Ông Võ Kim Cự sẽ không thể tiếp tục từ chối báo chí

"Là đại biểu QH thì phải tiếp xúc, cung cấp thông tin cho báo chí, nhất là sự việc xảy ra khi mình đang là lãnh đạo tỉnh nhà. Hơn ai hết, mình phải chủ động để cung cấp thông tin" - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói về việc ông Nguyễn Kim Cự từ chối báo chí.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trao đổi với báo chí sáng 23/7

Sáng nay (23/7), tại cuộc gặp mặt báo chí lần đầu tiên sau khi nhậm chức, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã trả lời tất cả các câu hỏi mà phóng viên đặt ra một cách cởi mở, thẳng thắn, trong đó có rất nhiều câu hỏi liên quan đến vụ việc Formosa.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, để có kết luận việc Formosa gây ra sự cố môi trường và khiến doanh nghiệp này cúi đầu nhận lỗi, bồi thường, cam kết xử lý môi trường... là thắng lợi bước đầu.

“Hậu quả đã diễn ra rồi, nhưng đấu tranh để có được kết quả, dân thì nói là chậm nhưng không thể nhanh được. Biển mênh mông như thế, mình phải có căn cứ, có cơ sở khoa học, có bằng chứng khoa học thì người ta mới nhận lỗi. Chính phủ đã làm rất chặt chẽ. Cho tới nay, Chính phủ đang thực hiện việc này nhưng Quốc hội sẽ tiếp tục giám sát” Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói.

Tuy nhiên, bà khẳng định chưa đặt vấn đề lập Ủy ban lâm thời vì tất cả các cơ quan đã vào cuộc, và đã có những báo cáo rất cụ thể.

“Bộ Chính trị đã họp nhiều phiên để nghe báo cáo và chỉ đạo chặt chẽ" - Chủ tịch Quốc hội nói.

Nêu quan điểm về việc ngay tại kỳ họp này, phóng viên rất khó tiếp cận đại biểu Võ Kim Cự để hỏi về các vấn đề liên quan đến dự án Formosa thời ông Cự còn làm Chủ tịch, Bí thư tỉnh Hà Tĩnh, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói:

“Vấn đề Formosa chúng tôi cũng biết chi li cặn kẽ mà nhiều đại biểu ở địa phương có thể cũng không biết được. Do đó, để đủ thông tin cung cấp cho báo chí thì phải biết rõ mới nói. Việc ông Võ Kim Cự tránh báo chí là quyền của ông Võ Kim Cự, nhưng tôi sẽ gặp ông Cự để nhắc nhở. Là đại biểu Quốc hội thì phải tiếp xúc, cung cấp thông tin cho báo chí, nhất là sự việc xảy ra khi mình đang là lãnh đạo tỉnh nhà. Hơn ai hết, mình phải chủ động để cung cấp thông tin cho báo chí. Cung cấp kịp thời thông tin cho báo chí thì báo chí mới có nhìn nhận đầy đủ và đưa thông tin cho đầy đủ, còn hơn là cứ mập mờ và tránh né" - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

“Khi tôi trao đổi với đại biểu cũng nói rằng, những cái khoát tay từ chối với phóng viên báo chí là không hay. Trong sinh hoạt của Quốc hội tôi sẽ đề nghị các đại biểu cung cấp một số thông tin chính thức, trung thực, khách quan"- Chủ tịch Quốc hội khẳng định.

Đại biểu Võ Kim Cự cương quyết từ chối trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội dù phóng viên liên tục đeo bám

Nói về việc Formosa được cấp phép đầu tư 70 năm, Chủ tịch Quốc hội khẳng định Quốc hội vẫn đang giám sát, không chỉ với doanh nghiệp này mà giám sát tất cả việc chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường trong phát triển kinh tế. Trong giám sát sẽ làm rõ trách nhiệm - đó là vấn đề quan trọng nhất cần quan tâm.

Chủ tịch Quốc hội khẳng định, “Formosa là một bài học đắt giá để chúng ta phải xem xét lại các dự án kinh tế, đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam trong tương lai".

Trả lời câu hỏi của báo điện tử VnMedia về việc làm thế nào để buộc và và giám sát các đại biểu thực hiện nhiệm vụ của mình trong chất vấn, giám sát và xây dựng luật chứ không chỉ là những ông “nghị gật”, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, mỗi một đại biểu đã được sàng lọc nhiều lần, và hơn ai hết tự mỗi đại biểu phải ý thức được trách nhiệm trước cử tri, phải rèn luyện phẩm chất đạo đức trước cử tri.

“Quốc hội sẽ có giải pháp thông qua các đoàn, các cơ chế làm việc của Quốc hội. Từng Ủy ban, Hội đồng của Quốc hội sẽ có những đánh giá đại biểu. Vừa rồi chúng ta cũng có cách đánh giá bao nhiêu đại biểu đã phát biểu, bao nhiêu đại biểu chưa phát biểu. Và để cho công tâm, chúng ta phải đánh giá cả hoạt động của họ ở tổ và các hoạt động mà đại biểu đó tham gia như các đoàn giám sát, đoàn công tác... Kỳ này chúng tôi cũng sẽ khuyến khích để cho các đại biểu phát biểu tại nghị trường để cử tri, nhân dân và đại biểu khác đánh giá".

Lập trường về chủ quyền biển đảo là không thay đổi

Liên quan đến chủ quyền biển đảo, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định: Lập trường Quốc hội khóa 14 vẫn không có gì thay đổi so với khóa 13. “Việt Nam luôn nhất quán một lập trường đối với chủ quyền, không có gì thay đổi từ trước tới nay. Đó là điều thiêng liêng. Nói đến chủ quyền, đó là điều thiêng liêng của mỗi người dân Việt Nam" - Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

“Để bảo vệ chủ quyền biển đảo của chúng ta, nhất là có tranh chấp nhiều bên, 5 nước 6 bên ở Biển Đông thì phải có biện pháp, kể cả đấu tranh chính trị, ngoại giao và thực địa để bảo đảm chủ quyền; tôn trọng hòa bình ổn định trong khu vực, để cho nhân dân có môi trường hòa bình làm ăn, sinh sông, phát triển đất nước. Chúng ta không hiếu chiến, không đe dọa dùng vũ lực, sử dụng vũ lực để giải quyết vấn đề tranh chấp.

“Đất nước chúng ta rất khôn khéo nên nhân dân chúng ta được sống trong hòa bình, trong yên ổn chứ không phải cứ hô hào thật to, kích động là có được chủ quyền. Một số tổ chức, cá nhân lên tiếng hô hào thế này thế nọ, nhưng họ đã làm gì cho đất nước? họ chưa làm gì cả, chỉ có nói và kích động, làm rối tình hình" – Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Đối với vụ kiện giữa Phillipine và Trung Quốc, Chủ tịch Quốc hội cho biết, “Việt Nam không phải là một bên trong vụ kiện, nhưng vì có liên quan nên chúng ta phải theo dõi và người phát ngôn đã lên tiếng. Chúng ta hoan nghênh phán quyết cuối cùng của tòa án nhưng đang tiếp tục nghiên cứu thật kỹ, xem có lời lẽ hay điều gì động chạm tới lợi ích của chúng ta để lên tiếng".

Chủ tịch Quốc hội cũng khẳng định, dân tộc Việt Nam anh hùng, bằng chứng là vụ giàn khoan 981 của Trung Quốc xâm phạm vùng biển của Việt Nam. “Trong 75 ngày đêm, chúng ta tàu thì bé, số lượng ít, trang thiết bị chưa hiện đại, nhưng không giờ phút nào không có mặt ở thực địa, đấu tranh thực địa. Về đấu tranh chính trị thì chúng ta có ý kiến đề nghị không dùng vũ lực, tôn trọng luật pháp; Quốc hội gửi thư đề nghị Trung Quốc tôn trọng chủ quyền. Về ngoại giao nhân dân thì có các đoàn công tác đi nước ngoài vận động quốc tế ủng hộ, đưa các đoàn nhà báo nước ngoài và trong nước ra thực địa, đưa lên báo chí quốc tế...” – Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Xuân Hưng

Nguồn VnMedia: http://vnmedia.vn/dan-sinh/201607/ong-vo-kim-cu-se-khong-the-tiep-tuc-tu-choi-bao-chi-537150/