Ông Nguyễn Đức Kiên: Thách thức lớn nhất tái cơ cấu kinh tế 2016-2020 không phải cơ chế

Theo quan điểm của ông Kiên, vốn và mô hình quản trị không đạt được thì dù có thay đổi tên hay hình thức pháp lý cũng không có ý nghĩa nhiều. Đây là thách thức lớn nhất nếu việc tái cơ cấu chỉ thực hiện theo hình thức và chưa đi vào thực chất.

Tại Diễn đàn Kinh tế năm 2017, ông Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội đã chỉ ra những điểm mới của chương trình tái cơ cấu kinh tế giai đoạn 2016-2020 và thẳng thắn chia sẻ quan điểm của ông về những thách thức trong quá trình cơ cấu lại này.

Là bước tiếp tục hoàn thiện công việc chưa làm xong 2011-2016, theo ông Nguyễn Đức Kiên điều mới nhất trong đề án là hoàn thiện được toàn bộ hệ thống luật theo tinh thần Hiến pháp 2013, bao gồm Luật quản lý DNNN, Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp.

Tất cả những ngành nghề Nhà nước làm quy lại trong 4 lĩnh vực được giao độc quyền. Một trong những điểm nhấn trong chương trình cơ cấu lại nền kinh tế này là những ngành nghề kinh doanh có điều kiện đang ngày càng co lại. Những ngành nghề trước đây hạn chế hiện đã được mở ra. Quan trọng nhất trong đề án là không khống chế tỷ lệ sở hữu của các thành phần kinh tế tại doanh nghiệp. Chỉ trừ lĩnh vực tài chính ngân hàng giữ room ngoại, còn lại các ngành nghề kinh doanh khác đều mở ra.

Theo ông Kiên, hiện đang có xu thế bán toàn bộ DNNN đang gặp khó khăn thậm chí những doanh nghiệp không gặp khó khăn mà trường hợp cụ thể là trường hợp bán doanh nghiệp đang có lời như Vinamilk trên sàn. Dù còn nhiều quan điểm khác nhau về phương thức bán nhưng nhìn lại có thể thấy đang có những đổi mới lớn.

Chương trình tái cơ cấu kinh tế lần này theo ông Kiên sẽ phải đối mặt với thách thức, trong đó lớn nhất là sự khó lượng của bối cảnh kinh tế quốc tế và thách thức từ chính bản thân các thành phần kinh tế.

Ông Kiên cho rằng bối cảnh kinh tế quốc tế còn nhiều vấn đề chưa lường được. Qua năm 2016, những người làm chính sách vĩ mô phải nhìn lại vai trò của cơ quan ngôn luận không phản ánh toàn bộ tiếng nói người dân như có thể thấy tại các sự kiện Brexit, bầu cử Tổng thống Mỹ, thỏa thuận hạn chế sản lượng của OPEC. Đã có nhiều kịch bản trong trường hợp Fed tăng lãi suất như dự báo nhưng đều không xảy ra. “Sự kiện tương lai diễn biến khôn lường, không dự báo được”, thách thức đến từ yếu tố khách quan này theo ông Kiên sẽ tác động lớn đến nền kinh tế Việt Nam.

Ngoài ra, theo quan điểm của ông Kiên, còn một thách thức khác đến từ nội tại đó là không rõ niềm tin, sự quyết tâm của các nhà đầu tư từ các thành phần kinh tế khác liệu có quyết liệt tham gia vào thị phần của ngành sản xuất mà các DNNN đã chiếm thị phần hay không. Dù làm chính sách quyết liệt nhưng các doanh nghiệp không mặn mà thì việc tái cơ cấu không thực hiện được.

Về số lượng dù đạt nhưng thay đổi cơ cấu sở hữu không đạt, khiến mô hình quản trị hiện đại không đặt được như kỳ vọng ban đầu. “Vốn và mô hình quản trị không đạt được thì dù có thay đổi tên hay hình thức pháp lý cũng không có ý nghĩa nhiều”.

"Đây là thách thức lớn nhất chứ không phải cơ chế. Có một số ý kiến cho rằng cơ chế của Việt Nam đang lạc hậu. Nhưng cơ chế là điều đi theo sau thực tế cuộc sống”, ông Kiên đưa ra quan điểm. Thách thức của nhà nước là tạo ra sân chơi cho doanh nghiệp. Nhưng bản thân từ phía doanh nghệp cũng đối diện với thách thức để có thể tồn tại trong cuộc chơi.

Nguồn NDH: http://ndh.vn/ong-nguyen-duc-kien-thach-thuc-lon-nhat-tai-co-cau-kinh-te-2016-2020-khong-phai-co-che-20161202105927691p0c4.news