'Ông tiên' giải cứu những đứa con nheo nhóc, bơ vơ của 'ma xấu'

Cha mẹ ăn lá ngón qua đời, nhà cửa bị dân làng đập phá để lại những đứa trẻ bơ vơ. Bắt gặp những cảnh đời éo le ấy, thầy Lý Văn Đường, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trà Cang (huyện Nam Trà My) đã đưa các em về chăm sóc, dạy dỗ.

Lòng trắc ẩn

Lên xã Trà Cang, chúng tôi ghé vào thăm trường mầm non và mang một ít bánh kẹo, sữa của một người bạn gửi cho bọn trẻ. Tại đây, tôi nghe các giáo viên kể chuyện về những đứa trẻ mồ côi vì cha mẹ của chúng ăn lá ngón hoặc treo cổ tự tử bị làng đốt nhà không nơi nương tựa.

Nhưng từ ngày thầy Lý Văn Đường lên Trà Cang công tác, nhiều em được nhận về nuôi. “Hiện ở trường có 2 em là Hồ Thị Vân và Hồ Thị Ngêu, cứ sau mổi buổi học, thầy Đường đến đón về, hôm nào thầy bận, các giáo viên trong trường nấu cơm cho hai em ăn chung”, một giáo viên cho biết.

Thầy Đường và các em Hồ Thị Điểu, Hồ Văn Nghéo và Hồ Thị Ngêu đang được chăm sóc tại trường

Buổi học kết thúc, một người đàn ông chạy xe máy đến và đón 2 đứa bé. Chúng tôi theo quãng đường hơn 1km về trường tiểu học, nơi các em ăn ở và được sự chăm sóc của thầy Đường.

Hỏi chuyện, thầy Đường cho biết, ông sinh ra và lớn lên ở huyện Bắc Trà My, năm 2000 khi tròn 33 tuổi, tốt nghiệp trung cấp sư phạm, thầy được điều chuyển lên Trường Tiểu học xã Trà Tập công tác. Những tháng ngày cắm bản gieo chữ cho bọn trẻ thật gian khó.

Đời giáo viên cắm bản trên đỉnh núi luôn đối mặt những tháng ngày đói lả, những bữa cơm chỉ có rau rừng, sang hơn chút có mấy con cá khô. Còn học sinh không mê cái chữ, không chịu lên lớp mà giành hết thời gian lên nương cùng cha mẹ.

Nhưng bằng nhiệt huyết của mình, thầy giáo Đường lên thôn vận động học sinh. Rồi những lớp học hình thành, học sinh yêu mến con chữ. Sau 12 năm gắn bó, thầy Đường lên chức phó hiệu trưởng. Sau đó, thầy được điều động lên xã Trà Càng giữ chức Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trà Cang.

Bé Hồ Thị Vân và Hồ Thị Ngêu đang học mẫu giáo

Năm 2013, thầy Đường có mặt, những buổi học đầu năm, thấy lớp, thấy trường thiếu vắng học sinh, nhất là các điểm trường hầu như không được mấy học sinh.

“Tôi không tưởng tượng được cảnh này, một lớp học chỉ có được mấy em. Tôi tự đi tìm hiểu nguyên nhân, hết nóc này đến làng khác hỏi người dân. Và đáp án thật đáng buồn là các em mồ côi cha hoặc mẹ. Có em cả cha lẫn mẹ, vì đã ăn lá ngón tự tử. Nhà cửa bị dân làng phá, đốt sạch, nơi ở không có, miếng ăn không đủ, do đó việc được đi học là điều xa xỉ”, thầy Đường chia sẻ.

Thấy hoàn cảnh như vậy, thầy Đường không đêm nào yên giấc, mắt nhắm lại, buộc phải mở ra vì đám trẻ mồ côi. “Lúc đó, ngoài các điểm trường thì tại trường trung tâm mới có được 4 lớp học. Học sinh chưa có chế độ bán trú như bây giờ. Nếu mình đưa các em xuống đây học thì lấy đâu ra thức ăn, nhà đâu cho chúng ở? Mà không cho bọn trẻ ăn, học con chữ thật có lỗi. Chúng cũng như con mình, sao để cho đói khát được?”, thầy Đường nhớ lại.

Những bữa ăn của bọn trẻ có thịt, có cá

Mặc dù mới ở Trà Cang chưa được lâu nhưng với tình tính gần gũi, phần nói được tiếng dân tộc Xê Đăng nên chẳng mấy chốc thầy Đường được người dân yêu quý. Ông vào trong làng, nhờ mọi người lên rừng chặt cây dựng nhà để cho các em ở. Sau mấy ngày, mỗi người giúp một ít, căn nhà rộng chừng 20 mét vuông hoàn thành trong khuôn viên của trường.

Nơi ở không còn lo lắng, nhưng đưa các em về lấy đâu ra gạo nấu cơm, thức ăn cho chúng? Thầy Đường lại vận động thầy cô trong trường, bạn bè và bỏ một ít tiền lương của mình mua đồ ăn cho các em.

Tôi hỏi: Thầy nuôi được bao nhiêu em rồi? Thầy Đường khiêm tốn: “Ấy, đừng nói tôi đưa về nuôi, tôi chẳng qua nâng đỡ kịp thời cho các em thôi. Tôi không dám nhận mình là cha nuôi của bọn trẻ”. Nói xong thầy Đường kể tiếp, từ năm 2013 đến nay, có 15 em được thầy đưa về đây cho ăn, ở và học tập.

Trường Tiểu học Trà Cang

“Gần 3 năm công tác xã Trà Cang, tôi là một tuyên truyền viên để vận động bà con loại bỏ tập tục nhưng không ai nghe. Ở đây bà con coi cái chết quá đơn giản. Cái gì mà giải quyết không được, có bức xúc trong người thì tìm đến lá ngón. Nó đã ăn vào tiềm thức mà đến nay chưa có được lời giải để giúp họ thoát khỏi những cái chết như vậy.” - thầy Lý Văn Đường.

Theo thầy Đường, trước đây chưa có chế độ bán trú của Nhà nước hỗ trợ cho học sinh vùng cao, việc đưa các em về trường chăm sóc rất khó khăn. Nhưng nay, khi có chính sách này, hàng tháng các em có một khoản tiền và gạo nên mọi việc dễ dàng hơn.

Bên cạnh đó, nhà ở cho học sinh cũng được Nhà nước làm cho. “Mình thêm người, thêm chén, bát đũa, nhưng đổi lại những đứa trẻ mồ côi có được miếng ăn, được con chữ. Quan trọng là việc mình cân đối bữa ăn thế nào cho phù hợp”, thầy Đường cho hay.

Thầy thương con lắm

Năm 2014, có vợ chồng ở nóc C72, thôn 7, xã Trà Cang ăn lá ngón kết liễu cuộc đời để lại 4 đứa trẻ bơ vơ. Hiện các em Hồ Thị Đáy học lớp 6, Hồ Thị Điểu lớp 4, Hồ Văn Nghéo học lớp 2 và Hồ Thị Ngêu học mẫu giáo. Để có được ngày hôm nay, 4 em đều do thầy Đường đưa về chăm lo.

“Ngày đó, tôi nghe tin từ giáo viên cắm bản báo về, lập tức lên phương án đưa các em về trường ăn ở. Sau đó, các nhà hảo tâm xây cho một căn nhà để các em đi học thuận lợi, nhưng ông bà các em nhất quyết không cho rời làng. Sau nhiều lần thuyết phục, ông bà các em đã gật đầu đồng lý”, thầy Đường nhớ lại.

Sữa, bánh kẹo là điều xa xỉ đối với những đứa trẻ trên dãy núi Ngọc Linh

“Cha mẹ chết rồi, ở với ông bà ăn cơm muối ớt khổ lắm, nhưng từ ngày ra trường học, con và 2 đứa em bữa ăn có thịt, có cá. Áo quần có người cho mặc, thầy Đường có gì cũng cho bọn con hết. Thầy thương bọn con lắm!”, bé Điểu tâm sự.

Mới đây, ở nóc Long Chen, thôn 1, xã Trà Cang, có cặp vợ chồng ăn lá ngón qua đời. Biết tin, thầy Đường cuốc bộ 4 tiếng đồng hồ đường rừng vận động ông bà cho các cháu ra trường ăn học. Tuy nhiên, hiện mới đưa được em Hồ Thị Bình học lớp 4, còn em Hồ Văn Nhi học mẫu giáo, ông bà không cho đi.

Cha mẹ qua đời vì ăn lá ngón, dân làng đốt phá nhà cửa, nhiều trẻ con xã Trà Cang được thầy Đường đưa về nuôi dưỡng

“Tôi đang cố gắng thuyết phục đưa bé Nhi ra đây ở cùng chị. Bữa cơm sẽ được ăn giống như các em nội trú; phần nữa, Nhi đi học thuận lợi hơn nhiều ở trên nóc. Áo quần, chăn màn tôi kêu gọi mọi người giúp đỡ. Chắc sớm thôi, tôi sẽ thuyết phục đưa cháu ra bằng được”, thầy Đường nói.

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/ong-tien-giai-cuu-nhung-dua-con-nheo-nhoc-bo-vo-cua-ma-xau-post178583.html