Ông Nguyễn Đức Chung: Người dân đi bộ 150-200 m là tới nhà ga metro

Trước lo lắng của cử tri, Chủ tịch UBND Hà Nội khẳng định phương tiện giao thông công cộng giai đoạn 2020-2030 sẽ đáp ứng được phần lớn nhu cầu đi lại của người dân thủ đô.

Sáng 24/7, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND Hà Nội cùng các đại biểu HĐND đã tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ 4 HĐND thành phố.

Trong 13 ý kiến phát biểu, nhiều cử tri bày tỏ băn khoăn về chủ trương hạn chế xe máy hoạt động ở nội đô vào năm 2030. Cử tri cũng kiến nghị Hà Nội không nên xây thêm nhà cao tầng, khách sạn ở 4 quận nội thành nhằm hạn chế ùn tắc.

Cấm xe máy ảnh hưởng tới người nghèo

Là người thứ 2 phát biểu ý kiến, ông Trần Ngọc Toán (cử tri phường Tràng Tiền) cho rằng chủ trương hạn chế xe máy nếu thực hiện được sẽ tuyệt vời, song nhận định việc này sẽ khó thực hiện, không khả thi.

Hạ tầng giao thông của Hà Nội còn kém, xuống cấp, thiếu đồng bộ, quỹ đất khó có thể mở rộng. Hầu hết người dân ở đây thu nhập thấp, chỉ tích góp được tiền mua xe máy để thuận tiện đi lại trong ngõ hẹp và sâu. Trong khi đó, phương tiện công cộng chưa đáp ứng được nhu cầu. Người dân đi lại vào giờ cao điểm phải chen chúc, xe buýt hay bỏ chuyến, thái độ của lái phụ xe chưa tốt, thiếu văn hóa - cử tri phản ánh.

Ông Trần Ngọc Toán chia sẻ lo lắng về việc hạn chế xe máy. Ảnh: Quang Anh.

Đánh giá về tuyến buýt nhanh BRT, ông Toán cho rằng Hà Nội triển khai dự án này vội vàng. “Buýt nhanh chiếm 1/3 mặt đường, trong khi nhiều phương tiện khác chen chúc trong 2/3 phần đường còn lại. Được ưu tiên như vậy song buýt nhanh không nhanh hơn buýt thường”, ông Toán nói.

Với tình hình trên, cấm xe máy sẽ ảnh hướng đến người nghèo. Người dân nghèo không có ôtô sẽ ra sao, chủ trương này khác gì bảo vệ cho người giàu đi ôtô” - ông Toán nêu ý kiến.

Với việc thông qua nghị quyết về hạn chế phương tiện cá nhân, cử tri này đề nghị thành phố cần sớm khảo sát số lượng xe máy ở mỗi gia đình và đưa ra thời hạn sử dụng cho từng xe còn lại. Để giảm ùn tắc giao thông, bên cạnh cấm xe máy, ông Toán đề nghị lãnh đạo Hà Nội cần có biện pháp hạn chế xây nhà cao tầng trong nội đô.

Đồng tình với ý kiến của ông Toàn, cử tri Nguyễn Văn Khiêm (phường Hàng Bông) cho rằng để giảm thiểu ùn tắc, Hà Nội không nên cho xây dựng thêm khách sạn ở 4 quận nội thành. “Ở đây số dân quá đông, chúng ta còn đang tính toán di dân phố cổ. Trên một tuyến phố có 6-7 khách sạn làm phương tiện và khách tập trung đến rất đông, ùn tắc là đương nhiên” – ông Khiêm kiến nghị.

Làm metro, tăng xe buýt

Thay mặt các đại biểu HĐND tiếp thu ý kiến, kiến nghị của cử tri, ông Nguyễn Đức Chung đã dành gần một giờ để trả lời, giải đáp những thắc mắc trong thẩm quyền.

Ông Nguyễn Đức Chung trả lời các kiến nghị của cử tri. Ảnh: Quang Anh.

Trước băn khoăn của nhiều cử tri liên quan đến việc hạn chế xe máy vào nội đô, ông Chung nhấn mạnh đây là mục tiêu lớn mà cả thành phố sẽ cùng phấn đấu.

Theo Chủ tịch Hà Nội, để hiện thực hóa chủ trương này, từ nay đến năm 2030, Hà Nội sẽ xây dựng các tuyến metro để đảm bảo phần lớn năng lực vận tải hành khách công cộng, đồng thời tăng thêm số lượng các xe buýt. Theo đó, đến năm 2020, Hà Nội sẽ đầu tư thêm từ 1.000-1.500 xe buýt và phát triển thêm nhiều loại hình xe buýt mới như buýt mini, buýt phục vụ du lịch.

Người đứng đầu chính quyền thủ đô chia sẻ việc đầu tư xây dựng metro rất tốn kém, tuy nhiên khi thành phố kêu gọi đã có 3 nhà đầu tư nước ngoài, 6 nhà đầu tư tư nhân trong nước hướng tham gia.

Phối cảnh ga S10 Cát Linh nằm lối lên xuống cạnh khách sạn Pullman trên phố Cát Linh (tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội). Ảnh: BQLDA Đường sắt Hà Nội.

“Sau khi hoàn thành, người dân đi từ nhà mình ra ga metro chỉ với bán kính từ 150-200 m” – ông Chung thông tin và khẳng định các phương tiện công cộng trong tương lai sẽ đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân.

Chia sẻ với các cử tri, ông Chung nói quyết tâm của lãnh đạo Hà Nội là phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Với mục tiêu đó, không thể cấm xây khách sạn trong khu vực nội thành, bởi chỉ khách sạn ở khu vực này mới thu hút đông khách và họ cần vào đây ăn, chơi.

"Cử tri không nên quá lo lắng nếu xây thêm khách sạn ở nội đô bởi một khi dịch vụ du lịch phát triển, người dân sẽ nhận thấy họ cho thuê nhà sẽ mang lại lợi nhuận lớn hơn. Khi nhận thấy điều đó, họ tự có nhu cầu di dời đi nơi khác", Chủ tịch Hà Nội phân tích và cho hay vừa qua thành phố đã phê duyệt xây thêm hàng loạt khách sạn trên địa bàn quận Hoàn Kiếm.

VIDEO: Toàn cảnh tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội

Tuyến metro Nhổn - Ga Hà Nội có chiều dài 12,5 km với 8 ga trên cao và 4 ga ngầm, dự kiến khai thác thương mại vào năm 2021.

Quang Anh

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/ong-nguyen-duc-chung-nguoi-dan-di-bo-150-200-m-la-toi-nha-ga-metro-post765499.html