Ông lão chống tiêu cực bằng... thơ châm biếm

Đến huyện Cẩm Xuyên (tỉnh Hà Tĩnh), chỉ cần hỏi chuyện “ông nhà thơ chống tiêu cực bằng thơ châm biếm”, ai cũng biết đó là biệt danh của nhà thơ Lâm Đại Từ (60 tuổi, ngụ thôn 9, xã Cẩm Huy). ông tự nhận niềm vui lớn nhất trong cuộc đời mình là ngao du khắp Bắc - Nam, vừa để thỏa mãn máu giang hồ lãng tử, vừa để tìm tư liệu làm thơ châm biếm, thơ chống tiêu cực.

"Đòi nợ thuê” bằng thơ Vào năm 1980, tại một nông trường đóng tại huyện D.L (Lâm Đồng) xảy ra mâu thuẫn giữa ban giám đốc và hàng trăm công nhân. Nguyên nhân vì trước đó Ban giám đốc tuyên bố áp dụng cơ chế khoán chia lô, tính sản phẩm trả lương cho công nhân để động viên người lao động; thế nhưng sau cả 1 năm trời mà công nhân chưa thấy một đồng lương nào. Thắc mắc thì được Ban giám đốc cho biết tiền chưa thu được về. Thế nhưng oái oăm ở chỗ, dù công nhân thì không có lương cả năm, nhưng những cán bộ lãnh đạo trong lâm trường thì vẫn mua nhà to, sắm xe máy, đời sống vật chất sung túc dẫn đến nghi ngờ trong công nhân: "Phải chăng họ ém tiền của người lao động?.. Sự việc bị bung bét khi một bài thơ ký tên tác giả Lâm Đại Từ được truyền miệng trong công nhân, rồi cả tại địa phương nơi nông trường đặt trụ sở: "Xưa kia trên mảnh đất này / Đồn điền có chủ đọa đầy công nhân / Tưởng rằng chuyện đó xa dần / Ngờ đâu nó lại xích gần về đây.... Rồi: "Chỉ vì mấy kẻ quan liêu / Làm cho cuộc sống tiêu điều xác xơ / Xe lao vun vút kiếm lời chia nhau /Vì say cuộc sống làm giàu /Bỏ quên nghĩa vụ đứng đầu công nhân....” Nội tình của nông trường được phơi bày toàn bộ trong bài vè khiến Ban Giám đốc nông trường sợ tái mặt. Chỉ ít ngày sau khi bài thơ lan truyền, không rõ vì sao mà toàn bộ công nhân trong lâm trường đã được phát lương, thanh toán mọi chế độ mà Ban Giám đốc đã nợ suốt cả năm trước đó. Tác giả của bài thơ khi đó đang ở chơi nhà một người bạn là công nhân trong lâm trường, nhưng không thể dứt ra trở về nhà vì ai cũng lôi về nhà nuôi ăn cả tháng trời. “Đến bây giờ, những người bạn đó vẫn thường xuyên mời tôi vào chơi. Họ còn gọi vui tôi là người đòi nợ thuê bằng thơ”, ông Từ cười. Nhà thơ kiêm... điều tra viên Nhà thơ Lâm Đại Từ cũng chính là người đã phanh phui đường dây làm giả thẻ thương binh tại Hà Tĩnh (vừa được đưa ra xét xử vào tháng 7 vừa rồi). Bài thơ “May sao anh có cách luồn” ra đời và đăng trên một tờ báo của ngành vào năm 1998 vạch ra thực trạng tại địa phương: "Thường ngày tôi vẫn gặp anh / Người không đi lính hóa thành thương binh / Anh khai trong các tờ trình / Bị thương trong đất Quảng Bình đi vô...” Sự việc được ông kể lại như sau: "Tôi tình cờ biết chuyện một người quen đã nghe theo hướng dẫn của cán bộ chính sách để khai man lý lịch lấy thẻ thương binh giả. Bài thơ châm biếm đăng báo gây xôn xao dư luận, cơ quan chức năng đã vào cuộc điều tra và truy tố những đối tượng liên quan”. Một vụ việc dự án thực hiện sai quy định tại huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) cũng đã bị ông phanh phui qua thơ hồi năm 2002. Ngày đó, ông nghe tin dự án này có vấn đề nhưng khó khăn nhất là chủ đầu tư thuê nhiều bảo vệ trông chừng khu vực 24/24h, không cho người lạ mặt vào. Nhà thơ quyết định hóa trang thành một nông dân, chui qua hàng rào để vào tận nơi mục sở thị. Những vần thơ châm biếm về dự án này ra đời là kết quả của nhiều ngày hóa trang, điều tra, chịu dây thép gai cào rách da: "Ngờ đâu các lối ra vào /Dây chằng thép buộc bờ rào chỏng chơ /Trèo lên đến cuối con bờ /Cát chuồi xuống lấp đầy hồ khô rang. Cơ quan chức năng vào cuộc, phát hiện dự án này đã làm thất thoát của Nhà nước số tiền nhiều tỉ đồng. Và nhà thơ Lâm Đại Từ cũng rút ra thêm được kinh nghiệm: "Làm thơ đôi khi không phải chỉ cần cảm hứng, mà phải cần cả nghiệp vụ báo chí và nghiệp vụ của công an. Đời thi sĩ làm thơ châm biếm nhiều khi gặp không ít khó khăn vì đấu tranh thì tránh đâu?. Thế nhưng lão thi sĩ không ngại khó, "Dù trong hoàn cảnh nào, gặp điều chướng tai gai mắt thì dù giữa đường, giữa chợ tôi cũng sẵn sàng ứng khẩu thành thơ đấu tranh”, ông Từ bộc bạch. Lão thi sĩ ở tuổi 60 vẫn chưa nguôi nhiệt huyết với phong trào làm thơ châm biếm. ông nói: "Phong trào thơ châm biếm ở Hà Tĩnh bắt nguồn từ những câu hát ví dặm, người làm thơ cũng vì thế mà sinh ra nhiều hơn, tâm huyết hơn. Hiện chúng tôi có hẳn một câu lạc bộ thơ châm biếm, có sinh hoạt đều đặn hàng tháng. Định hướng sáng tác là đi sâu, bám sát những đề tài nóng hổi mà dân đang cần lên án, kêu gọi... nói chung là sát quyền lợi với dân thì ai cũng đọc, cũng ủng hộ. Thơ cũng là công cụ giúp cho nâng cao trình độ văn hóa người dân, giúp cho cán bộ địa phương phải tuân thủ đúng đắn đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước”. THÀNH VĂN

Nguồn ĐS&PL: http://www.doisongphapluat.com.vn/story.aspx?id=7240&lang=vn&zone=22&zoneparent=0