Ông Nguyễn Trần Bạt: 'Kinh doanh là quá trình mộng du...'

Kinh doanh là một quá trình mộng du, các tập đoàn đang phải chịu trách nhiệm về hàng chục nghìn tỷ, họ không cần đến sự phân tích khuyết điểm. Họ có bộ phận để nghiên cứu sự thành công hoặc thất bại của các hành vi kinh doanh của họ, ông Nguyễn Trần Bạt cho biết.

Trong bài phỏng vấn trước đó, chia sẻ quan điểm về thế hệ doanh nhân hiện tại, ông Nguyễn Trần Bạt, Chủ tịch InvestConsult Group cho rằng thế hệ doanh nhân Việt Nam đã phát triển một cách đột biến về năng lực.

Trước con số thống kê 9 tháng đầu năm nay, cả nước có gần 81.500 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 19,2% về số doanh nghiệp so với cùng kỳ năm 2015, ông Nguyễn Trần Bạt cho biết, Thủ tướng muốn thúc tất cả mọi người có khả năng thì xông vào kinh doanh , bởi vì chúng ta thiếu các lực lượng làm ăn. Còn điểm yếu của doanh nghiệp Việt sẽ là gì? Kỳ vọng của ông về những chính sách, thay đổi của Chính phủ như thế nào?

Theo ông để nói về những điểm yếu của doanh nghiệp Việt Nam, những điểm yếu đó là gì?

Tôi cho rằng, tất cả các thành tích thật sự có thể “nuốt chửng” tất cả các khuyết điểm. Tất cả các khuyết điểm của con người là thực phẩm của quá trình phát triển. Con người nhận ra cái sai và sau đó biết đi từ cái sai đến cái đúng, đấy là logic chủ yếu của sự phát triển. Đi từ sai đến đúng chính là lộ trình của các cuộc cải cách. Chúng ta cứ nói cải cách đồng bộ kinh tế, chính trị, nhưng bây giờ đã đến lúc nói rằng cải cách là tạo ra thể chế cho các sản phẩm.

Báo chí không phải nói một cách cân đối giữa ưu điểm và khuyết điểm mà chúng ta phải biết tảng lờ khuyết điểm. Kinh doanh là một quá trình mộng du. Các tập đoàn đang phải chịu trách nhiệm về hàng nghìn tỷ, chục nghìn tỷ như Vingroup, TH True Milk, Sun group… họ không cần đến sự phân tích khuyết điểm. Họ có bộ phận để nghiên cứu sự thành công hoặc thất bại của các hành vi kinh doanh của họ. Tôi nghĩ cần phải nghiên cứu công nghệ nào để các thành tựu nuốt chửng các khuyết điểm, để khuyết điểm trở thành nguyên liệu, thành động lực của sự phát triển.

Quan điểm của ông về trào lưu khởi nghiệp đang diễn ra thời gian gần đây như thế nào?

Đây là một chương trình chịu ảnh hưởng của người Mỹ. Họ là một dân tộc chuộng các sáng tạo công nghiệp. Chúng ta chưa có công nghiệp cho nên chưa có sự khởi nghiệp từ những sự sáng tạo công nghiệp cụ thể.

Có một chương trình rất hay trên ti vi là “Chuyện từ làng”, có những người trở thành tỷ phú vì nuôi vịt trời, thuần hóa vịt trời là khởi nghiệp. Có những người trồng cây rau ngót công nghiệp, đấy chính là khởi nghiệp của Việt Nam.

Tuy nhiên, khởi nghiệp là cho những người chưa có công việc không nên khuyến khích những người có công ăn việc làm mức thu nhập cao bỏ đi tìm một cuộc phiêu lưu. Các quá trình phiêu lưu là các quá trình thuộc về con người. Có nên và có thể biến quá trình thuộc về bản năng con người trở thành một phong trào chính trị được không?

Nếu nó thuộc về con người thì trách nhiệm thuộc về cá nhân con người hoặc thuộc về chính phủ nếu có chương trình nhà nước về chuyện ấy. Biến các hoạt động có chất lượng bản năng xã hội thành một chương trình chính trị là một việc khó và phải thận trọng.

Tất nhiên cũng không thể ủng hộ cách làm việc theo thói quen. Xã hội chúng ta trì trệ là vì đại bộ phận làm việc theo thói quen. Cố gắng làm cho mỗi người Việt Nam tự do. Tức là cố gắng làm cho mỗi người Việt độc lập trong việc đưa ra các quyết định của chính mình. Việc khởi nghiệp chính là tiền đề kinh tế cho tính độc lập của mỗi người nên cũng cần có sự khuyến khích. Nhưng biến nó thành cái gì cụ thể thì phải rất thận trọng.

Chính phủ đã đặt mục tiêu, nỗ lực trong việc hỗ trợ, tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp, doanh nhân, ông kỳ vọng gì về những chính sách, thay đổi từ Chính phủ mới?

Trước đây chúng ta cũng làm tất cả những thứ như vậy nhưng không nhận thức được tất cả mọi thứ rành mạch như Thủ tướng ở nhiệm kỳ này. Các nghĩa vụ cơ bản của Chính phủ được mô tả rành mạch. Diễn đạt nó một cách tỉnh táo, bình tĩnh, đúng đắn thì chúng ta mới thấy được công lao và giá trị của những phát ngôn như vậy. Nếu chỉ tán thì không thể thấy được.

Báo chí có thể đóng góp bằng cách mô tả ý nghĩa của khái niệm Chính phủ kiến tạo, Chính phủ liêm chính. Chính phủ liêm chính không có nghĩa là bao gồm những người không lấy trộm mà là xây dựng một thể chế mà ngay cả những người rất thích lấy trộm cũng không lấy được.

Xây dựng một Chính phủ tốt chính là nguyên lý tiếp theo của xây dựng một Chính phủ kiến tạo. Kiến tạo chính là xây dựng chính sách và tổ chức lực lượng, xây dựng chính sách để xã hội hoạt động, tổ chức lực lượng để xã hội hoạt động có hiệu quả.

Không nên nói đến thể chế như một đối tượng chung chung nữa. Chúng ta đã hội nhập, thế giới đã quản lý chính sách đối với sản phẩm rồi thì chúng ta cũng phải tạo ra chính sách cho các sản phẩm. Kiến tạo ra sản phẩm, đấy chính là hoạt động quan trọng nhất của nền kinh tế.

Nói về nghĩa vụ kiến tạo của Chính phủ tức là ép Chính phủ phải làm những công việc kiến tạo, ép Chính phủ phải liêm chính. Trước đây nói hệ thống Chính phủ phải trong sạch là nói chung chung, còn bây giờ đích thân người đứng đầu Chính phủ đặt ra mục tiêu là rất đáng hoan nghênh. Tất nhiên để triển khai một cách toàn diện mục tiêu ấy là không dễ.

Xin cảm ơn ông!

Nguyễn Thảo

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/doanh-nghiep/ong-nguyen-tran-bat-kinh-doanh-la-qua-trinh-mong-du-2078860.html