Ông Đinh La Thăng: 'Lương 3 triệu sao giữ được giảng viên giỏi?'

Bí thư Thành ủy TP HCM muốn các trường đại học trên địa bàn không trông chờ vào "bầu sữa ngân sách", đẩy mạnh tự chủ để tăng thu nhập cho cán bộ.

Ngày 21/2, tại buổi làm việc giữa Thành ủy TP HCM với Đảng ủy khối các trường Đại học - Cao đẳng và Trung cấp chuyên nghiệp, một số lãnh đạo trường chia sẻ, lương các giảng viên trẻ hiện nay quá thấp khiến họ không tập trung tối đa cho việc giảng dạy. Nhiều người giỏi chạy sang các trường đại học quốc tế trả lương bổng cao hơn, dẫn đến tình trạng "chảy máu chất xám".

Chia sẻ nỗi lo này, Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng khẳng định, các đại học phải đẩy mạnh cơ chế tự chủ về tài chính, tổ chức bộ máy. "Thực tế ở nhiều trường cho thấy tự chủ thì các trường tốt hơn. Vậy không có lý do gì chúng ta bao cấp mãi, bao cấp tràn lan được", ông nói.

Ông Đinh La Thăng tại cuộc họp sáng 21/2. (Ảnh: Mạnh Tùng)

Bí thư TP HCM dẫn chứng về trường hợp đôi vợ chồng trẻ mà ông quen, vừa tốt nghiệp ngành nông lâm và làm thuê cho nông trại trồng dưa, mỗi người nhận lương 10 triệu đồng mỗi tháng.

"Vậy nếu anh trả lương 3 triệu đồng thì làm sao thu hút được người giỏi ở lại trường?", ông Thăng đặt câu hỏi và khẳng định "các trường phải tự chủ mới có thể nâng cao được thu nhập cho cán bộ nhân viên".

Ngoài ra, sự tự chủ của các trường cũng giúp nâng cao được chất lượng đầu ra của sinh viên, tạo ra nguồn lao động chất lượng cao, cạnh tranh được với quốc tế. "TP HCM sẵn sàng làm việc với Bộ Giáo dục để đại học được tự chủ với tùy điều kiện của từng trường, mức độ tự chủ khác nhau", ông Thăng nói.

Bàn về việc phát triển các trường đại học trọng điểm tại địa bàn, đại diện một số trường cho rằng "trường trọng điểm là để Nhà nước đầu tư xây dựng cơ sở vật chất tốt".

Ngay lập tức ông Thăng cho rằng, nếu quan niệm như vậy sẽ mãi đi vào vòng luẩn quẩn vì ngân sách của trung ương và thành phố đều có hạn. "Vấn đề là các trường đại học cần đưa ra cơ chế gì để tạo sản phẩm mang tầm quốc tế. Từ đó thu học phí như quốc tế thì mới phát triển bền vững được", ông Thăng gợi ý.

Về định hướng lâu dài, ông Thăng đề nghị các trường tập trung đào tạo ngành Khoa học - Công nghệ bởi nhu cầu nguồn nhân lực này đang lớn.

"Chúng ta phải có chương trình nuôi dưỡng những tài năng khoa học, công nghệ từ nhỏ. Phải bổ sung nội dung lập trình vào các cấp theo nội dung tăng dần và thay đổi căn bản cách giảng dạy tiếng Anh", người đứng đầu Thành ủy TP HCM đề nghị.

Cũng tại buổi họp, ông Thăng yêu cầu chính quyền thành phố cần công bố sớm các khu quy hoạch, giải phóng mặt bằng sạch để giao đất cho các trường có nhu cầu mở rộng cơ sở giảng dạy.

Trước đó, lãnh đạo nhiều trường đại học, cao đẳng chia sẻ những khó khăn khi tiến tới tự chủ. GS.TS Mai Hồng Quỳ (Hiệu trưởng Đại học Luật TP HCM) cho biết, nếu thu học phí theo quốc tế sẽ lên tới vài chục triệu mỗi năm. Trong khi đó, 80% sinh viên của trường đến từ các địa phương khó khăn, vùng sâu, vùng xa nên học phí tăng, họ bị ảnh hưởng lớn.

Với các trường thuộc khối sư phạm, việc tự chủ càng khó khăn hơn và họ hầu như không dám "buông bầu sữa mẹ". Bởi khi tự chủ, các trường này phải thu học phí cao, trong khi giáo viên mới ra trường lương rất thấp thì không ai dám vào sư phạm.

"Lương giáo viên mới ra trường là chưa tới 3 triệu đồng và họ mất 5 năm đầu là không được tính thâm niên. Lương rất thấp nên họ phải bươn chải đủ việc để sống", PGS.TS Nguyễn Kim Hồng (Hiệu trưởng Đại học Sư phạm TP HCM) bày tỏ.

Bà Mai Hồng Quỳ phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh: Mạnh Tùng)

Báo cáo với Thành ủy TP HCM, GS.TS Nguyễn Đông Phong (Hiệu trưởng Đại học Kinh tế TP HCM, Bí thư Đảng ủy khối) đề xuất thành phố phối hợp với Bộ Giáo dục nghiên cứu, chọn lọc một vài trường đại học có chất lượng tốt, có uy tín trong nước và quốc tế để đầu tư trọng điểm.

"Điều này sẽ tạo điều kiện cho các trường phát triển đạt chuẩn khu vực và quốc tế, để trong thời gian 5-10 năm chúng ta sẽ có một vài trường và một số ngành đào tạo ngang tầm các trường tiên tiến trên thế giới", ông Phong nói.

Ông Phong cũng đề nghị TP HCM "đặt hàng" đề tài nghiên cứu cho các trường nhằm thực hiện 7 chương trình đột phá của thành phố. Các trường sẽ chủ động đề xuất đề tài nghiên cứu với UBND thành phố thông qua Sở Khoa học và Công nghệ.

Đồng thời, khối trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp cũng muốn thành phố có cơ chế, chính sách hỗ trợ nguồn vốn vay ưu đãi với các trường được giao thí điểm tự chủ.

Mạnh Tùng - Theo VnExpress

Nguồn Pháp Luật Plus: http://www.phapluatplus.vn/ong-dinh-la-thang-luong-3-trieu-sao-giu-duoc-giang-vien-gioi-d36486.html