Ông Vũ Đình Duy xin đi chữa bệnh: Nghịch lý đồng lương

“Trình độ y tế của VN không tệ đến mức phải ra nước ngoài để chữa bệnh. Nhưng ở đây còn nhiều vấn đề tiêu cực ngoài phạm vi y tế”.

Nhiều tiêu cực

Thời gian gần đây liên tiếp các vị cán bộ, lãnh đạo doanh nghiệp, tập đoàn xin ra nước ngoài chữa bệnh. Đáng chú ý là giá khám chữa bệnh ở nước ngoài rất cao, đặc biệt so với mặt bằng thu nhập của quan chức ở Việt Nam.

Trao đổi với Đất Việt về vấn đề này, bà Mai Thị Ánh Tuyết (ĐBQH An Giang) cho rằng việc khám chữa bệnh ở nước ngoài là nhu cầu chính đáng của tất cả mọi người. Việc này đã có những quy định rõ ràng và nhà nước không hề cấm đoán.

“Nhà nước không hề ngăn cấm việc này. Nhưng quan trọng cần xác định ai đi? Đi trong thời điểm nào? Đi trong bối cảnh nào thì sẽ có đặc thù riêng.

Nếu cán bộ, công chức đi do yêu cầu khách quan thì đó là việc bình thường. Nhưng hiện nay có những cá nhân vì nhiều lý do mà lợi dụng, né tránh, lấy cớ đi nước ngoài. Đó là việc nhà nước ta nghiêm cấm”, bà Tuyết nhấn mạnh.

Cùng đưa ra quan điểm, ĐBQH tỉnh Đồng Nai, ông Dương Trung Quốc khẳng định, tình trạng trên không phải đến thời điểm bây giờ dư luận mới nhắc đến. Việc này đã tồn tại từ lâu và không quá bất ngờ với các ĐBQH.

Ông Vũ Đình Duy mất tích sau khi có đơn đi chữa bệnh

“Trong một chừng mực nào đó, đây là một sự thất thoát không hề nhỏ. Tôi đã có lúc nói rằng chúng ta ưu tiên dùng hàng Việt Nam nhưng tại sao lại không hình thành một cuộc vận động người dân chữa bệnh trong nước? Nếu cấm có thể kỷ luật để người dân có ý thức hơn.

Tôi nghĩ nếu các nhà lãnh đạo có trách nhiệm và quan tâm đúng mức thì sẽ đầu tư nhiều hơn vào việc này”, ông Quốc nói.

Tuy nhiên theo ông Dương Trung Quốc, việc ra nước ngoài chữa bệnh hiện nay không đơn thuần chỉ vì mục đích thăm khám sức khỏe mà đã biến tấu thành nhiều vấn đề xã hội nghiêm trọng, thậm chí trốn tránh trách nhiệm cá nhân khi phát hiện sai phạm.

Đặc biệt, xét về thu nhập theo chế độ lương bổng, vị ĐBQH thừa nhận đang tồn tại nghịch lý mà ai cũng hiểu và có thể trả lời được.

“Người ta không sống bằng lương. Ngoài lương ra, cán bộ còn có nhiều khoản khác. Những người có điều kiện kinh tế, họ sắm sửa bất động sản ở nước ngoài, cho con em đi du học. Thậm chí còn những vấn đề thuộc dạng tiêu cực như: Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đình Duy đi ra nước ngoài để trốn tránh trách nhiệm trước pháp luật. Cơ chế của Việt Nam như thế nên dẫn đến nhiều vấn đề tiêu cực”, ông Quốc nêu quan điểm.

Theo ông Quốc, để giải quyết tình trạng này, một phần cần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh trong nước, một phần nâng cao vai trò, trách nhiệm quản lý của nhà nước.

“Một khi đã có cái gì khuất tất thì người ta sẽ tìm mọi cách để trốn tránh. Vấn đề là các cơ quan nhà nước có quản lý được không? Chúng ta phải nhìn vào chính mình. Cán bộ đi ra nước ngoài mà những người có thẩm quyền không biết họ đi đâu, làm gì. Còn cán bộ bình thường muốn nghỉ thì không hề dễ dàng, đủ thứ thủ tục, giấy tờ… Chúng ta làm hết sức lỏng lẻo”, ông Quốc khẳng định.

Vượt ra ngoài phạm vi sức khỏe

Nhìn nhận ở góc độ chuyên môn, GS Phạm Gia Khải - Ban chăm sóc và Bảo vệ sức khỏe Trung ương - Nguyên Viện trưởng Viện tim mạch Quốc gia khẳng định bản thân đã từng sống và làm việc nhiều năm ở trong nước cũng như nước ngoài.

Cá nhân GS Khải nhận thấy, trình độ y tế của Việt Nam không thua kém gì các nước, thậm chí có những lĩnh vực nước bạn còn kém hơn chúng ta. Tuy nhiên hiện nay vẫn có một bộ phận không nhỏ cán bộ, viên chức đổ xô sang nước ngoài chữa bệnh.

Lý giải điều này, GS Khải cho rằng xuất phát nhiều từ tâm lý cá nhân. Những người giàu có ngày càng tăng lên, vì thế họ có nhu cầu chữa bệnh ở những nơi có danh tiếng, sạch sẽ, tránh cảnh chen chúc, đông đúc như ở Việt Nam.

“Trình độ y tế của Việt Nam không tồi tệ đến mức người ta phải ra nước ngoài để điều trị. Nhưng đây là nhu cầu của mỗi người, chúng tôi không thể và không có quyền ngăn cấm. Một số ngành đúng là ở nước ngoài điều trị rất tốt nhưng 1 số ngành cũng hơn gì ở Việt Nam”, GS Khải chia sẻ.

Với kinh nghiệm nhiều năm trong nghề, ông Khải khẳng định, để chữa bệnh tại nước ngoài như: Singapore, Thái Lan hay các nước châu Âu, chi phí bỏ ra không hề nhỏ. Tuy nhiên nhiều người vẫn sẵn sàng bỏ ra cả trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng để đi chữa bệnh.

“Chi phí khám chữa bệnh ở nước ngoài rất cao. Nếu xảy ra tai nạn điều trị thì người ta không đền.

Và trong trường hợp này bảo hiểm y tế cũng không chi trả gì cả. Những người chữa bệnh hoàn toàn tự bỏ tiền túi ra. Không khó để lý giải điều này. Lương của Việt Nam thì thấp nhưng lậu thì nhiều hơn rất nhiều. Nhà nước thu thuế thì chỉ thu theo tài khoản nhưng có những khoản thu người ta không thu qua tài khoản thì sao thu thuế được. Cho nên thu nhập thực sự của lãnh đạo các ngành của chúng ta nhiều lắm, thậm chí hàng tỷ đồng nhưng chúng ta không kiểm soát được”, ông Khải nhận định.

Ông Khải cũng nhắc đến việc, nhiều quan chức gặp vấn đề thì liền cáo bệnh xin ra nước ngoài chữa bệnh. Theo ông, ở đây không chỉ dừng lại ở vấn đề chuyên môn mà còn kèm nhiều yếu tố kinh tế, xã hội.

“Tôi thấy trường hợp Trịnh Xuân Thanh hay Vũ Công Duy đã vượt qua phạm vi của sức khỏe rồi. Họ muốn trốn trách nhiệm cá nhân nên tìm cách trốn tránh. Nhiều trường hợp ra nước ngoài để chuyển tiền cho dễ dàng. Y tế chỉ có chức năng khám, chữa bệnh chứ không có quyền ngăn cản, ngăn cấm đi khám ở nước ngoài. Vấn đề là phải nâng cao trách nhiệm quản lý của nhà nước”, ông Khải nhấn mạnh.

Hoàng Hà

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/ong-vu-dinh-duy-xin-di-chua-benh-nghich-ly-dong-luong-3322540/