Ông Phan Anh Tú và chuyện "vác tù và hàng tổng"

Không hiểu ở vị trí Lãnh đạo đội, ông Phan Anh Tú phải làm gì mới được vừa lòng tất cả???

Người xưa có câu “Ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng” để chỉ trích những ai chuyên đi lo chuyện bao đồng mà chẳng giúp ích được gì cho bản thân và những xung quanh. Câu chuyện của ông Phan Anh Tú còn “cười ngặt nghẽo đến ra nước mắt” hơn, khi mà ông đi lo chuyện “bao đồng” rồi được nhận thưởng về lo cho cá nhân, người thân nhưng cũng bị… “đá xoáy”!

Cụ thể thì, nhiều năm qua, ông Phan Anh Tú đã được giao trọng trách làm Lãnh đạo đội bóng đá nữ Việt Nam, đi đánh Đông, dẹp Bắc. Chiến tích mới nhất và có lẽ cũng là lớn bậc nhất của bóng đá nữ Việt Nam là trong năm 2013, lọt vào VCK Asian Cup 2014, rồi sau đó đoạt ngôi Á quân SEA Games 27.

Ông Phan Anh Tú (áo đỏ) trong vai trò trưởng đoàn bóng đá nữ Việt Nam

Với những chiến tích lừng lẫy đó, ĐT bóng đá nữ Việt Nam được thưởng lần lượt là 1 tỷ VNĐ và 3 tỷ VNĐ. Tiền thưởng sau đó được chia, về tay ông Tú lần lượt 30 triệu VNĐ và 98 triệu VNĐ. Từ chuyện chia chác này, chẳng hiểu sao ít ngày qua rộ lên tin đồn các nữ cầu thủ Việt Nam bức xúc, vì ông Tú… chẳng làm gì cũng được chia tiền thưởng loại… áp chót!

* Chưa nói chuyện ông Tú được chia bao nhiêu tiền, riêng việc ông được xếp hạng B (trên thang A, B+, B và cuối cùng là C) cũng đã có lắm thị phi. Người ta cho rằng ông Tú đã gây áp lực, đòi được hạng A để nhận 125 triệu VNĐ nhưng bị phản đối dữ quá, nên chỉ nhận hạng B. Còn bản thân ông Tú, rất bức xúc mà khẳng định rằng ông không hề liên quan, tác động đến chuyện chia thưởng! Tin đồn thì chẳng ai đứng ra nhận chứng thực, nhưng ít ra ông Tú đã thẳng thắn chia sẻ: “Những thông tin đó là bịa đặt, ngậm máu phun người, không đúng sự thật”.

Ngẫm ra cái cụm từ “chẳng làm gì” mà “ai đó” đã viết hay nói về ông Tú thật nực cười. Phải chăng, chỉ cần các cầu thủ, HLV đội bóng cùng các nhân viên khác, là có thể đi đánh Đông, dẹp Bắc và mang về chừng ấy vinh quang? Nói riêng như ở SEA Games 27, khi mà công tác ngoài sân cỏ gặp nhiều khó khăn vì bị chủ nhà Myanmar “chơi xấu”, nếu không có một người Lãnh đạo đội đứng sau, thu vén và chỉ đạo, thì ĐT nữ Việt Nam sẽ thi đấu thế nào khi ăn chẳng ngon, ngủ chẳng sâu và tập luyện chẳng đều?

Ở nước ngoài, người ta thường thấy các HLV phải chịu trách nhiệm chủ yếu cho thành công hay thất bại của đội bóng. Ở Việt Nam cũng thế thôi, nếu thua nhiều là HLV bị sa thải. Nhưng ít ra khi mất việc, các Ông thầy còn được nhận tiền đền bù HĐ. Còn với các trưởng đoàn, nếu đội thi đấu không tốt họ cũng bị mất chức, nhưng có ai mang tới một bọc tiền đền bù?

Hoặc như trường hợp của cựu trưởng đoàn U23 Việt Nam – ông Trương Hải Tùng mới đây thôi, bị cắt chức theo kiểu “oan không đến đầu, nợ không đến chủ”. Cụ thể, ở giải bóng đá truyền hình Bình Dương nửa cuối năm ngoái, U23 Việt Nam có trận hòa nhiều tranh cãi 3-3 khi đụng độ Bangu Atletico (Brazil).

Các nữ cầu thủ đã "bất công" với ông Tú, hay bị "ai đó" đặt lời vào mồm?

Ngay lập tức, HLV Hoàng Văn Phúc và ông Trương Hải Tùng bị đình chỉ công tác phục vụ điều tra. Nhưng sau đó, VFF tìm mọi cách “nói mát” hòng thuyết phục ông Phúc tiếp tục dẫn dắt U23 Việt Nam ở SEA Games 27. Còn với ông Tùng là “một đi không trở lại” chứ đừng có nói xin lỗi hay tiền đền bù mất việc.

Nói chuyện ông Phan Anh Tú, nói rộng về các nhà lãnh đạo trên toàn thế giới, liệu có ai khi cả tập thể nhận thưởng, mà lại không được xu nào, hay nhận vài đồng tiền còm bằng các anh nhân viên hạng bét? Nói về lý, đã mang thân làm lãnh đạo, khi tập thể phát triển tốt và được thưởng, hẳn là phải được ngợi khen và vinh danh. Và nói về tình, cũng phải vậy!

Nguồn YTT: http://www.tinthethao.com.vn/news/49/3111E5/Ong-Phan-Anh-Tu-va-chuyen-vac-tu-va-hang-tong