Ông Hải và cuộc chiến giành lại vỉa hè, ai đúng ai sai, cần lắm một câu trả lời

Tính đến thời điểm hiện tại thì có thể nói, "cuộc chiến” giành lại trật tự vỉa hè đã chưa kịp thành công thì đã có dấu hiệu mệt mỏi, rệu rã. Vỉa hè ở hai thành phố lớn lại trở lại như trước - “như chưa hề có cuộc chia ly”, lại bị tái chiếm, lại nhếch nhác như cũ. Một chiến dịch ra quân rầm rộ đã kết thúc và có nguy cơ thất bại, ai ai cũng đã thấy rõ, song nó vẫn còn nợ người dân một câu hỏi to tướng: Ai đúng, ai sai trong cuộc chiến này?

Sau một thời gian đi vào trật tự, quận 1 TPHCM lại trở nên nhếch nhác bởi tình trạng lấn chiếm, buôn bán hàng rong, quán nhậu. (Ảnh: Trường Sơn)

Bất ổn ngay trong tên gọi “chiến dịch”, “cuộc chiến”

Gọi là “cuộc chiến” tất nhiên ít nhất nó sẽ phải mang vài đặc điểm của cuộc chiến, đó là: Căng thẳng, không thể kéo dài vì nó gây tổn thất và mất mát cho cả hai phía, đặc biệt là phải có người thắng kẻ thua hay đúng hơn là có kẻ sai người đúng. Vì sao một việc làm chính đáng và đơn giản là lập lại trật tự cho vỉa hè lại trở thành một “cuộc chiến” gay cấn đến như vậy?

Câu hỏi này cũng được coi là câu trả lời cho lí do vì sao việc giành lại vỉa hè lại có thể thất bại. Đúng thôi, cuộc chiến càng gian nan, chứng tỏ kẻ thù rất nguy hiểm, mà kẻ thù nguy hiểm thì việc tái chiếm là điều quá dễ dàng nếu không nghiêm. Người dân phản ứng khi bị tháo dỡ, di dời, đập phá những phần công trình lấn chiếm vỉa hè là bởi công trình đó đã được "cấp phép” và tồn tại bấy lâu nay, giờ đùng một cái bị phá bỏ trong tích tắc. Điều này đâu phải lỗi ở mỗi người dân.

Có nhất thiết phải biến nó thành cuộc chiến hay không nếu trên dưới đều đồng sức đồng lòng. Ngược lại, không phải một ông Hải mà cả trăm ông Hải cũng không thể thành công. Nếu quyết liệt thì chỉ cần giao về cho các phường quản lý, không quản lý được thì cách chức bí thư và chủ tịch phường, chắc chắn là sẽ dẹp được việc lấn chiếm vỉa hè. Vấn đề là có muốn dẹp hay không mà thôi!

Có ai đúng, ai sai, hay lại “hòa cả làng”?

Trả lời báo chí câu hỏi vì sao vỉa hè lại bị tái chiếm tràn lan, ông Đoàn Ngọc Hải - Phó Chủ tịch quận 1 - có vẻ chua chát: "Công sức của anh em trong những tháng cao điểm giờ gần như trở về số 0. Tôi thấy rõ cảnh nhếch nhác trên vỉa hè rất khó chịu, nhưng làm sao được khi tôi không còn đứng đầu chiến dịch và có quyền xử lý vi phạm”.

Đây không chỉ công sức của anh em quận 1 mà còn là công sức của rất nhiều người với rất nhiều lần ra quân ở hai thành phố lớn của cả nước. Đó là chưa kể những thiệt hại không hề nhỏ về vật chất của người dân trong quá trình giải phóng mặt bằng để giành lại trật tự vỉa hè.

Vậy, ai đã đúng và ai đã sai trong cái gọi là “cuộc chiến” này? Nếu vỉa hè đúng thì ông Hải và tất cả những người liên quan đến “chiến dịch” phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về những việc làm của họ. Còn nếu vỉa hè sai thì tại sao sau những nỗ lực giành giật “” (nhà báo Đào Tuấn - LĐO) - trở về như cũ. Vỉa hè sai mà vẫn nghiễm nhiên với nụ cười của người giành chiến thắng sẽ là câu trả lời bất lực nhất của cán bộ dành cho nhân dân.

Có thể thấy, cuộc chiến giành lại trật tự vỉa hè ra quân càng rầm rộ bao nhiêu thì khi kết thúc và thất bại lại càng im lặng bấy nhiêu. Cuộc chiến ấy không phải do ngẫu hứng của một cá nhân ông Đoàn Ngọc Hải đề xướng, càng không thể là một câu chuyện phiếm, chuyện đùa để kết thúc câu chuyện là cười trừ hòa cả làng. Đây là chuyện quốc gia đại sự chứ không phải là một bộ phim truyền hình để giải thích rằng nó không có kết thúc hay còn gọi là kết thúc để ngỏ. Người dân cần một câu trả lời cho sự kiện này bởi câu trả lời ai đúng, ai sai rất quan trọng để gìn giữ niềm tin đối với xã hội.

Thủy Lâm

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/dien-dan/ong-hai-va-cuoc-chien-gianh-lai-via-he-ai-dung-ai-sai-can-lam-mot-cau-tra-loi-668944.bld