Ông Chiến 'bò'

Ông là Trần Công Chiến, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng GĐ Công ty CP giống bò sữa Mộc Châu. Là người đứng đầu doanh nghiệp đóng thuế cao nhất tỉnh Sơn La nhưng ông Chiến vẫn thích được mọi người gọi mình là Chiến “bò”.

Ồng Trần Công Chiến

Ông là Trần Công Chiến, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng GĐ Công ty CP giống bò sữa Mộc Châu. Là người đứng đầu doanh nghiệp đóng thuế cao nhất tỉnh Sơn La nhưng ông Chiến vẫn thích được mọi người gọi mình là Chiến “bò”.

Dẫn chúng tôi thăm các trang trại nuôi bò sữa, ông Chiến nói rằng, nhiều người cứ nghĩ gọi đích danh Chiến “bò” nghe có phần bất nhã nhưng ông rất tự hào về cái tên dân dã này. “Tôi là người nuôi bò. Tôi yêu vùng đất cao trên 1.050 m so với mực nước biển này, yêu những đàn bò sữa, yêu cánh đồng cỏ mênh mông nhiều lắm. Gọi tôi là Chiến “bò” là đã hiểu tôi lắm, yêu tôi lắm rồi đấy”, ông Chiến vui vẻ nói. Đã nhiều lần lên Mộc Châu, tận mắt thấy những gì ông làm, nghe những nông dân nuôi bò sữa nói về ông, chúng tôi tin đó không phải là những lời có cánh. 30 năm qua, ông đã sống hết mình với niềm đam mê nuôi bò sữa, lao tâm khổ tứ để biến ước vọng vật nuôi này sẽ là động lực làm thay da đổi thịt cả một vùng cao nguyên nghèo khó, nhiều nông dân không chỉ thoát nghèo mà còn có của ăn của để trở thành hiện thực, thì cái tên Chiến “bò” đích thị là đã đóng đinh cái tiếng của ông với đời.

Người nuôi bò là cái gốc của công ty

Chúng tôi tới trang trại của ông Dương Văn Nội khi những lao động người dân tộc đang vận hành máy thái cỏ, máy xúc thức ăn ủ ướp, chụp máy vắt sữa vào những bầu vú bò căng tròn. “Mấy chục con bò sữa đã giúp ông chủ này làm giàu. Trên cao nguyên này, nhiều người trở thành triệu phú, tỉ phú nhờ nuôi bò sữa. Các trang trại cũng tạo hàng ngàn việc làm cho bà con trong vùng”, ông Chiến khoe.

Ông Nội thì cho biết, ông đang nuôi 76 con bò, tổng tài sản hiện có là gần 8 tỉ đồng. Đàn bò đang cho ông thu nhập tiền triệu mỗi ngày. Tuy nhiên, ít ai biết, trước đây ông là người làm thuê, rồi khởi nghiệp chỉ với 2 con bò mua bằng tiền vay mượn và được công ty hỗ trợ vốn.

Nhiều người đã trở thành tỉ phú nhờ nuôi bò sữa

Theo ông Nội, công ty tiếp sức cho người nuôi bò bằng việc bao tiêu sản phẩm, bảo hiểm vật nuôi và giá sữa, hỗ trợ giá thức ăn, cho vay 50-70% số vốn mở rộng sản xuất, hỗ trợ khuyến nông… Khi gặp rủi ro, quỹ bảo hiểm vật nuôi “đền” cho chủ trang trại cao gấp hàng chục lần mức phí mua bảo hiểm. Nếu giá sữa giảm 30%, quỹ bảo hiểm giá sữa sẽ hỗ trợ 60% số tiền sữa sụt giảm. “Ông Chiến chính là “cha đẻ” của những mô hình này. Được công ty hỗ trợ, chúng tôi rất yên tâm đầu tư phát triển sản xuất”, ông Nội nói.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Chiến nói rằng, công ty luôn đề cao triết lý kinh doanh “người chăn bò là cái gốc của doanh nghiệp”. Chăm lo cho người nuôi bò cũng chính là chăm cho lo túi tiền của công ty. “Nhìn nhiều người nuôi bò có tiền tỉ, tôi hạnh phúc lắm. Năm 1991, tôi sang Thái Lan thấy mỗi nhà đều có xe máy chở sữa đi bán. Tôi ao ước người nuôi bò ở Mộc Châu có được cái xe máy. Đến năm 2007 tất cả các hộ nuôi bò đã có xe máy. Sau đó, tôi mong ước họ có được cái ô tô. Giờ thì có cả trăm cái ô tô rồi”, ông Chiến nói.

Biến ước mơ thành hiện thực

Theo ông Chiến, có nhiều quyết sách đúng đắn được lãnh đạo doanh nghiệp qua các thời kỳ đưa ra, mở đường cho sự phát triển của ngành chăn nuôi bò sữa ở Mộc Châu. Khi trở thành người đứng đầu doanh nghiệp, ông Chiến mạnh dạn cổ phần hóa, triển khai mô hình thức ăn ủ ướp… nhưng việc xây dựng nhà máy thức ăn tổng hợp TMR đầu tiên ở Việt Nam và nhà máy sữa UHT là hai bước đột phá quan trọng nhất.

Thức ăn TMR góp phần nâng cao năng xuất và chất lượng sữa. Trong khi đó, nếu không có nhà máy sữa UHT, nông dân Mộc Châu sẽ mãi chỉ là người bán sữa nguyên liệu. Theo ông Chiến, dự án xây dựng nhà máy sữa UHT có tổng vốn hàng chục tỉ đồng nhưng công ty lại không có tiền. Việc huy động vốn khi ấy rất gian nan trong khi công ty đã ký hợp đồng mua bán thiết bị. “Lúc đó nếu thối chí thì tặc lưỡi bỏ dự án, chịu phạt cho xong nhưng nếu thế thì mình thất bại rồi. Chúng tôi quyết định vay toàn bộ số vốn để xây nhà máy. Khi khánh thành, nhà máy mới chỉ có 1 dây chuyền mini công suất 3 tấn/giờ mà chúng tôi đã thấy sướng lắm rồi. Niềm ao ước bao đời của người dân Mộc Châu đã thành hiện thực”, ông Chiến nói.

Không chỉ quyết liệt trong chỉ đạo điều hành, ông Chiến còn là một doanh nhân lãng mạn. Ông là người khởi xướng và dày công vun đắp cho cuộc thi Hoa hậu bò sữa Mộc Châu. Cuộc thi đã trở thành ngày hội, không chỉ là dịp tôn vinh những người nuôi bò thượng thặng, mà còn trở thành một nét đẹp, riêng có của cao nguyên Mộc Châu.

Cuộc thi Hoa hậu bò sữa Mộc Châu đã trở thành ngày hội

Trước khi chia tay chúng tôi, ông Chiến chia sẻ, ông ấp ủ nhiều hoài bão về việc phát triển ngành chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa, nhờ sự chung tay góp sức của công ty và bà con nông dân, nhiều thứ đã trở thành hiện thực. Giờ ông đang dồn tâm huyết vào kế hoạch nâng quy mô đàn bò lên 45-50 con/hộ. “Đây là quy mô lý tưởng, các nước chăn nuôi tiên tiến đang áp dụng. Chúng tôi sẽ đạt được điều này và đây cũng sẽ là bước đột phá nữa ở Mộc Châu”, ông Chiến nói.

Minh Quân

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/doi-song/ong-chien-bo-753830.html