"Ông nội" chứ "con" gì!

Một doanh nghiệp (DN) sản xuất bánh sô-cô-la sử dụng 12 nguyên liệu nhập khẩu thì phải xin 12 giấy phép nhập khẩu cho chừng đó nguyên liệu và một giấy xác nhận công bố thành phẩm. Như vậy, một chiếc bánh có thể phải cõng 13 giấy phép!

Trước đó, Chính phủ yêu cầu phải đẩy mạnh cải cách các quy định về kiểm tra chuyên ngành (an toàn thực phẩm, chất lượng và kiểm dịch) với hàng hóa xuất nhập khẩu.

Hiện tỉ lệ hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành lên tới 35% là quá cao, dù Chính phủ đã đặt mục tiêu kéo giảm còn 15%. Trong khi đó, tỉ lệ lô hàng phát hiện vi phạm rất ít, như ở Cục Hải quan TP HCM trong năm 2016 chỉ phát hiện 0,04% lô hàng vi phạm an toàn thực phẩm. Hơn nữa, theo Bộ Tài chính, nhiều bộ đưa danh mục hàng hóa phải kiểm tra nhưng không có tiêu chuẩn, tiêu chí cụ thể, gây khó cho DN.

Trên thực tế, sự chồng chéo trong quản lý và kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu là vấn đề khiến DN phàn nàn nhiều nhất. Theo báo cáo khảo sát mức độ hài lòng của DN năm 2016 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thực hiện, có đến 93% DN được hỏi cho biết quy định về kiểm tra chuyên ngành quá nhiều, lại nằm ở nhiều văn bản khác nhau nên DN khó nắm bắt thông tin và tuân thủ; 89% DN cho rằng nhiều quy định không phù hợp thực tế và 82% nhận thấy sự phối hợp giữa các cơ quan chưa tốt.

Theo tính toán của Ngân hàng Thế giới (WB), trong năm 2016, 60% hàng hóa thông quan qua luồng xanh với 10 triệu tờ khai hải quan, chứng tỏ DN Việt Nam tuân thủ tốt quy định nhưng lại chịu giám sát của 346 văn bản quy phạm pháp luật nên dễ phát sinh vi phạm.

Đáng lưu ý là có tới 50% trong tổng số các thủ tục kiểm tra chuyên ngành của nhiều bộ không ban hành kèm theo quy chuẩn, tiêu chuẩn, nghĩa là người trực tiếp kiểm tra muốn kiểm tra gì cũng được. Trong khi đó, thủ tục kiểm tra chuyên ngành chiếm từ 30%-35% thủ tục hải quan nhưng tỉ lệ phát hiện sai sót rất thấp. Có mặt hàng phải kiểm tra 8.000 lô hàng nhập khẩu/năm nhưng trong suốt 2 năm chỉ phát hiện 6 trường hợp sai phạm.

WB cũng cho rằng hàng hóa qua luồng vàng chiếm 34,8% là quá cao so với các nước khác, chủ yếu là kiểm tra chuyên ngành, không thực hiện cắt giảm được theo tinh thần Nghị quyết 19 của Chính phủ. Hàng hóa qua luồng đỏ chiếm 5,3%, đã giảm so với trước nhưng vẫn còn nhiều vấn đề cần đánh giá kỹ.

Giấy phép "con" nhiều nhất là Bộ Công Thương, 27 ngành nghề kinh doanh có điều kiện thuộc phạm vi quản lý với 1.220 điều kiện kinh doanh. Ít nhất là Bộ Xây dựng, 17 ngành nghề kinh doanh có điều kiện với 106 điều kiện kinh doanh.

Ngoài ra, vẫn còn nhiều chi phí ở mức cao, nhất là chi phí vốn, chi phí BHXH… Hiện mức đóng BHXH tại Việt Nam đang cao nhất khu vực ASEAN, khi lên tới 32,5% mức lương tháng (DN đóng 22%, người lao động đóng 10,5%). Cùng với đó, chi phí vận tải, logistics của Việt Nam còn cao. Các chi phí trong đăng ký kinh doanh, đăng ký thương hiệu, khai báo thuế, hải quan… tuy có giảm nhưng giảm rất chậm…

Vậy tại sao những văn bản thiếu tính khả thi, gây lãng phí, gây khó cho DN, cản trở sự phát triển, đi ngược lại xu thế cải cách hành chính như vậy vẫn được "tiếc nuối"? Câu hỏi đó rất khó trả lời nhưng lại rất dễ hiểu trong bối cảnh cải cách hành chính quá chậm và ì ạch, cuộc chiến với các giấy phép con rất gian nan nhưng còn lâu mới kết thúc. Hầu như bộ, ngành, địa phương nào cũng đặt ra những "lệ" riêng cho mình với những quy định khắt khe hơn nếu so với quy định của luật, pháp lệnh. Lý do là các đơn vị, địa phương vẫn muốn dễ "quản" nên cần "cấm" và không loại trừ có cả lý do lợi ích cục bộ. "Đẻ" ra nhiều thủ tục như vậy để hành người ta thì đó là giấy phép... "ông nội" chứ "con" gì (!).

Diệp Văn Sơn

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/ong-noi-chu-con-gi-20170821225239178.htm