Ông Đinh Doãn Lởi, Chủ tịch HĐQT Cty CP Vật liệu cách nhiệt Việt Nhật: 'Thị trường két bạc còn rất rộng lớn'

Nhiều chủ doanh nghiệp làm nghề sản xuất két bạc ở làng nghề Đại Tự- nơi sản xuất két bạc lớn nhất cả nước- đều cho rằng, hiện nay thị trường két bạc đã bão hòa bởi sản xuất nhiều mà thị trường tiêu thụ đã gần như lấp đầy, vì mỗi gia đình chỉ cần sắm 1 – 2 cái là đủ, trong khi vòng đời sản phẩm lên tới vài chục năm. Nhưng ông Lởi lại nghĩ khác, khi ông khẳng định rằng, “thị trường két bạc còn rất rộng”…

Nỗi niềm két bạc

Ông Đinh Doãn Lởi, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần vật liệu cách nhiệt Việt Nhật vốn là Giám đốc nông dân chính hiệu với trình độ khi khởi nghiệp mới hết lớp 7 (tương đương tốt nghiệp PTCS bây giờ). Ông Lởi tiêu biểu cho thế hệ “doanh nhân làng”, vừa làm vừa tự học, tự đào tạo. Từ năm 2009 đến nay, ông liên tục tham dự các lớp đào tạo CEO về quản lý tài chính, về lãnh đạo doanh nghiệp, về đầu tư; tham dự lớp đào tạo của tổ chức YWAM của Thụy Sĩ… Giờ có thể coi ông Lởi là doanh nhân đã vượt khỏi lũy tre làng nhưng trong tâm sự của ông vẫn còn đau đáu về một thời chưa xa…

Nghề làm két bạc đã cho ông Lởi có được ngày hôm nay, đó là một doanh nghiệp làm ăn ổn định, có xu hướng phát triển tốt. Ông không giấu giếm điều đó khi nói rằng bây giờ nghề làm két bạc rơi vào thời bĩ cực thì ông vẫn bằng cách nào đó “giữ nghề”, coi đó như một sự hàm ơn, dù rằng ông đã không còn trực tiếp sản xuất, kinh doanh két bạc đã vài năm nay. Công ty két bạc Việt Đức ở làng nghề Đại Tự (huyện Hoài Đức, TP. Hà Nội) do ông thành lập đã được chuyển giao hẳn cho 2 người con quản lý còn ông đã ra bên ngoài, lập công ty mới với ngành nghề kinh doanh khác hẳn là sản xuất các sản phẩm nhựa thông minh, túi khí cách nhiệt, tấm cách nhiệt, các loại bao bì cao cấp… Hiện Công ty của ông có 3 nhà máy tại Khu công nghiệp Thụy Vân, Việt Trì, Phú Thọ; tại Củ Chi, TP. HCM và tại Khu công nghiệp Liên Chiểu, Đà Nẵng.

Ông Đinh Doãn Lởi (người ngồi giữa) chia sẻ những kinh nghiệm học hỏi được từ dự án đào tạo của tổ chức YWAM- Thụy Sĩ.

Là một trong những người đầu tiên làm két bạc để hình thành làng nghề như bây giờ, ông Lởi đã xây dựng được thương hiệu két bạc Việt Đức rất có uy tín. Những năm 2004 – 2009, Việt Đức có nhiều thời điểm hàng làm ra không đủ bán, lượng công nhân lên tới hàng trăm người. Tuy nhiên, thời kỳ vàng son đó đã nhanh chóng kết thúc, khoảng từ năm 2011 đến nay, nghề sản xuất két bạc ngày càng khó khăn.

Một phần những khó khăn đó lại do chính các doanh nghiệp trong làng gây ra. Trong thời kỳ hưng thịnh, các cơ sở sản xuất két bạc ở làng nghề ra đời ồ ạt nhưng số lượng công nhân có kỹ thuật lại có hạn dẫn đến tình trạng các xưởng giành giật lao động của nhau. Số doanh nghiệp ra đời sau cũng vì nhỏ yếu nên cách làm ăn thiếu bài bản, khó khăn trong khâu tiêu thụ thì họ giảm giá bán sản phẩm để cạnh tranh, giành thị trường. Cứ trong vòng luẩn quẩn như vậy, giá bán sản phẩm bị kéo xuống mãi, đến nay giá két bạc đã ở mức không còn lợi nhuận cho người sản xuất.

Lý giải vì sao doanh nghiệp không có lãi, thậm chí đã lỗ nhưng vẫn duy trì sản xuất, ông Lởi phân tích, bản thân những ông chủ doanh nghiệp đã đầu tư nhà xưởng, máy móc rồi nên không thể dừng được; vả lại họ cũng không còn nghề nào khác. Cũng có khoảng chục xưởng đã phải làm thêm các mặt hàng nhựa, đồ sắt nội thất, một số khác thì đang loay hoay tìm hướng đi mới. Với Việt Đức, do nhà xưởng đã khấu hao hết, không phải thuê và cũng kịp thời chuyển sang sản xuất đồ nội thất văn phòng nên cũng chưa đến mức thua lỗ, nhưng còn đối với một số cơ sở vay nhiều vốn ngân hàng thì đang cực kỳ khó khăn.

Một thực tế đáng buồn là tình trạng hàng giả, hàng nhái tràn lan hiện nay mà các cơ quan chức năng chưa kiểm soát hữu hiệu. Két bạc Đại Tự cũng là nạn nhân trong vòng xoáy này, trong đó két bạc Việt Đức bị làm giả, làm nhái nhiều nhất. Có mẫu Việt Đức nghiên cứu, thiết kế mất cả năm trời nhưng chưa kịp ra sản xuất đại trà đã thấy hàng giả xuất hiện trên thị trường- ông Lởi nói và cho biết, trong “nghi án” về chất lượng két của làng nghề Đại Tự thời gian gần đây, không loại trừ người tiêu dùng đã mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng không phải do làng nghề Đại Tự sản xuất.

Tuy nhiên, ông Lởi cũng thừa nhận, trong thời điểm nghề sản xuất két bạc gặp khó khăn, một số cơ sở đã buộc phải giảm chất lượng sản phẩm để cắt giảm chi phí, tránh lỗ. Nếu như vào thời điểm năm 2003, giá các loại tôn thép khoảng 2.500 đồng/kg thì hiện nay là 11.000 đồng/kg, giá nhân công cũng tăng từ 70 ngàn đồng lên 250 ngàn đồng/người/ ngày, các chi phí khác cũng tăng khoảng 3 lần. Trong khi đó giá bán sản phẩm không tăng mà ngược lại còn giảm do các xưởng cạnh tranh với nhau. Với con mắt nhà nghề, ông Lởi khẳng định, giá bán két bạc đến người tiêu dùng mà dưới 1 triệu đồng mỗi cái thì sản phẩm khó có thể đảm bảo được chất lượng.

Theo quy định hiện hành, két bạc không phải là sản phẩm bắt buộc phải đăng ký chất lượng mà do các cơ sở sản xuất tự công bố chất lượng và trên thị trường cũng có rất nhiều thương hiệu, chủng loại và nhiều mức giá. Tuy nhiên, ông Lởi khẳng định tất cả những mặt hàng trên thị trường đều có cấu tạo là vỏ tôn thép, lớp bê tông xốp chèn giữa, cơ cấu khóa, nếu là hàng cao cấp thì có gắn thêm thiết bị điện tử báo động. Kể cả hàng chính hãng, hàng được quảng cáo là nhập từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Đài Loan… hay trong nước sản xuất đều sử dụng bê tông xốp mà đôi khi người ta gọi chệch đi cho “sang” “bột nhôm”. Lớp bê tông này có tác dụng cách nhiệt, tăng cường khả năng chống cháy của két bạc và do đó, chất lượng bê tông xốp có ảnh hưởng rất quan trọng đến chất lượng sản phẩm. Việc sử dụng bê tông xốp đã được Việt Đức và các cơ sở sản xuất ở làng nghề Đại Tự đưa vào từ nhiều năm nay. Một số doanh nghiệp có tên tuổi cũng đã từng đặt hàng doanh nghiệp làng nghề Đại Tự gia công mặt hàng két bạc sử dụng bê tông xốp này rồi về đóng logo, thương hiệu của mình để bán ra thị trường. “Vì vậy, két bạc của Đại Tự có thể nói không thua kém bất kỳ loại sản phẩm nào trên thị trường, nếu cùng phân khúc, cùng mức giá”, ông Lởi khẳng định.

Ông Lởi cũng nhấn mạnh rằng, két bạc Việt Đức luôn sử dụng bê tông xốp đảm bảo chất lượng, phối trộn đúng tỷ lệ bột nhôm, tôn thép dày hơn, phần khóa nhập từ các nhà sản xuất chính hãng nên giá thành thường cao hơn các cơ sở khác. Giá bán đến các đại lý cũng cao hơn 200-500 ngàn đồng mỗi sản phẩm nhưng vẫn được thị trường chấp nhận.

Hẹn ngày trở lại với nghề

Dường như cái nghiệp làm két bạc-một sản phẩm nặng nề- như đã vận vào ông Đinh Doãn Lởi. Ông bộc bạch rằng, ông đang ấp ủ kế hoạch quay trở lại với nghề này vào năm tới. “Nhưng tôi sẽ không trở lại làm két thông thường như trước mà sẽ “refresh” lại sản phẩm, Việt Đức sẽ không làm loại két bình dân mà sẽ chuyển sang mặt hàng siêu cao cấp, những mặt hàng mà giá bán thấp nhất đã là 10 triệu đồng và loại cao nhất có thể lên đến 300 triệu đồng”.

Rất tự tin về mặt hàng này, ông Đinh Doãn Lởi chia sẻ, loại két an toàn có độ dày tôn thép lên tới 10 mm hoặc hơn nữa, có chức năng chống trộm, báo động từ xa; loại két cao cấp sẽ sử dụng những nguyên liệu đắt tiền như da thật, gỗ quý, đá quý… Sản phẩm không những khẳng định được sự sang trọng, đẳng cấp của chủ nhân mà họ còn có thể theo dõi két bằng các kết nối qua điện thoại di động, nếu có sự cố bất thường điện thoại sẽ lập tức phát thông báo cho người chủ biết. Thị trường mà Việt Đức hướng đến sẽ là các doanh nghiệp, người có thu nhập từ khá trở lên và xuất khẩu ra thị trường nước ngoài.

Để thực hiện kế hoạch này, ông Lởi cho biết, Việt Đức đã thỏa thuận hợp tác với Công ty YONG FA, một doanh nghiệp sản xuất két bạc hàng đầu thế giới để chuyển giao công nghệ; về phía doanh nghiệp sẽ đầu tư thêm máy móc, hiện đại hóa nhà xưởng và chuẩn bị nhân lực kỹ thuật. Nếu mọi việc tiến triển theo đúng kế hoạch thì quý I năm 2017 Việt Đức sẽ cho ra mắt loạt sản phẩm đầu tiên. “Với mặt hàng mới này, Việt Đức tự tin cam kết bảo hành chất lượng trọn đời sản phẩm. Hiện nay, chưa có đơn vị nào trong nước có sản phẩm tương tự, nếu gọi là hàng cao cấp nhất giá cũng chỉ trên chục triệu thôi. Vì vậy, tôi tin là thị trường két bạc vẫn còn rộng lớn”, ông Lởi lạc quan cho biết.

Tôi sẽ không trở lại làm két thông thường như trước mà sẽ “refresh” lại sản phẩm, Việt Đức sẽ không làm loại két bình dân mà sẽ chuyển sang mặt hàng siêu cao cấp, những mặt hàng mà giá bán thấp nhất đã là 10 triệu đồng và loại cao nhất có thể lên đến 300 triệu đồng. Sản phẩm không những khẳng định được sự sang trọng, đẳng cấp của chủ nhân mà họ còn có thể theo dõi két bằng các kết nối qua điện thoại di động, nếu có sự cố bất thường điện thoại sẽ lập tức phát thông báo cho người chủ biết. Thị trường mà Việt Đức hướng đến sẽ là các doanh nghiệp, người có thu nhập từ khá trở lên và xuất khẩu ra thị trường nước ngoài.

Ông Đinh Doãn Lởi

Thế Vũ

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/thi-truong-ket-bac-con-rat-rong-lon/