'Ông lớn' Trung Quốc ngày càng giống 1 đại gia Ukraine

Đường hướng phát triển của giải đấu hàng đầu Trung Quốc, cụ thể là các đội bóng giàu tiềm lực tài chính, có nhiều nét tương đồng với Shakhtar Donetsk.

Phút 84 trận Shijiazhuang Ever Bright đấu Jiangsu Suning, Martinez ngoặt bóng trong vòng 16,5 mét loại bỏ hậu vệ cuối cùng của chủ nhà Shijiazhuang. Anh nhẹ nhàng bấm bóng vào góc xa đánh bại thủ môn đối phương. Pha làm bàn đánh dấu chiến công thứ 8 của Martinez chỉ sau 6 trận. Kết thúc mùa 2016, anh ghi 10 bàn, kiến tạo 4 lần sau 12 trận ra sân.

Phong độ xuất sắc này dễ làm khán giả liên tưởng đến Jackson Martinez, ngôi sao Colombia bất ngờ chuyển đến Trung Quốc. Nhưng không, người đánh dấu mùa giải đầu tiên mỹ mãn tại đất nước 1,4 tỷ dân là đồng hương cùng họ với Jackson Martinez. Anh tên Roger Martinez. Và anh sinh năm 1994.

Tháng 8 năm nay, Roger Martinez cùng Olympic Colombia lọt vào tứ kết môn bóng đá nam của Thế vận hội. Dù còn rất trẻ, Roger đã sang thi đấu ở Chinese Super League. Trong tiềm thức của người hâm mộ bóng đá, Trung Quốc cùng với Mỹ và Trung Đông là nơi dưỡng già của các ngôi sao xế chiều. Thế nhưng, xu hướng trẻ hóa nhân sự gia nhập các đội bóng Trung Quốc sẽ phổ biến trong tương lai.

Sao trẻ Roger Martinez.

Một sự thật ít biết: đội bóng Jiangsu Suning của Martinez được hậu thuẫn bởi nhóm các nhà đầu tư vừa mua lại Inter Milan. Như vậy, có thể nói Inter Milan và Jiangsu đã bắc sẵn một cây cầu cho Martinez rồi. Hợp đồng chuyển nhượng tài năng trẻ sinh năm 1994 sang Italy, nếu có xảy ra trong tương lai, thì cũng là điều tất yếu.

Ngày hôm nay (8/11), ngôi sao sinh năm 1991 Ricardo Goulart chính thức nhận quả bóng vàng của Chinese Super League lần thứ hai liên tiếp. Anh ghi 19 bàn thắng và kiến tạo 8 lần, “hốt” luôn chiếc giày vàng. Top 10 cầu thủ được Whoscored chấm điểm cao nhất có 7 người Brazil, trong đó có 2 ngôi sao từ 25 tuổi trở xuống. Cả hai người, Ricardo Goulart và Fernandinho (sinh năm 1993) đều rất sáng giá.

Trong vài năm trở lại đây, Shakhtar Donetsk nổi lên trở thành đầu mối cung cấp những cầu thủ cực kỳ chất lượng cho các đội bóng lớn tại châu Âu. Với khả năng tìm kiếm tài năng rất tốt tại khu vực Nam Mỹ, Shakhtar Donetsk đã giúp cho thế giới có cơ hội biết đến những cầu thủ như Fernandinho, Willian, Douglas Costa và Alex Teixeira...

Chinese Super League đang ngày càng giống… Shakhtar Donetsk ở vai trò bước đệm. Một giải đấu với tập hợp hàng loạt đại gia sở hữu “tiền tấn” là bệ phóng lý tưởng cho các ngôi sao trẻ sáng giá Nam Mỹ mơ đến trời Âu.

Shakhtar Donetsk còn có tất cả ưu điểm mà đại gia Super League đang thèm khát: một thương hiệu bóng đá được đối thủ quốc tế tôn trọng; chơi bóng đẹp mắt, giàu cảm hứng và tạo sự thích thú; trở thành trung tâm nổi tiếng về nuôi dưỡng tài năng trẻ.

Shakhtar sống nhờ bầu sữa của tỷ phú địa phương Rinat Akhmetov. Ông này bơm hàng đống tiền cho đội bóng. Nhưng đại gia Ukraine có được ngày hôm nay cũng nhờ tầm nhìn xa trông rộng và ý thức tuân thủ triệt để kế hoạch dài hơi: xây dựng cơ sở vật chất đẳng cấp thế giới, đào tạo tài năng trẻ thông qua hệ thống học viện hiện đại, thuê một người quản lý nước ngoài giàu kinh nghiệm, thu hút các tài năng trẻ Nam Mỹ với sự cám dỗ của tiền lương cao ngút và cúp châu Âu. Tất cả, ngoại trừ thu hút bằng cúp châu Âu, là con đường mà các đại gia bóng đá Trung Quốc đang đi.

Alex Teixeira tỏa sáng ở Jiangsu Suning.

Công cuộc thay đổi bộ mặt Trung Quốc mang đậm màu sắc chính trị, giống chuyến đi phương Tây của Gu Mu trước đây. Năm 1978, Đặng Tiểu Bình cử cánh tay phải về kinh tế, ông Gu Mu (đang đảm nhiệm chức vụ Phó thủ tướng) sang trời Âu trong 1 tháng, làm nhiệm vụ do thám, học hỏi các nước công nghiệp tiên tiến như Pháp, Bỉ, Đan Mạch, Thụy Sĩ và Tây Đức.

Sau này, Gu Mu là nhân vật quan trọng trong quá trình cải tổ kinh tế của Đặng Tiểu Bình, góp công hình thành Thẩm Quyến - đặc khu kinh tế đầu tiên của Trung Quốc.

Trong lĩnh vực bóng đá, chính phủ Trung Quốc cũng đang áp dụng cách thức học hỏi, sao chép y hệt quá trình cải tổ kinh tế hơn 30 năm trước.

Khía cạnh thách thức nhất của siêu dự án Trung Quốc mang tên phát triển chương trình đào tạo trẻ, vốn là mảng công nghệ phải nhập khẩu từ nước ngoài. Từ đây, ta lý giải được nguyên nhân vì sao giới đầu tư Trung Quốc vươn vòi thâm nhập các đội bóng có lò đào tạo trẻ chất lượng như Man City, Atletico Madrid và Aston Villa!

Xét đến quy mô đội bóng, có 1 đại gia ngày càng giống Shakhtar. Guangzhou Evergrande (Quảng Châu Vạn Đại) – lá cờ đầu của bóng đá đất nước 1,4 tỷ dân với 6 năm liên tiếp vô địch CSL, vô địch châu Á hai lần trong 3 năm, đang phát triển theo con đường giống Shakhtar Donetsk. Cũng giống sự chi phối của HLV Mircea Lucescu ở Shakhtar, Guangzhou giờ nằm dưới quyền điều hành tuyệt đối của Luiz Felipe Scolari về chuyên môn.

Bộ sậu của ông có 8 người quốc tịch Brazil, trải dài từ đội 1 cho đến vị trí HLV thể lực của đội dự bị. Trong đội hình Guangzhou Evergrande có 4 cầu thủ Nam Mỹ, 2 người là trụ cột (Paulinho và Ricardo Goulart), 1 người quen mặt (Jackson Martinez).

Shakhtar đóng góp 11 người cho tuyển quốc gia Ukraine thì đại gia Trung Quốc có 7 người (nhiều nhất). Từ năm 2012, Quảng Châu Vạn Đại bắt đầu thống trị đội hình của đội tuyển quốc gia Trung Quốc. Đặc biệt, họ còn sở hữu hai nhân vật “có máu mặt” nhất tuyển: đội trưởng Feng Xiaoting và đội trưởng cũ Zheng Zhi.

Đại gia số 1 Trung Quốc đang sở hữu lò đào tạo lớn nhất thế giới trị giá 185 triệu USD, với hàng nghìn học viên tập luyện trên 50 sân bóng, dưới sự hướng dẫn của hàng chục HLV tới từ Real Madrid.

Và cuối cùng, Guangzhou Evergrande thống trị Chinese Super League đến nỗi họ sẵn sàng bán phắt tiền đạo ghi bàn chủ lực Elkeson cho đối thủ cạnh tranh trực tiếp Shanghai SIPG, với ý đồ cải thiện sức mạnh tổng thể của Trung Quốc trên đấu trường AFC Champions League! Một Shakhtar Donetsk đích thực trên đất nước châu Á.

Anh Dũng (Theo These Football Times)

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/ong-lon-trung-quoc-ngay-cang-giong-1-dai-gia-ukraine-post696298.html