Ông Tập Cận Bình tìm cách hâm nóng mối quan hệ với ông Trump

Sau 2 tuần không thể tiếp cận tân tổng thống Mỹ qua điện đàm, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được cho là đang sử dụng quan hệ với giới doanh nhân để gây ảnh hưởng với ông Trump.

Theo thông báo, vào ngày đầu sau khi nhậm chức, ông Trump đã điện đàm với các lãnh đạo như Tổng thống Enrique Pena Nieto của Mexico, Thủ tướng Justin Trudeau của Canada và Tổng thống Joko Widodo của Indonesia. Lãnh đạo gần nhất mà ông Trump đã trao đổi qua điện thoại là Thủ tướng Bill English của New Zealand hôm 5/2.

Nhưng Tổng thống Trump vẫn chưa điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ông Tập đã gửi điện chúc mừng và cũng đã gọi điện cho ông Trump ngay sau khi vị tỷ phú chiến thắng trong cuộc bầu cử hồi tháng 11/2016.

Trump vẫn chưa điện đàm với lãnh đạo nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, cũng là chủ nợ lớn của Mỹ. Ảnh: SCMP.

Trump cố tình dội gáo nước lạnh

Lần tương tác cuối cùng giữa ông Trump và ông Tập là khi ông Trump kể trong cuộc phỏng vấn với Wall Street Journal hôm 13/1 rằng “tôi vừa nhận một thiệp chúc mừng năm mới rất đẹp từ chủ tịch Trung Quốc”.

Ngày 3/2, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng cũng từ chối trả lời về cuộc điện đàm giữa ông Trump và Chủ tịch Tập sau lễ nhậm chức. Ông chỉ nói chung chung rằng hai nước đang duy trì liên lạc chặt chẽ”.

Trước đó, nhiều cư dân mạng Trung Quốc đã tỏ ra bất bình khi tân tổng thống Mỹ không gửi lời chúc mừng năm mới như thường lệ đến họ trong dịp Tết âm lịch vừa qua.

Báo South China Morning Post gọi cách hành xử này của ông Trump như dội gáo nước lạnh về phía giới lãnh đạo Trung Quốc. Đồng thời cho thấy sự thay đổi khác hẳn với thái độ của chính quyền tiền nhiệm. Ông Obama từng gọi điên cho chủ tịch Trung Quốc, khi đó là ông Hồ Cẩm Đào, 10 ngày sau lễ nhậm chức tổng thống Mỹ năm 2009.

Năm 2013, sau khi ông Tập Cận Bình chính thức trở thành chủ tịch Trung Quốc, Tổng thống Obama đã gọi điện chúc mừng chỉ một ngày sau sự kiện này.

Liên lạc cấp cao nhất đến nay giữa chính quyền mới của Mỹ với Trung Quốc được công bố là cuộc gọi giữa Ủy viên Quốc vụ viện Dương Khiết Trì và Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Michael Flynn hôm 3/2.

Shi Yinhong, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Mỹ tại Đại học Nhân dân Bắc Kinh, cho rằng "việc Trump tỏ rõ sự lạnh nhạt là cách ông ngụ ý ông ta đang ở 'chiếu trên' trong việc phân bổ quyền lực thế giới. Điều này càng khắc họa rõ nét những bất ổn trong quan hệ Trung - Mỹ dưới thời Tổng thống Trump".

Phương pháp của ông Tập Cận Bình

Tờ Wall Street Journal cho rằng Bắc Kinh đã "đọc vị sai" về Tổng thống Trump. Sau vụ điện đàm giữa ông Trump với lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn, Trung Quốc đã phản ứng mạnh mẽ vừa đủ, bao gồm cả thu giữ tàu lặn của Mỹ. Bắc Kinh hy vọng sự phản ứng của họ sẽ khiến Trump hành động thận trọng hơn.

Tuy nhiên, hàng loạt sắc lệnh của tân tổng thống như quyết tâm xây tường biên giới với Mexico, cấm cửa người nhập cư và tị nạn... cho thấy ông Trump tỏ rõ sẽ giữ lời hứa với những cử tri ủng hộ ông.

Trong những lời hứa này, ông Trump từng lên án Trung Quốc về cách tiến hành thương mại, vấn nạn tin tặc và tham vọng quân sự khiến các nước trong khu vực lo ngại. Do vậy, Bắc Kinh đang rơi vào thế khó khi phải tìm cách ứng xử với vị tổng thống không ràng buộc bởi những quy chuẩn ngoại giao thông thường.

Ông Stephen Schwarzman, người được Bắc Kinh kỳ vọng giúp mang lại những điều khoản có lợi cho Trung Quốc trong những chính sách thương mại sắp tới của Trump. Ảnh: Nikkei.

Một nhà nghiên cứu chiến lược đối ngoại Trung Quốc giấu tên nói với trang Nikkei rằng "ông Tập Cận Bình đang dùng một dòng nước ngầm đóng vai trò quan trọng trong định hướng quan hệ mới giữa Trung Quốc với Mỹ".

Sau khi nhậm chức, Tổng thống Trump đã thành lập Diễn đàn Chính sách và Chiến lược (SPF) nhằm giúp tư vấn cho ông về chính sách. Chủ tịch nhóm này là Stephen Schwarzman, đồng thời là tổng giám đốc tập đoàn Blackstone.

Ông Tập và Schwarzman vốn có mối liên hệ với nhau. Chủ tịch Trung Quốc từng là sinh viên tại Đại học Thanh Hoa, một ngôi trường danh giá ở Bắc Kinh, trong khi ông Schwarzman đã tham gia một ủy ban cố vấn ở đây. Gần đây nhất, hai người đã có cuộc gặp bên lề Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos, Thụy Sĩ.

Theo nhà nghiên cứu của Nikkei, ông Tập kỳ vọng Schwarzman sẽ góp tiếng nói quan trọng trong những kế hoạch đàm phán lại của Tổng thống Trump về những thỏa thuận với Trung Quốc.

Trong một động thái rõ ràng muốn gây áp lực với Trung Quốc về thương mại, Tổng thống Trump đã bổ nhiệm giáo sư Peter Navarro (Đại học California), một người chỉ trích Trung Quốc mạnh mẽ, là người đứng đầu Hội đồng Thương mại Quốc gia (NTC). NTC được cho là sẽ nắm vai trò "trung tâm chỉ huy" trong những thỏa thuận Mỹ - Trung.

Do vậy, Bắc Kinh đang kỳ vọng vào tiếng nói của ông Schwarzman. Trong một lần trả lời Bloomberg giữa tháng 1, chủ tịch SPF từng nói "ông Tập muốn tránh một chiến tranh thương mại với Mỹ và lạc quan về mối quan hệ lâu dài giữa hai nước".

Diễn đàn SPF dự kiến sẽ sớm tổ chức cuộc họp đầu tiên. Sau đó, ông Trump có thể bắt đầu những bước đi với Trung Quốc.

Minh Anh

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/ong-tap-can-binh-tim-cach-ham-nong-moi-quan-he-voi-ong-trump-post718749.html