Ông Thaksin và cuộc đối đầu thất bại với tướng Prem

Sau khi đắc cử thủ tướng, ông Thaksin không ít lần thách thức tướng Prem Tinsulanonda, chủ tịch Hội đồng Cơ mật, dẫn đến xung đột giữa 2 bên và kết thúc bằng một cuộc đảo chính.

Báo Asia Times đánh giá ông Thaksin trong nhiệm kỳ thủ tướng (2001-06) tỏ ra là người tôn kính hoàng gia. Đây là điều không lạ khi Thái Lan là đất nước mà người dân vô cùng sùng bái hoàng tộc.

Tuy nhiên, những người theo phe bảo hoàng cáo buộc ông Thaksin âm mưu gia tăng ảnh hưởng và "muốn là số 1" hoặc muốn lấn một số đặc quyền vốn thuộc về hoàng gia.

Xung đột với phe bảo hoàng

Thaksin khiến phe trung thành với hoàng gia khó chịu trong một lần vị thủ tướng đến bệnh viện thăm quốc vương. Khi đó, Thaksin dâng lên nhà vua một thẻ chăm sóc y tế của chính phủ trong chương trình bảo hiểm y tế toàn dân giá rẻ do vị thủ tướng khởi xướng - hành vi bị họ coi là bất kính.

Hoặc một hành động khác, Thaksin quyết định đi ngược lại nguyện vọng của hoàng cung để nắm lại quyền lực trong vai trò thủ tướng lâm thời, dù từ chức hồi tháng 4/2006. Chuyện từ chức được Thaksin và hoàng gia nhất trí trong một cuộc họp kín. Tuy nhiên, ông đã trở lại trên danh nghĩa giám sát việc chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 60 năm trị vì của Quốc vương Bhumibol.

Ông Thaksin tiếp đón Chủ tịch Hội đồng Cơ mật Prem Tinsulanonda trong một sự kiện. Ảnh: AFP.

Những diễn biến này khiến Thaksin rơi vào thế đối đầu trực tiếp với tướng Prem. Ngay cả khi vị thủ tướng bị hàng vạn người biểu tình trên đường phố bao vây và đòi ông từ chức năm 2006, Thaksin vẫn tấn công Prem rằng vị tướng này lợi dụng quyền hạn to lớn được quy định trong hiến pháp hòng tước bỏ quyền lực của Thaksin để bản thân trở thành thủ tướng.

Khi Wikileaks phơi bày điện tín ngoại giao thu thập từ đại sứ quán Mỹ ở Thái Lan, một bức được cho là nhận định của Đại sứ Ralph Boyce viết: “Nhiều người xem phát biểu của Thaksin chính là lời tuyên chiến công khai nhằm vào Prem".

Ngay giai đoạn này, một quả bom phát nổ bên ngoài nơi ở của tướng Prem. Nhiều nhà quan sát bàng hoàng, cho rằng đây là đòn tấn công chưa từng có tiền lệ nhằm vào Hội đồng Cơ mật và sâu xa hơn là cả hoàng gia.

Khi khủng hoảng đến giai đoạn căng thẳng, tướng Prem - người xuất thân là một tư lệnh quân đội và cố vấn thân cận nhất của nhà vua - vào tháng 7/2006 lên tiếng nhắc nhở binh sĩ rằng lòng trung thành của họ chỉ hướng duy nhất về hoàng gia chứ không phải chính phủ. Điều ám chỉ rõ ràng đến Thaksin.

Lời cảnh báo

“Trong đua ngựa, người chủ thuê nài ngựa để điều khiển con vật. Nhưng nài ngựa không sở hữu ngựa mà chỉ cưỡi trên chúng. Điều này cũng giống như chính phủ. Chính phủ giám sát quân đội nhưng không ‘sở hữu’ các binh sĩ. Người chủ thực sự của họ là đất nước và nhà vua”. báo The Nation khi đó trích lời của ông Prem.

Việc một người được nhận định là kín kẽ như tướng Prem lại phát biểu cứng rắn công khai như vậy là điều hiếm xảy ra. Đó cũng là lần đầu tiên vị chủ tịch Hội đồng Cơ mật vạch ra sự chia rẽ rất lớn giữa ông và Thaksin - sự chia rẽ này mãi mãi không thể thu hẹp được.

Vị tướng thân cận nhất với nhà vua được cho là có vai trò quan trọng trong vụ đảo chính năm 2006. Ảnh: AFP.

Giới quan sát cũng tin rằng tướng Prem đóng vai trò quan trọng trong vụ đảo chính ngày 19/9/2006 lật đổ Thaksin khi thủ tướng Thái đang ở New York dự họp Liên Hợp Quốc. Tướng Prem sau này phủ nhận sự liên quan này.

Không phải ngẫu nhiên mà tướng Surayud Chulanont được chọn làm thủ tướng lâm thời. Ông Surayud từng là thân tín của tướng Prem hồi đầu những năm thập niên 1980, rồi trở thành thành viên trong Hội đồng Cơ mật. Chính phủ quân sự sau đó cũng thường xuyên tham vấn ý kiến của tướng Prem về các chính sách và việc bổ nhiệm của họ, chủ yếu là những người vô cùng trung thành với hoàng gia.

Sau đảo chính, Hội đồng An ninh Quốc gia do quân đội lập nên đã thiết quân luật và cản trở Thaksin trở về nước. Họ lo ngại lực lượng ủng hộ ông (vốn rất đông) có thể gây ra rắc rối. Trong khoảng thời gian này, vợ của Thaksin là bà Pojaman Shinawatra đã gặp gỡ tướng Prem để thảo luận về chuyện của cựu thủ tướng.

Việc bà Pojaman gặp ông Prem chứ không phải là thủ tướng lâm thời thể hiện ông Thaksin chính là một mục tiêu chính trị của vị tướng này. Khi mối đe dọa đối với hoàng gia được loại trừ, tướng Prem gửi đi tín hiệu rằng hoàng cung tiếp tục duy trì vai trò chi phối trong nền chính trị Thái Lan.

Minh Anh

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/ong-thaksin-va-cuoc-doi-dau-that-bai-voi-tuong-prem-post690189.html