Ông Trump đang khiến 'kẻ khóc người cười' vì biến động tỷ giá

Trái ngược với dự đoán của giới tài chính rằng khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ, tỷ giá USD sẽ sụt giảm thì mọi chuyện đang diễn ra theo chiều ngược lại.

Tỷ giá USD/VND, JPY/VND biến động bất ngờ trong vài tuần gần đây khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ đang tác động không nhỏ đến các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, đặc biệt là những doanh nghiệp có khoản vay lớn bằng các ngoại tệ này...

Vay USD thì... “khóc”, vay Yên lại cười

Diễn biến cả thị trường quốc tế và trong nước, tỷ giá đồng USD đang gia tăng “chóng mặt”, từ 22.300 VND/USD lên 22.790 VND/USD (thời điểm ngày 24.11). Có thể nói, tỷ giá đồng USD đang “nổi sóng” khiến cho nhiều doanh nghiệp có khoản vay nợ bằng đồng bạc xanh đang “nhấp nhổn” không yên. Trên sàn niêm yết, những cái tên không xa lạ như: Nhiệt điện Hải Phòng (mã HND); Tổng CTCP Vận tải Dầu khí (PVT); CTCP Vận tải biển Vinaship (VNA), CTCP Vận tải xăng dầu Vitaco (VTO); CTCP Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (NT2); Phân bón Dầu khí Cà Mau (DCM)... thường được giới đầu tư chú ý nhiều khi tỷ giá USD tăng vì đây là những đơn vị có các khoản vay đầu tư bằng USD lên tới hàng chục, hàng trăm triệu USD.

Chẳng hạn, tại Nhiệt điện Hải Phòng (HND), theo thống kê thì dư nợ vay và nợ thuê tài chính của công ty này hiện lên đến 11.404 tỷ đồng trong đó có 9.507 tỷ đồng vay dài hạn. Trong số các khoản vay dài hạn, dư nợ vay USD lên tới 412,46 triệu USD (chủ yếu là nhận nợ lại khoản vay giữa Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Ngân hàng XNK Trung Quốc), chưa kể dư nợ vay JPY của công ty cũng vào khoảng 6,88 triệu JPY. Những khoản vay này khiến quý 3 vừa qua HND nhận lỗ chênh lệch tỷ giá hạch toán gần 78 tỷ đồng.

Một đơn vị khác cũng có khoản vay USD lên tới vài trăm triệu là Điện lực dầu khí Nhơn Trạch 2 (NT2). Tại thời điểm kết thúc quý 3.2016, Nhơn Trạch 2 có dư nợ vay dài hạn hơn 5.300 tỷ đồng trong đó gần 1.100 tỷ đồng đến hạn trả. Dư nợ gốc đến 30.9 của NT2 là 112 triệu USD và 101,6 triệu EURO.

Trong khi đó, Tổng CTCP Vận tải Dầu khí (PVT) với khoản vay đầu tư khoảng 80 triệu USD; CTCP Vận tải biển Việt Nam (VOS), CTCP Vận tải biển Vinaship (VNA); Phân bón Dầu khí Cà Mau (DCM)... chắc chắn cũng đang “đau đầu” với đà tăng của đồng bạc xanh trong những ngày gần đây.

Trái ngược với đà tăng của đồng bạc xanh, tỷ giá đồng Yên Nhật (JPY) đang có đà giảm gần 11% so với thời điểm ông Trump đắc cử tổng thống (ngày 11.9) khiến nhiều DN vay nợ đồng Yên khá... thoải mái.

Trong số này, phải kể đến Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) vì đây là DN sử dụng nhiều vốn viện trợ phát triển chính thức (ODA) từ Nhật. Theo đó, tính đến thời điểm 30.6, ACV vay nợ dài hạn hơn 70 tỷ Yên để thực hiện dự án xây dựng nhà ga hành khách quốc tế sân bay Tân Sơn Nhất, xây dựng nhà ga T2 cảng hàng không quốc tế Nội Bài. Chính khoản vay này khiến ACV bị ảnh hưởng nặng nề bởi đồng Yên với khoản lỗ tới 124 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2016.

Chưa kể, với cơ cấu vay này, ước tính nếu đồng tiền Nhật tăng 1% thì ACV sẽ lỗ khoảng 200 tỷ đồng trong năm 2016. Tuy nhiên, việc đồng Yên giảm giá 11% và nếu đà giảm này vẫn ổn định đến cuối năm thì ACV có khả năng được hoàn nhập dự phòng tỷ giá 1.260 tỷ đồng.

Tỷ giá tăng là... “hết sức bình thường”

Đánh giá về diễn biến tỷ giá đồng USD tăng những ngày qua, phía Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho rằng, diễn biến tăng tỷ giá là hết sức bình thường, phù hợp với xu hướng tăng tỷ giá trung tâm do NHNN công bố trong thời gian qua. Đồng thời, trên thị trường, cầu ngoại tệ không có yếu tố đột biến, thanh khoản tốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của các tổ chức và cá nhân được các TCTD đáp ứng kịp thời và đầy đủ. Áp lực cầu ngoại tệ cuối năm cũng chưa tăng cao do tín dụng tiếp tục được NHNN kiểm soát ở mức hợp lý...

“Đặc biệt, thời điểm đầu tháng 11 này, Thông tư số 31/2016/TT-NHNN tiếp tục cho phép các DN xuất khẩu được vay ngoại tệ đến hết năm 2017, giúp giảm sức cầu về USD trong ngắn hạn và làm dịu đi phần nào sức ép lên VND trong thời điểm cuối năm”, một đại diện Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM thông tin.

Trong khi đó, lý giải về cơn sốt giá USD, chuyên gia tài chính Bùi Quang Tín, giảng viên ĐH Ngân hàng TP.HCM cho rằng, có nhiều nguyên nhân khiến tỷ giá tăng như một số doanh nghiệp đang mua USD để trả nợ; do đồng USD mạnh lên trên thị trường quốc tế gần đây khiến cho kỳ vọng NHNN sẽ điều chỉnh tỷ giá gia tăng... Ngoài ra, cũng không loại trừ nguyên nhân do NHNN đã mua tương đối nhiều USD và vẫn đang tiếp tục mua, khiến cho nguồn cung USD trên thị trường giảm.

“Tỷ giá VND/USD được xác định dựa trên tỷ giá của một rổ tiền tệ, nên khi giá trị các đồng tiền khác thay đổi, NHNN sẽ điều chỉnh tỷ giá trung tâm cho phù hợp. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô cũng như giảm tình trạng đô la hóa, diễn biến của tỷ giá trung tâm không nhất thiết phải bám sát theo các dao động về tỷ giá của các đồng tiền khác theo ngày, theo tuần, mà có thể chỉ bám sát theo tháng, theo quý, thậm chí theo năm nhằm duy trì tương quan sức mua của VND với các đồng tiền khác”, ông Tín nói.

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/kinh-te/ong-trump-dang-khien-ke-khoc-nguoi-cuoi-vi-bien-dong-ty-gia-725568.html