Ông lão 76 tuổi miệt mài làm đèn kéo quân ở thủ đô

Đứng trước sự lấn át mạnh mẽ của đồ chơi nhập khẩu, đồ chơi truyền thống tỏ ra lép vế vì thiếu sức cạnh tranh, không thu hút sự chú ý của cả người lớn lẫn trẻ nhỏ. Các mặt hàng đồ chơi truyền thống đang ngày càng vắng bóng dần vào mỗi dịp Trung thu. Thế nhưng với tình yêu nghề vẫn có những người thầm lặng bám nghề để gắng sức giữ lại những món đồ chơi giản dị nhưng đầy hữu ích đó. Ông Nguyễn Văn Quyền với chiếc đèn kéo quân của mình là một trong số những người như vậy.

Năm nay 76 tuổi, ông Nguyễn Văn Quyền (thôn Đàn Viên, Cao Viên, Thanh Oai, Hà Nội) vẫn cặm cụi chẻ từng thanh tre, cắt từng cánh chong chóng giấy để làm đèn kéo quân mỗi dịp trung thu về.

Ông gắn bó với đèn kéo quân từ hồi còn nhỏ, đến nay như một thú vui, một đam mê, ông Quyền làm đèn không phải để kiếm sống. Ông bảo, mỗi ngày chỉ làm được 2 chiếc. Nguyên vật liệu phải mua từ nơi khác về, làm xong bán ra được 100 nghìn đồng/chiếc.

"Đèn kéo quân là món đồ chơi thông minh, đầy trí tuệ của cha ông ta: Ngày xưa các cụ có học hành gì đâu, chữ nghĩa cũng chỉ i tờ mà nghĩ ra được cách tận dụng luồng khí đối lưu để đẩy cho chong chóng quay, đèn chạy".

Các hình tướng sỹ, xe pháo, binh mã, nhân vật lịch sử hay nhân vật truyện cổ tích đều được gắn vào những vòng xe đặt dưới cánh chong chóng xếp thành 3 – 4 vòng cách nhau đến 5 -7cm dựng trên một đĩa đèn dầu hoặc dầu lạc tạo thành câu chuyện dân gian đầy ý nghĩa.

Ông Quyền kể: "Ngày xưa, hồi ông còn nhỏ, đèn kéo quân là thú chơi của nhà giàu, nhà nào có của mới chơi đèn kéo quân. Nó giống như một bộ phim hoạt hình đầy mơ ước của đám trẻ con nhà nghèo. Cho nên đèn kéo quân là món đồ sang trong số những thức đồ chơi Trung thu ngày đó”.

Từ xưa đến nay, nguyên liệu chính làm nên những chiếc đèn kéo quân là trúc hoặc tre được chuốt kỹ để dán hình nhân vật. Các trụ đèn và các bề mặt của đèn đều được làm bằng những loại giấy màu sắc sỡ, trổ những họa tiết càng làm cho chiếc đèn thêm lóng lánh, lộng lẫy.

Đã 6 năm nay, mỗi dịp Trung thu về, Bảo tàng Dân tộc học mời ông đến hướng dẫn sinh viên và trẻ nhỏ làm đèn. "Tôi chỉ mong ngày càng có nhiều người chơi đèn kéo quân, bởi vì đây là món đồ chơi hết sức độc đáo mà các cụ để lại. Có ai muốn học nghề, tôi sẵn sàng truyền dạy, chỉ mong cái nghề làm đèn này đừng theo tôi về với các cụ…”.

Trong ngôi nhà nhỏ của ông, hàng ngày thỉnh thoảng có những vị khách ở mọi nơi biết tiếng đã lặn lội về xem nghề và chọn cho mình những chiếc đèn kéo quân do chính tay ông Quyền làm.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/xa-hoi/ong-lao-76-tuoi-miet-mai-lam-den-keo-quan-o-thu-do-235733.bld