Ông Trump lấy lệnh trừng phạt làm 'át chủ bài' ra điều kiện với Nga?

Phải chăng ông Trump sẽ sử dụng lệnh trừng phạt từ thời ông Obama như một quân 'át chủ bài' nhằm ra điều kiện trong quan hệ với Nga?

Ngày 13/1, Tổng thống đương nhiệm Barack Obama đã gia hạn thời gian áp đặt lệnh trừng phạt đối với Nga thêm 1 năm, dù lệnh này đã được áp dụng với Nga từ năm 2014, sau cuộc trưng cầu dân ý Crimea và bắt đầu xung đột ở miền đông Ukraine.

 Chỉ còn ít ngày làm việc ở vị trí tổng thống Mỹ nhưng ông Obama liên tục "bồi" thêm những biện pháp trừng phạt với Nga.

Chỉ còn ít ngày làm việc ở vị trí tổng thống Mỹ nhưng ông Obama liên tục "bồi" thêm những biện pháp trừng phạt với Nga.

“Những hành động và chính sách của Chính phủ Liên bang Nga, bao gồm việc sáp nhập có mục đích Crimea và sử dụng vũ lực ở Ukraine, đã tiếp tục đặt ra một mối đe dọa bất thường đối với an ninh quốc gia và chính sách đối ngoại của Mỹ”, ông Obama nói trong một thông cáo báo chí.

“Vì thế, tôi đã xác định cần thiết phải tiếp tục sắc lệnh khẩn cấp quốc gia được tuyên bố trong sắc lệnh hành pháp 13360 (đưa ra ngày 16/3/2014) thêm 1 năm”, Tổng thống Mỹ nói thêm.

Đầu tuần trước, một nhóm các thượng nghị sĩ Mỹ cũng đã đề xuất gia hạn các lệnh trừng phạt chống lại Mỹ về vấn đề Ukraine, Crimea và những cáo buộc Moscow can thiệp vào bầu cử tổng thống Mỹ. Đề xuất trên nhằm vào ngành công nghiệp năng lượng và những cá nhân liên quan tới ngành quốc phòng cũng như tình báo Nga.

Trong một bài phỏng vấn mới đây trên tờ Wall Street Journal, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã bình luận về sự giới hạn của Mỹ đối với Nga.

Ông Trump cho rằng ông sẽ tiếp tục giữ lệnh trừng phạt Nga “ít nhất trong vòng một thời gian” nhưng nhấn mạnh rằng quá trình bình thường hóa với Nga là rất quan trọng.

“Vì sao ai đó lại bị trừng phạt chỉ vì họ đang làm những điều thực sự tuyệt vời. Nếu Nga thực sự đang giúp chúng ta, tại sao phải áp lệnh trừng phạt”, Tổng thống đắc cử Mỹ nói.

Qua khẳng định trên của ông Donald Trump có thể thấy vị tổng thống thứ 45 của nước Mỹ đã khái quát một cách ngắn gọn tương lai quan hệ Mỹ - Nga khi ông nắm quyền: Nếu Nga đối xử tốt với Mỹ thì Washington sẽ sẵn sàng giữ thái độ hòa hoãn.

Ông Trump sẽ không hoàn toàn gỡ bỏ lệnh trừng phạt với Nga mà sẽ dùng đó để "ra điều kiện" với Nga, các chuyên gia nhận xét.

Như vậy, ông Trump đang ra điều kiện với Nga nếu Kremlin muốn nới lỏng những biện pháp trừng phạt từ Nhà Trắng. Trên thực tế, trong một bài phỏng vấn trên tờ Times hồi tuần trước, ông Trump cho biết ông sẽ đề xuất chấm dứt trừng phạt Nga để đổi lại một thỏa thuận cắt giảm vũ khí hạt nhân với Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Về những phát biểu trên của ông Trump, nhà phân tích chính trị Nga Sergei Mikheev nói rằng Washington sẽ không hoàn toàn gỡ bỏ trừng phạt Nga.

“Nền chính trị toàn cầu chưa bao giờ thấy sự thay đổi như vậy. Khi ông Trump nắm quyền, có khả năng Mỹ sẽ hợp tác với Nga về vấn đề Syria và sẽ dần dần xóa bỏ những trừng lệnh trừng phạt hiện tại. Nhưng xóa bỏ hoàn toàn là điều khó xảy ra. Mỹ cần có điều kiện với Nga, và ông Trump sẽ sử dụng điều đó để đàm phán với điện Kremlin”, ông Mikheev nói với báo Nga Vzglyad.

Cùng lúc đó, theo chuyên gia, việc hủy bỏ những biện pháp trừng phạt cũng không có lợi với Nga bởi Washington có thể sẽ đòi hỏi những nhượng bộ từ phía Moscow.

Vấn đề về các biện pháp trừng phạt “nên được đưa lên bàn đàm phán” giữa Moscow và Washington, Giám đốc Viện nghiên cứu Chiến lược Quốc gia Nga Mikhail Remizov nói.

“Càng chú ý tới những lệnh trừng phạt trên thì càng gây thêm sai lầm cho quan hệ giữa hai nước. Trong quan hệ đó, Washington cố ý tạo ra những mối đe dọa đối với đối tác của mình, Moscow”, ông Remizov nói.

Theo chuyên gia, ông Trump có thể lợi dụng các lệnh trừng phạt từ thời ông Obama để làm “quân át chủ bài được giấu trong cánh tay áo” trong các cuộc đàm phán với điện Kremlin.

Nhìn chung, vị tổng thống doanh nhân của Mỹ có thể tạo ra bước ngoặt lịch sử cho quan hệ Mỹ - Nga, một mối quan hệ có lợi cho Mỹ, nhưng không ai dám chắc rằng Moscow cũng có lợi trong định dạng đó, bởi nó còn phụ thuộc vào hành động cụ thể của Washington.

Sự thân thiện của ông Trump đối với Nga chỉ mang tính cảm xúc riêng tư nên chưa chắc nó được áp dụng vào các chính sách của chính quyền thứ 45 của nước Mỹ.

Năm 2014, Mỹ cũng các đồng minh thuộc Liên minh châu Âu EU đã áp đặt một loạt các biện pháp trừng phạt nhằm vào những lĩnh vực chủ chốt của Nga cùng một số cá nhân, tổ chức liên quan.

Washington và EU cáo buộc Moscow châm ngòi cho xung đột ở phía đông nam Ukraine và gọi việc Nga sáp nhập Crimea là trái với luật pháp quốc tế.

Nga đã nhiều lần bác bỏ cáo buộc sự can thiệp của Moscow đối với công việc nội bộ Ukraine và chỉ ra rằng Crimea đã tổ chức trưng cầu dân ý và đa phần người dân vùng này đồng ý sáp nhập vào Nga.

Danh Tuyên

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/ong-trump-lay-lenh-trung-phat-lam-at-chu-bai-ra-dieu-kien-voi-nga-a312871.html