Ông lớn bán lẻ di động thích phục vụ các bà nội trợ

Sau khi Thế giới Di động mở chuỗi Bách Hóa Xanh, FPT cũng công bố kế hoạch liên kết với Vinamilk để cùng bán sữa.

Ông lớn bán lẻ di động thích phục vụ các bà nội trợ

Trong bài báo năm 2011, Reuters kể về sự kiện đã đưa đẩy ông Nguyễn Đức Tài thành lập nên công ty Thế giới Di động - đơn vị chuyên phân phối, bán lẻ các thiết bị di động.

Khi ấy, doanh nhân 35 tuổi bối rối vì không thể mua được chiếc điện thoại di động vừa ý để tặng vợ trong dịp tết âm lịch. Một thị trường "có bất thường" với cơ hội mở ra, và Thế giới Di động ra đời đúng vào thời điểm nhiều "người đàn ông có tiền và sẵn sàng chi trả" tại Việt Nam cần tới một nơi mà họ có thể chọn cho mình sản phẩm công nghệ vừa ý.

Giờ đây, Thế giới Di động trở thành nhà bán lẻ điện thoại di động hàng đầu ở Việt Nam, chiếm thị phần lớn nhất về mảng phân phối điện thoại và phụ kiện. Đối thủ lớn nhất của Thế giới Di động là FPT Shop - đơn vị trực thuộc FPT Retail - cũng phát triển theo mô hình tương tự.

Nhưng sau 12 năm khai thác, thị trường bán lẻ điện thoại cuối cùng cũng đến thời "hết nạc vạc đến xương". Quy mô của thị trường bán lẻ thiết bị di động ở Việt Nam được đánh giá ở mức 3,4 tỷ USD, trong khi quy mô thị trường thực phẩm, đồ uống và đồ gia dụng thiết yếu cao hơn thế khoảng 10 lần.

Ông chủ của Thế giới Di động cũng từng phải thừa nhận rằng doanh thu trên mỗi địa điểm mở cửa hàng từ mức trên 3 tỷ đồng đã xuống còn mức khoảng 1 tỷ đồng/tháng. Từ đây, Thế giới Di động xoay sang bán điện máy, rồi thực phẩm với Bách Hóa Xanh.

Khác với Thế giới Di động tự phát triển một chuỗi riêng về thực phẩm, FPT lựa chọn liên kết với một đại gia thực phẩm thông qua chuỗi cửa hàng FPT Shop và F.Studio, những đơn vị thuộc FPT Retails - bộ phận từng được FPT lên kế hoạch bán lại.

Theo đó, các sản phẩm của Vinamilk sẽ được giới thiệu và có cơ hội mở rộng chuỗi chuyên doanh khi kết hợp với 350 cửa hàng bán lẻ điện tử của FPT.

Dù phía FPT Retails cho rằng việc kết hợp này sẽ giúp hai bên tận dụng lợi thế của mình, nhưng nhiều người vẫn tỏ ra hoài nghi bởi sản phẩm và đối tượng khách hàng của hai thương hiệu này có vẻ khác biệt và không hỗ trợ nhau, bởi một bên thường "phục vụ những đấng mày râu" còn một bên là "thương hiệu quen mặt với bà nội trợ".

"Có thể họ chia sẻ điểm bán nhiều hơn là can thiệp vào mô hình bán hàng của nhau theo kiểu store-in-store, nhưng sản phẩm cực khác biệt và cũng xa lạ với người Việt. Có thể Vinamilk tận dụng được địa điểm của FPT, nhưng không rõ FPT được gì trong cuộc liên kết này", một chuyên gia thương hiệu chia sẻ.

Tuy vậy, với quan điểm của người bán lẻ lâu năm, chính ông chủ Thế giới Di động cho rằng trong liên kết, mỗi bên chắc chặn phải có điều gì đó thú vị mang lại cho nhau.

"Ví dụ, em phải có cái gì đó đem lại cho anh. Chứ em vừa xấu, vừa vô duyên, không ra gì thì liên kết kiểu gì bây giờ. Chúng ta phải có cái gì đó đem lại cho cuộc chơi này thì mới liên kết được", ông Tài nói.

theo Trí Thức Trẻ

Nguồn Soha: http://soha.vn/khi-ong-lon-ban-le-di-dong-thich-phuc-vu-cac-ba-noi-tro-20161018172320823.htm