Ông Duterte có 'giết chết' được liên minh Philippines - Mỹ?

Theo The National Interest (TNI), dù liên tục có dấu hiệu thân thiết với Trung Quốc và rời xa Mỹ nhưng Tổng thống Philippines Rodgio Duterte sẽ không thể “giết chết” liên minh Philippines - Mỹdù mối quan hệ này giờ đang mong manh hơn bao giờ hết.

Mặc dù mới lên nắm quyền được vài tháng, nhưng ông Duterte đã để lại nhiều rạn nứt trong với quan hệ với người đồng cấp Mỹ Barack Obama. Điển hình nhất là việc ông Duterte gọi Tổng thống Mỹ là “đồ khốn” trước thềm hội nghị cấp cao ASEAN hồi đầu tháng 9 vừa qua. Dù không rõ là vô tình hay cố ý nhưng hành động này đã dẫn đến hậu quả ngay tức thì khi ông Obama hủy cuộc họp giữa 2 nhà lãnh đạo này. Vài tuần sau, ông Duterte đòi “đuổi” lực lượng đặc biệt Mỹ. Tiếp đó, Tổng thống Philippines cho biết đang cân nhắc mua vũ khí của Nga và Trung Quốc đồng thời tuyên bố dừng tuần tra chung với Mỹ ở Biển Đông.

Chưa hết, ông Duterte còn tuyên bố cuộc tập trận quân sự vào tháng 10 tới giữa Mỹ và Philippines sẽ là đợt diễn tập quân sự "cuối cùng" mà hai nước thực hiện. Hôm 3/10, ông còn nhấn mạnh sẽ làm bạn với Tổng thống Nga Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Trước những dấu hiệu trên từ ông Duterte, giới phân tích nghi ngại về liên minh Mỹ - Philippines, thậm chí có người còn cho rằng mối quan hệ này sẽ không thể sống sót qua nhiệm kỳ của ông Duterte.

Tổng thống Philippines Rodgio Duterte

Để trả lời câu hỏi này, TNI đã xem xét lại những mối quan hệ bị lung lay giữa Mỹ và các đồng minh khác. Đầu tiên đó là mối quan hệ giữa Mỹ và Israel. Mối quan hệ này gần đây cũng bị giảm xuống mức thấp nhất trong lịch sử và đối mặt với sự chỉ trích rộng rãi từ công chúng Mỹ.

Đây không phải là lần đầu tiên mối quan hệ Mỹ - Israel đối mặt với áp lực như vậy. Khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, Israel đã nhận hàng trăm ngàn người tị nạn từ Liên Xô với hy vọng bắt đầu lại ở Miền Đất hứa. Thủ tướng Israel khi đó là Yitzhak Shamir đã kêu gọi Mỹ cho vay 1 tỷ USD để hỗ trợ những người tị nạn này. Tuy nhiên, cùng lúc đó, hàng ngàn người cánh hữu tìm cách biến Bờ Tây và Dải Gaza thành nhà của họ. Trước tình hình đó, Tổng thống George HW Bush yêu cầu Thủ tướng Shamir đồng ý rút quân ra khỏi các vùng chiếm đóng. Dù vậy, cuối cùng Tổng thống Bush đã phải nhượng bộ.

Thời điểm đó, nhiều người đánh giá, mối quan hệ giữa ông Bush và ông Shamir chứa đầy căng thẳng và khinh thị lẫn nhau. Tuy nhiên, những bất đồng đó không thể chia rẽ được mối quan hệ giữa hai nước. Tổng thống Obama đã ký kết thỏa thuận cung cấp cho Israel khoản viện trợ quân sự trị giá kỷ lục, tới 38 tỷ USD, trong thập kỷ tới.

Minh chứng thứ hai cho thấy một mối quan hệ liên minh khó có thể bị chia cắt bởi ý tưởng bất chợt của một cá nhân, thậm chí ngay cả khi người đó là tổng thống. Trong cuối những năm 1970, Mỹ và Hàn Quốc từng đối mặt với thời kỳ khó khăn nhất khi trong suốt quá trình vận động tranh cử, Tổng thống Jimmy Carter luôn tuyên bố sẽ đơn phương rút tất cả các lực lượng hạt nhân và quân đội Mỹ ra khỏi Hàn Quốc. Nửa nhiệm kỳ đầu tiên, ông rút hơn 3.000 quân và hơn một nửa lực lượng hạt nhân của Mỹ tại Hàn Quốc. Nhưng cuối cùng ông đã phải từ bỏ kế hoạch của mình.

Hồi tháng 9, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã hủy cuộc gặp với ông Duterte bên thềm hội nghị cấp cao ASEAN tại Lào.

Từ những ví dụ trên, TNI cho rằng, liên minh Mỹ - Philippines có thể bị lung lay nhưng gần như chắc chắn sẽ không bị phá vỡ. Ngoài ra, tờ này còn đưa ra nhiều nguyên nhân khác cho nhận định đó.

Thứ nhất, những phát ngôn khác của ông Duterte về Mỹ không có tác động đáng kể hoặc nếu có thì cũng được đính chính ngay sau đó.

Ví dụ, lời đe dọa của ông Duterte nhắm vào các binh sĩ Mỹ ở miền Nam Philippines không có gì đáng lo ngại. Những binh sĩ này đã từng tham gia lực lượng chống khủng bố mang tên Chiến dịch Tự do Vĩnh cửu Philippines (OEF-P). Hoạt động này đã chính thức kết thúc cách đây hơn một năm và binh sĩ đã rút gần hết, chỉ còn khoảng 200 người.

Do đó, quan hệ Mỹ - Philippines sẽ không bị ảnh hưởng bởi phát ngôn trên của ông Duterte. Hơn nữa, Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay ngay sau đó đã lên tiếng đính chính rằng việc rút lính Mỹ ra khỏi Mindanao chỉ là một biện pháp tạm thời, không phải là một sự thay đổi trong chính sách đối với đồng minh Mỹ.

Ngoài ra, chính phủ Mỹ cũng liên tục khẳng định mối quan hệ đồng minh vững chắc với Philippines.

Thứ hai, cả hai bên có rất nhiều mối đe dọa chung cần cùng nhau giải quyết. Giống như việc Nhật Bản và Hàn Quốc phải lo lắng về Triều Tiên, Israel vẫn đang bị bao quanh bởi các cường quốc thù địch, Philippines vẫn chưa thể giải quyết được vấn đề tranh chấp Biển Đông với Trung Quốc, do vậy, họ vẫn cần Mỹ. Việc duy trì quan hệ hợp tác an ninh mật thiết với Mỹ sẽ phục vụ rất tốt hay không thể thiếu để bảo vệ lợi ích của những nước này.

Nội dung được thực hiện qua tham khảo Tạp chí National Interest. National Interest được thành lập vào năm 1985. Tạp chí thường tập trung vào vấn đề chính sách đối ngoại và những lợi ích quốc gia của Mỹ.

PHẠM KHÁNH (Lược dịch)

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/ong-duterte-co-giet-chet-duoc-lien-minh-philippines-my-post210587.info