Ông Trần Đăng Tuấn bàn về chuyện làm từ thiện

Hoạt động cứu trợ khi có thiên tai trước hết và chủ yếu là công việc của hệ thống bộ máy nhà nước. Chỉ nhà nước mới có quyền lực để huy động cấp tốc phương tiện hiện đại, nhân lực chuyên nghiệp, các nguồn lực lớn khác để ứng phó. Đó là điều Nhà nước đang làm. Bên cạnh đó, đóng góp tự nguyện của người dân rất quan trọng và về ý nghĩa thì rất sâu sắc.

Năm 2006, cơn bão Chan Chu, tiếp theo là cơn bão số 6 gây hậu quả khốc liệt về người và của cho Miền Trung. Cả nước hướng về Miền Trung, nhiều đoàn thiện nguyện chở hàng hóa cứu trợ về khu vực bị nạn. Có những sự lúng túng nhất định trong việc phân phối cứu trợ. Đặc biệt đã xảy ra tai nạn thảm khốc đối với đoàn cứu trợ của một phường từ Thành phố HCM ra Đà Nẵng ủng hộ đồng bào bị thiệt hại bởi cơn bão số 6, khiến 12 người thiệt mạng.

Có lẽ tai nạn giao thông này là nguyên do trực tiếp dẫn đến có nhiều ý kiến và dư luận cho rằng cần phải có sự tổ chức chặt chẽ hơn hoạt động cứu trợ thiên tai. Và năm 2008 Nghị định 64/2008/NĐ-CP được ban hành, quy định việc vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn và các sự cố nghiêm trọng, các bệnh hiểm nghèo.

Ông Trần Đăng Tuấn

Nghị định này khuyến khích người dân ủng hộ đồng bào khu vực thiên tai và gặp khó khăn đặc biệt, nhưng theo một cơ chế là việc vận động quyên góp, phân bổ tiền, hang quy vào các đầu mối lớn như Mặt trận Tổ quốc, Hội chữ thập đỏ, chính quyền các cấp ở địa phương, và các tổ chức xã hội từ thiện có tư cách pháp nhân. Các tổ chức, đơn vị, cá nhân khác không được đứng ra vận động và phân phối hàng, tiền cứu trợ.

Xuất phát từ chỗ tạo hành lang để hoạt động cứu trợ diễn ra có tổ chức, phân phối hợp lý tiền và hàng cứu trợ, giảm thiểu các rủi ro khi người dân và nhóm từ thiện vào vùng thiên tai, tránh các hiện tượng cá nhân mượn lốt từ thiện để vụ lợi…nhưng các quy định trong Nghị định rõ ràng hạn chế sáng kiến của cá nhân, nhóm tự nguyện, đồng thời cũng chất lên vai các tổ chức lớn (Như MTTQ và Hội CTĐ) những gánh nặng quá lớn mà họ thực tế khó kham hết nổi. Đọc kỹ Nghị định này, thấy quy trình cồng kềnh, nhiều điểm chưa phù hợp thực tế.

Các tổ chức được Nghị định 64 trao quyền tổ chức quá trình vận động, tiếp nhận, phân phối cứu trợ cũng đã nỗ lực và làm được khối lượng công việc lớn. Nhưng cũng đã xảy ra các trường hợp nơi tiếp nhận đồ cứu trợ tự nguyện ngại nhận đồ vì thiếu kho bãi, phương tiện vận chuyển, người quản lý. Việc phân phối không tận tay, có những vụ việc lùm xùm phản cảm. Lòng tin của người dân vào cung cách tiếp nhận, phân phối giảm sút do các hiện tượng này. Có lúc sự nghi ngờ thiếu tin tưởng nói trên là thái quá, nhưng nó là hệ quả khó tránh do tác động từ một vài bê bối lớn nhỏ đã xảy ra.

Bản chất hoạt động xã hội từ thiện là hoạt động của xã hội lành mạnh. Một cơ chế gò ép là trái với bản chất này. Vì vậy không có gì đáng ngạc nhiên là từ khi ra đời phần nội dung quy định: Không một tổ chức, đơn vị, cá nhân nào khác (ngoài các tổ chức được nêu trong Nghị định) được quyền tổ chức tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ có trong Nghị định chưa bao giờ được thực thi chặt chẽ trên thực tế. Hàng ngàn nhóm từ thiện, hàng triệu cá nhân đóng góp thiện nguyện hàng năm vẫn tiến hành hoạt động quyên góp và cứu trợ tình nguyện, có phối hợp và dựa vào thông tin, hướng dẫn của chính quyền, đoàn thể tại địa phương, nhưng không thông qua các tổ chức “chính thống”.

Hoạt động cứu trợ sau lũ lụt ở các tỉnh Miền Trung vừa xảy ra thêm một lần nữa khẳng định hoạt động thiện nguyện rộng rãi của các nhóm, đơn vị, tổ chức, cá nhân riêng lẻ độc lập diễn ra không trong khuôn khổ các quy định của Nghị định 64/2008.

Có hai vấn đề đặt ra:

1- Nhiều nội dung của Nghị Định 64 không phù hợp với tính chất của hoạt động xã hội – từ thiện. Nó nên được thay thế bằng các quy định phù hợp hơn với thực tế, trên cơ sở tôn trọng sáng kiến của người dân và quyền lựa chọn kênh tiếp nhận ủng hộ của người dân. Không có tổ chức nào dù lớn, dù có mạng lưới rộng khắp, lại có thể thay thế hoàn toàn sự năng động, nhạy bén của những nhóm quyên góp, cứu trợ, của hàng triệu người dân có tấm lòng hỗ trợ đồng bào khi hoạn nạn.

2- Hoạt động cứu trợ quần chúng tự phát dĩ nhiên có những khía cạnh chưa hợp lý mà bản thân những cá nhân, đơn vị độc lập tham gia vào việc này cũng nhận thấy. Đó là thiếu thông tin chính xác, chi tiết về nơi, đối tượng cần hỗ trợ, vật phẩm và mức độ hỗ trợ thực tế cần thiết. Sự trùng lặp, nơi thiếu, nơi thừa xảy ra là chuyện khó tránh khi các nhóm cứu trợ hoạt động riêng rẽ, thiếu thông tin chung, không liên hệ được với nhau để phối hợp.

Rõ ràng trong hoạt động này bản thân họ cũng muốn có sự điều tiết để nhiệt tình, công sức, của cải mà họ thay mặt người ủng hộ mang đến trao đúng người, đúng chỗ, đúng lúc, đúng mức cần thiết. Sự điều tiết này không nên được thực hiện trong khuôn khổ cơ chế cứng, mang nặng tính hành chính thể hiện trong Nghị định 64. Vậy nó nên thực hiện trên cơ sở nào?

Thay cho cơ chế liên kết cứng, nên tạo điều kiện để ra đời liên kết mềm giữa các cá nhân, đơn vị làm từ thiện với nhau và với các tổ chức “chính thống”. Liên kết cứng dựa trên quy định hành chính. Liên kết mềm dựa trên dữ liệu thông tin chung cho tất cả những ai làm cứu trợ. Nó cho biết các địa điểm, đối tượng cần cứu trợ, sự thay đổi của nhu cầu, thông tin về việc có những hỗ trợ nào đã được thực hiện tại từng địa điểm, nó phản ánh các biến động về nhu cầu ở mỗi khu vực bị nạn, người gặp nạn. Đã có những nỗ lực xây dựng dạng ngân hàng dữ liệu kiểu này, có mục đích tạo ra liên kết mềm bằng thông tin cho mọi nhóm cứu trợ độc lập. Trang Bản đồ từ thiện mà báo Lao động mới khai trương là một ví dụ.

Tất nhiên các tổ chức “chính thống” đã, đang và sẽ đóng vai trò rất lớn trong hoạt động cứu trợ, từ khâu vận động đến phân phối cứu trợ. Nhưng nên điều chỉnh ưu tiên hoạt động. Song song với việc trực tiếp đứng ra tiếp nhận rồi phân phối, hệ thống các cấp chính quyền, MTTQ, Hội Chữ thập đỏ hãy lấy chức năng vận động và cung cấp thông tin hướng dẫn là nhiệm vụ quan trọng nhất, qua đó điều tiết dòng chảy của nguồn lực cứu trợ nhưng không bắt buộc các hoạt động tự nguyện phải “quy về đầu mối” một cách cứng nhắc.

Sự chuyển hướng này là cần thiết vì không ai lại đi ngăn cản hoạt động thiện nguyện cho đồng bào hoạn nạn chỉ vì các hoạt động đó không hoàn toàn theo các quy định cứng.

Trần Đăng Tuấn

Nguồn VietnamNet: http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/tieudiem/335748/ong-tran-dang-tuan-ban-ve-chuyen-lam-tu-thien.html