Ông Hồ Xuân Mãn có cướp công? - Bài 2: Những chiến công thầm lặng

Sau Hiệp định Paris 1973, địch dùng 1 tiểu đoàn biệt động quân và 1 đại đội cảnh sát dã chiến có xe tăng yểm trợ để tái chiếm xã Phong An. Sau khi tái chiếm, chúng tiến hành bình định, thanh lọc. Nhiều đảng viên, an ninh, du kích của ta bị bắt, tra tấn tù đày, thậm chí còn bị thủ tiêu.

Để bảo toàn lực lượng, Huyện ủy Phong Điền chủ trương gấp rút đưa những cơ sở còn lại ra vùng giải phóng. Nhận nhiệm vụ của cấp trên giao, ông Hồ Xuân Mãn đã cùng với lực lượng 2 xã Phong An và Phong Sơn bí mật tổ chức đưa hơn 20 gia đình cơ sở cách mạng lên chiến khu.

Sau gần 1 tháng rời địa bàn đi dự Đại hội anh hùng, chiến sĩ thi đua ở Cồn Tiên, ông Hồ Xuân Mãn quay trở lại A Lưới và biết ở quê mình chị Hạnh - Huyện ủy viên, Bí thư xã Phong An; anh Đời - Bí thư xã Phong Sơn; anh Thuận - Xã đội trưởng Phong An; anh Đàm, anh Anh - du kích và nhiều đồng chí khác đã lần lượt hy sinh. Trước tình hình đó, ông báo cáo với ông Vũ Thắng - Bí thư Tỉnh ủy và ông Nguyễn Đình Bảy - Phó Ban An ninh Khu ủy xin trở lại Phong Điền. Về đến nơi, ông Lê Tư Sơn - Bí thư Huyện ủy, ông Phạm Văn Danh - Trưởng Ban An ninh huyện cho ông Hồ Xuân Mãn biết: "Tình hình Phong An bây giờ gay go lắm. Thường vụ tin đồng chí và giao đồng chí tìm mọi cách trở lại chỉ đạo phong trào.”

Liên quan đến nội dung bài viết "Về lại Phong Điền” của nhà văn Nguyễn Quang Hà, ngày 5-12-2012, ông Đồng Hữu Vinh - Trung tá, Chính trị viên phó kiêm Chủ nhiệm Chính trị Ban CHQS huyện Phong Điền và ông Nguyễn Văn Lương - Thượng tá, nguyên Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Phong Điền đã có văn bản phản hồi. Ông Đồng Hữu Vinh cho biết: "Tôi thấy rằng: một số nội dung và ngôn từ của bài báo phản ánh không đúng sự thật và bị cường điệu hóa làm cho người đọc hiểu sai vấn đề.”...Có đoạn thoại (trích đăng trong bài báo), theo khẳng định của ông Đồng Hữu Vinh "là hoàn toàn sai sự thật”.

Để tránh địch phát hiện, ông Hồ Xuân Mãn và ông Hùng (du kích) lội xuống bàu (ruộng sâu) dùng cỏ để ngụy trang. Trong cuộc đời tham gia hoạt động cách mạng của ông Hồ Xuân Mãn, theo ông đây là thời điểm gian khổ nhất, vì ban đêm thì lạnh, muỗi bu kín đầu còn ban ngày nắng như đổ lửa, nước lại nóng, bụng đói lại bị đỉa hành. Đêm xuống, cởi hết áo quần, toàn thân đầm đìa máu và đỉa. Hai ngày sau, họ mới tiếp cận được ấp Phò Ninh và gặp được chị Nguyệt - cơ sở của ta. Chị Nguyệt khuyên họ: "Đi đi, ở đây là chết vì địch đóng ở khắp nơi”. Thông qua chị Nguyệt, cuối cùng ông Hồ Xuân Mãn đã gặp được chị Hoa - cơ sở mật của an ninh. Gặp lại cán bộ cách mạng, chị Hoa òa khóc: "Chết hết rồi, chú về chi nữa!”

Từ đó, cùng với anh em an ninh, du kích, ông Hồ Xuân Mãn gây dựng lại phong trào. Chi bộ mật, Chi đoàn mật, 5 tổ du kích mật được khôi phục và hoạt động trở lại. Tháng 3-1975, mặc dù không có lực lượng chủ lực hỗ trợ nhưng ông Hồ Xuân Mãn đã cùng lực lượng tại chỗ tổ chức nhân dân 2 xã Phong An - Phong Sơn nổi dậy, phá toang cánh cửa phía Bắc, tạo điều kiện cho Quân đoàn II tiến quân vào giải phóng Huế.

Nếu không được nghe những người trong cuộc kể lại những câu chuyện sau đây thì khó mà hình dung về phẩm chất của một người anh hùng một lòng kiên trung với Đảng, sẵn sàng hy sinh tính mạng để bảo vệ cán bộ lãnh đạo trong những năm đầy gian khổ và ác liệt của chiến tranh.

Đó là tháng 6-1970, một đoàn cán bộ 5 người, gồm ông Vũ Thắng - Bí thư Đảng ủy Đoàn 6 và 2 cần vụ, ông Lê Sáu - Bí thư Huyện ủy Phong Điền, Thường vụ Đảng ủy Đoàn 6, do ông Hồ Xuân Mãn (lúc đó là thư ký và bảo vệ cho đồng chí Lê Sáu) dẫn đầu hành quân từ dốc Cao Bồi trên đất Lào để trở về hậu cứ Phong Điền. Do đoàn không có trinh sát, không có giao liên dẫn đường nên tính mạng của 4 con người, trong đó có 2 vị lãnh đạo chủ chốt của Thừa Thiên đều phó thác vào ông Hồ Xuân Mãn. Khi đến đoạn đường gần cao điểm Cóc Bai - ngã 3 Quảng Trị thì diễn ra tình huống: địch vừa phục kích và cắm 3 cái đầu máu đang còn chảy. Trước diễn biến bất ngờ đó, ông Hồ Xuân Mãn đã cùng với ông Viết (bảo vệ của đồng chí Vũ Thắng) tiến hành kiểm tra. Biết địch đã rút, không gài lựu đạn nên cả đoàn tổ chức mai táng. Nhóm 3 người của Đoàn 6 tạm dừng lại chờ dò đường, còn ông Mãn, ông Sáu tiếp tục đi. Gần giữa chiều, linh cảm bất an nên ông Mãn dừng lại nói nhỏ với Thủ trưởng của mình: "Chú đợi cháu ở đây” rồi tiếp tục trinh sát. Được một quãng, ông Mãn phát hiện giữa đường địch lại cắm 1 cái đầu. Đi tiếp, ông lại phát hiện thêm 1 cái đầu khác. Cả 2 máu còn chảy, chứng tỏ địch vừa phục kích tại đây.

Văn bản của ông Đồng Hữu Vinh và Nguyễn Văn Lương

có xác nhận của Thượng tá Đặng Trần Sơn

- Chính trị viên Ban CHQS huyện Phong Điền

Kể cho nghe tôi nghe đến đoạn này ông Lê Sáu nói: "Thú thật đến lúc đó mình cảm thấy ớn lạnh. Phải là con người gan lỳ, không biết sợ mới dám liều lĩnh đi một mình như thế. Đó là phẩm chất của một anh hùng!”.

Về đến căn cứ của xã Phong Thu, ông Hồ Xuân Mãn lại nhận nhiệm vụ đi tìm gạo, muối cứu đói cho bộ phận của ông Phan Bằng - Tỉnh đội trưởng và ông Võ Lạng (sau giải phóng là Chủ tịch UBND huyện Phú Lộc) - Cán bộ tổ chức của Trung đoàn 6 đã đói nhiều ngày đang tìm đến để xin tiếp tế. Đó là một nhiệm vụ rất nguy hiểm. Trong những năm chiến tranh, để bảo vệ số lương thực cất giấu, trước khi chuyển chỗ đóng quân, anh em ta thường gài lựu đạn để phòng địch hoặc thú rừng phá hoại. Anh Hoàng Khuê (Thu) - Bí thư xã Phong Thu đã chết vì mìn do anh em gài lại ở hầm cũ. Trước khi đi, ông Lê Sáu dặn ông Mãn: Phải hết sức cẩn thận "vì đồng chí là người duy nhất gắn liền sinh mạng với tôi và sứ mệnh của Đảng bộ 2 huyện Phong - Quảng”.

Ông Lê Sáu thuật lại trong hồi ký: "Như một người đi dò mìn, anh Mãn lần từng đoạn, phát hiện vật nổ cả dưới đất lẫn trên cây, vượt qua đoạn này đến đoạn khác. Gần 12 giờ trưa anh Mãn mới tìm ra chỗ giấu gạo, muối và gùi về được 50 lon gạo, 3 lon muối và mang theo 2 quả lựu đạn mà anh em mình đã gài ở miệng hầm. Anh Mãn chia cho anh Phan Hường 18 lon gạo, 1 lon muối, anh Võ Lạng 32 lon gạo, 2 lon muối. Cân lương khô mang từ khu ủy về anh Mãn cũng cho luôn đoàn của anh Võ Lạng.”

Trong hồi ký của mình, ông Lê Sáu còn ghi lại kỷ niệm mà trong gần 10 năm làm Bí thư Huyện ủy Phong Điền, ông không bao giờ quên cái đêm anh Hồ Xuân Mãn tổ chức đưa ông vượt qua căn cứ địch ở Đồng Lâm - Ngành Ngạnh. Ông Sáu cho biết: "Đoạn đường không dài mà ở đó có 36 cụm biệt kích Mỹ chốt giữ. Đêm đó, tôi bị vọt bẻ nên phải lết từng bước một, tránh hết ổ biệt kích này, lết qua ổ biệt kích khác chốt xen kẽ nhau giữa các quả đồi. Chỉ cần một sơ suất nhỏ, địch phát hiện được, chúng tôi chỉ có tử chiến, khó thoát chết.”.

Sự thật về năm tháng chiến đấu can trường của ông Hồ Xuân Mãn có thể viết thành một cuốn truyện ký. Tuy nhiên, chỉ riêng một số thông tin vừa nêu cũng đã đủ hình dung về phẩm chất của một cán bộ nằm vùng. Điều cần nói thêm là kể từ khi đất nước đổi mới, từ một Bí thư Huyện ủy, ông Hồ Xuân Mãn phấn đấu và trở thành Bí thư Tỉnh ủy 2 nhiệm kỳ, được tặng thêm 8 Huân chương, trong đó có 1 Huân chương Độc lập hạng Nhì, 1 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì và 1 Huân chương chuyên án an ninh tôn giáo, 1 Huân chương Đại Đoàn Kết dân tộc, 1 Huân chương Lao động hạng Nhì, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, 1 Huân chương Hữu nghị, 1 Huân chương Itxala.

Năm 2010, xét thành tích cả thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và thời kỳ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, ông Hồ Xuân Mãn được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang.

Hữu Thu - Bảo Hân

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=59900&menu=1390&style=1