Ông Trump nói sự thật đau tàu sân bay 13 tỷ USD

Theo Tổng thống Trump, tàu sân bay USS Gerald R.Ford nên dùng máy phóng hơi nước thay vì điện từ như thiết kế. Tuy nhiên, Hải quân Mỹ lập tức phản đối.

Tuyên bố sốc

Nói về hệ thống phóng máy bay điện từ trên tàu sân bay USS Gerald R.Ford trong một cuộc phỏng vấn của tạp chí Time, Tổng thống Trump cho rằng hệ thống mới sẽ rất tốn kém so với kỹ thuật hiện giờ. Bên cạnh đó, nó cũng "chẳng tốt gì" khi đi vào hoạt động.

Tổng thống Trump nói: "Ý kiến đó nghe có vẻ tệ. Kỹ thuật số. Bọn họ có kỹ thuật số. Kỹ thuật số là cái gì?". Vị tổng thống này còn mỉa mai rằng chỉ có Albert Einstein mới có thể tìm ra cách sử dụng công nghệ kỹ thuật số để thay thế hệ thống phóng bằng hơi nước cho tàu sân bay lớp Ford thế hệ mới.

Trước tuyên bố của ông Trump, Hải quân Mỹ bảo vệ ý kiến áp dụng hệ thống máy phóng điện từ (EMALS) cho tàu sân bay lớp Ford có tuổi đời hoạt động lên tới 50 năm sẽ cắt giảm được 4 tỷ USD phí bảo dưỡng trong suốt quá trình hoạt động.

Tiêm kích F-35C thử nghiệm bằng hệ thống máy phóng hơi nước.

Hải quân Mỹ cho rằng, việc phụ thuộc vào hơi nước đồng nghĩa với việc phải xây dựng lại các bộ phận bên trong tàu Ford – chiếc tàu được thiết kế không có các ống dẫn hơi nước từ tuốc bin tới đường bay.

Ngoài ra, làm theo lời yêu cầu của ông Trump sẽ phải lắp đặt một hệ thống đường ống hoàn toàn mới trên tàu sân bay USS Gerald R.Ford, trong khi bỏ đi hàng kilomet đường cáp điện được lắp sẵn cho hệ thống EMALS.

Tạp chí khoa học Popular Mechanics tính toán rằng, chi phí chỉnh sửa tàu sân bay USS Gerald R. Ford theo yêu cầu của ông Trump với hệ thống phóng bằng hơi nước sẽ ngốn đến hàng trăm triệu (có khi đến hàng tỷ) USD.

Hiện chi phí đóng tàu là 12,9 tỷ USD, vượt dự toán kinh phí hơn 20%.

Hiện đại không đi đôi với hiệu quả

Ngay sau tuyên bố gây sốc của Tổng thống Trump được phát đi, tạp chí Bloomberg News đã tỏ ra đồng tình với tuyên bố này và thừa nhận rằng, những công nghệ quốc phòng được Lầu Năm Góc ca ngợi là đỉnh cao chưa hẳn đã mang lại hiệu quả như mong muốn.

Bloomberg News dẫn nguồn tin từ Hải quân Mỹ cho biết, tàu sân bay USS Gerarld R. Ford (CVN-78) đã xuất hiện sự cố trong quá trình thử nghiệm ở hệ thống phóng, hạ máy bay, hệ thống vận chuyển vũ khí quân sự và hệ thống phòng vệ.

Báo cáo của Tiến sĩ Michael Gilmore, người đứng đầu Cơ quan đánh giá hoạt động thử nghiệm (DOT&E) cho biết: "Nếu những vấn đề này không được giải quyết, chúng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến khả năng vận hành chiến đấu của CVN-78. Theo dự đoán, CVN-78 không thể tiến hành các hoạt động bay cường độ cao ở giai đoạn của cuộc chiến".

Theo bản báo cáo này, các bình nhiên liệu bổ sung, giúp các máy bay F/A-18 Super Hornet và Growler mở rộng được phạm vi hoạt động, có thể mang theo hơn 1.500 lít nhiên liệu.

Tuy nhiên, hệ thống phóng máy bay bằng điện từ sẽ gia tăng thêm sức ép lên các bình này nhiều hơn hệ thống hỗ trợ phóng bằng hơi nước cũ, điều sẽ khiến các chiến đấu cơ có thể bị hư hại nghiêm trọng.

Không chỉ có trường hợp của CVN-78, tạp chí này còn chứng minh công nghệ đỉnh cao hoàn toàn có thể bị "đắp chiếu" trong Hải quân Mỹ. Với tầm bắn 160km cùng tốc độ Mach 7, pháo điện từ trên siêu hạm Zumwalt sẽ xé nát mục tiêu không cần dùng đến tên lửa.

Tuy nhiên, sức mạnh của hệ thống pháo công nghệ cao trên siêu hạm lớp Zumwalt nhiều khả năng chỉ dừng lại ở những tuyên bố bởi Mỹ đang không có đạn cho khẩu pháo công nghệ cao này. Hiện tại, Hải quân Mỹ đang cân nhắc hủy bỏ chương trình trang bị loại pháo được cho là "khủng nhất" này do chi phí cho mỗi viên đạn của nó lên tới 800.000 USD.

Bloomberg News dẫn nguồn tin từ Hải quân Mỹ, hai khẩu pháo tầm xa LRLAP trang bị trên tàu, do tập đoàn Lockheed Martin chế tạo, đã hoạt động đúng như thiết kế. Chúng bắn ra những viên đạn có khả năng dẫn đường bay và tấn công chính xác nhiều loại mục tiêu khác nhau.

Nhưng hiện nay do hải quân Mỹ cắt giảm số lượng tàu khu trục lớp Zumwalt mà họ dự kiến mua, từ 28 xuống 7 chiếc và cuối cùng còn 3 chiếc, một phần do chi phí cho kho đạn dược của nó đã tăng vọt, tới mức khó chấp nhận được. Vì vậy, siêu hạm này đang đứng trước nguy cơ bị xếp xó.

Trong khi đó, một chương trình quốc phòng siêu tốn kém khác của Mỹ là F-35 cũng không chứng minh được sức mạnh của mình. Theo thống kê của Lầu Năm Góc, dù là tiêm kích thuộc thế hệ 5 nhưng trong hầu hết các cuộc không chiến giả định trước máy bay thế hệ 4 của Nga, thất bại đều thuộc về F-35.

Clip tàu sân bay USS Gerald R.Ford thử nghiệm máy phóng điện từ

Tuấn Vũ

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/ong-trump-noi-su-that-dau-tau-san-bay-13-ty-usd-3335401/