, 500, 1000, 5000, rồi 10.000... số chim yến cứ tăng dần. Đến năm 2007, đàn chim yến trong rạp Thanh Bình đã lên tới 20.000 con, trở thành ngôi nhà yến lớn nhất Việt Nam! Lâm không tham thu hoạch sớm, thu hoạch dày mà “khoan thư sức yến”, để yến yên tâm về làm tổ nhiều hơn. Một buổi sáng mùa thu năm 2007, anh đi đến một quyết định lịch sử: Gỡ mẻ tổ yến đầu tiên mang bán! Lúc này, yến Việt Nam vẫn luôn đứng đầu thế giới về chất lượng, cao hơn giá yến nước ngoài 5 - 7 lần nhưng hàng ra tới đâu, hết tới đó. Xách 20kg tổ yến trong bao tải chạy lên TP Hồ Chí Minh, lòng Lâm rộn ràng, cầm chắc phen này mình sẽ thành tỷ phú, được người ta trọng vọng. Anh chạy tới chợ An Đông, mặt mày hớn hở. Nào ngờ, ông chủ quán mặt lạnh băng, nhìn anh từ đầu tới chân rồi hất hàm: - 20 triệu một ký! - Cái gì? Lâm tròn mắt ngạc nhiên - Giá thị trường 60 triệu một ký cơ mà? - Thị trường cái cóc khô gì? Thích thì bán, không thì “biến”, hàng này bán không dễ đâu. Đi tới đi lui, người ta đều ép giá, nhìn anh với con mắt khinh thường. Có người còn nói thẳng: “Mày lấy đâu ra lắm tổ yến thế? Có phải đi... ăn cắp không?”. Mình bao cơ cực mới có được một cân tổ yến mà bị người ta cướp trắng 2/3 giá trị? Lâm lững thững rời chợ An Đông trong nỗi buồn vô hạn. Anh ghé quán, gọi một ly cà phê mà không sao uống nổi, cổ họng đắng ngắt, nước mắt trào ra. “Suốt đêm đó tôi không ngủ, tôi chợt nhận ra, muốn bán yến phải có thương hiệu, phải có nhãn, có tem chống hàng giả, có quy trình, có cẩm nang... Thế là từ năm 2007, tôi mở Công ty TNHH Yến Việt” – Võ Thái Lâm nhớ lại. ... và giấc mơ ngành kinh tế “tỷ đô” Cái tên công ty đã hàm chứa khát vọng lớn của anh. Chất lượng tổ yến Việt Nam đứng đầu trong số 5 nước trên thế giới có chim yến. Vậy thì tại sao Việt Nam lại không thể có thương hiệu yến hàng đầu thế giới? Tại sao không thể có một ngành “kinh tế yến” thu lợi nhiều tỷ đô-la? Với trăn trở ấy, hàng chục năm qua, Võ Thái Lâm đã thầm lặng tìm tòi, cống hiến để phát triển đàn chim yến, hoàn thành và phổ biến công nghệ nuôi yến Made in Việt Nam. Từ thành công gây kinh ngạc làng yến Đông Nam Á là lần đầu tiên nuôi thành công yến trong nhà, anh mạnh dạn tính chuyện mua gom trứng, ấp chim nhân tạo. Ở Việt Nam, các đảo yến tự nhiên rất nhiều trứng yến, anh sẽ mua về. Nhưng nào ngờ, không ít doanh nghiệp Nhà nước sợ “vua yến” cạnh tranh “bóp chết” nên đã bất hợp tác. Họ thà hủy trứng yến, ném trứng xuống biển chứ không bán cho anh. Chiến lược đề ra bị phá sản. Một lần nữa, anh lại phải ra nước ngoài, nhập trứng yến ngoại về cho ấp. Thành công đâu đơn giản, đã có tới 4 lần, cả hơn chục tỷ đồng mua trứng cho về một kết quả toàn... trứng ung, ăn không được, đổ không xong, lòng đau như cắt, kèm theo số nợ chồng chất. Lần thứ 5, anh cắn răng vay nặng lãi, tiếp tục mua trứng về ấp. Đêm cuối chu kỳ của lần này, anh không dám mở mắt khi đưa tay vén lồng ấp. Thành công! 95% trứng nở! Nước mắt anh trào ra... Nghe anh gọi điện báo tin, người thầy ngoại quốc thốt lên: “Vậy là trò đã hơn thầy...”. Đã phát triển một ngành kinh tế yến thì không thể chỉ trông chờ vào thiên nhiên, may rủi mà cần phải có một “nền khoa học công nghệ” nuôi yến xứng tầm. Chẳng cần đề tài, chẳng có dự án, anh tự nghĩ, tự làm hết thảy. Ăn cùng yến, ngủ cùng yến, ra đảo yến, đi nước ngoài học nuôi yến, anh dần phát hiện ra những bí mật. Từ chuyện ở nước ta có bao nhiêu loài tới chuyện chim yến ăn gì, uống gì, thích làm tổ ở đâu? Từ chuyện tiếng hót của yến mẹ khác yến con ra sao tới chuyện chúng chung thủy thế nào? Chiếc máy phun sương cho yến uống nước vừa ra đời, anh lại nghĩ ngay công nghệ nuôi côn trùng khoái khẩu của chúng. Chiếc máy ghi âm tiếng kêu đàn yến ngoài đảo thành tư liệu nhân rộng những băng “nhạc yến”, gọi yến vào nhà. Rồi những ngày đội mưa bão ra đảo kiểm tra, anh bắt gặp những con chim yến bị bão, mỏi cánh rớt trên mặt biển mà ứa nước mắt. Bỗng nhiên ý tưởng xây nhà ngoài đảo mùa mưa bão để “đón yến”, “cứu yến” lóe lên, những “khách sạn yến” ven biển Cần Giờ đã ra đời. Riêng ở khu phố Thống Nhất, cạnh rạp Thanh Bình, mấy ngôi nhà to, nhiều tầng hiện đại khi anh mua về và áp dụng công nghệ của mình, yến lại kéo về làm tổ. Một vương quốc chim yến giữa lòng thành phố Phan Rang đã hình thành. Nhưng cũng từ đây, khát vọng của Võ Thái Lâm rẽ sang một con đường khác. Làm giàu cho mình rồi, anh muốn giúp được nhiều người xung quanh mình giàu lên. “Thành phố chim yến” ở Phan Rang khiến anh nghĩ đến ý tưởng phải xây dựng cho được một khu làng chim yến quy mô, bề thế, quy tụ được thật nhiều nông dân nuôi yến, làm giàu. Anh viết dự án xây dựng làng nghề nuôi chim yến trong nhà dọc theo bờ sông Dinh với tổng diện tích khoảng 50ha và hơn 400 căn nhà yến. Hôm báo cáo lãnh đạo tỉnh về dự án, đồng chí chủ tịch tỉnh hỏi anh: “Đền bù, giải phóng mặt bằng ra sao?”. Anh đáp: “Thưa, hổng có đền bù chi hết. Lấy đất của dân rồi làm giàu riêng cho mình thì em không làm. Lấy đất rồi để họ mất đất, mất nghề thì tội lắm. Cách làm của em là dân góp đất, góp công cùng xây dựng làng với mình, mình hướng dẫn họ làm nhà chim, cung cấp giống, kỹ thuật nuôi và bao tiêu sản phẩm yến sào. Họ giữ đất, giữ nghề mãi mãi, họ mạnh thì mình mạnh”. Nghe anh thuyết trình, Bí thư tỉnh ủy nắm tay anh xúc động: “Tam nông” là đây, cố làm cho tốt”. Anh còn xây dựng nhà máy chế biến yến để bà con có thể bán hàng được tận gốc, còn anh xuất được hàng với giá cao nhất. Nhắc lại chuyện này, anh tâm tình: “Chọn mô hình hợp tác xã nông nghiệp quản trị thế nào, trong mấy trăm hộ, ai là người có tiếng nói, có trình độ để bầu ra một ông chủ tịch hợp tác xã? Phải có mô hình thành công thì mới có nhiều nông dân tham gia, cố gắng 5 năm sẽ hình thành làng nghề, một hợp tác xã kiểu mới, một mô hình tam nông mới. Làng chim yến không chỉ bán tổ yến mà còn thành địa chỉ du lịch hấp dẫn, một thành phố chim yến trong tương lai...”. Hôm chúng tôi đến Phan Rang, cũng vừa lúc anh mới mở lớp đào tạo nuôi chim yến với mấy chục người từ những thanh niên trẻ măng tới người già tóc bạc phơ đang cần mẫn ghi chép. Giảng viên là giáo sư, dược sĩ Kamalsak, một trong những chuyên gia “yến học” hàng đầu Thái Lan. Hỏi ra, mới hay, học viên đến từ khắp nơi Phan Rang, Nha Trang, Phú Quốc, Cà Mau. Ai yêu thích, muốn học nghề đều được anh mời về dạy nuôi yến miễn phí! Phóng sự của NGUYÊN MINH

Nguồn QĐND: http://qdnd.vn/qdndsite/vi-vn/91/68/72/72/72/158493/Default.aspx