Ông bạn đồng quẻ

Trong bữa ăn giỗ hôm ấy, tôi là người duy nhất không phải họ hàng. Tôi đến dự với tư cách một người đồng quẻ với chủ nhà. Người được làm giỗ là bà chủ, đã mất cách đây hơn hai chục năm.

Minh họa của họa sĩ họa sĩ Đỗ Dũng.

Tôi được ngắm chân dung bà, một người con gái ăn mặc lối thành thị nhưng gương mặt, đôi mắt, còn nguyên nét dân dã đồng quê. Tất cả chị em bà đều ở các vùng quê ven Hà Nội đến đông đủ và tôi có dịp nhận ra những nét hao hao với ảnh bà, dù đã bao năm tháng. Thú vị nhất là tôi được ngồi cạnh bà chị ruột của bà chủ đã quá cố, bà cứ cất lên tiếng nói là ông bạn đồng quẻ lại vỗ tay kêu gọi mọi người im lặng lắng nghe. Gọi ông bạn đồng quẻ nghe còn lạ tai, nhưng đối với cánh học Dịch chúng tôi, tên gọi này đã thường. Chúng tôi cùng có mệnh Hà Lạc tên là Sơn Thiên Đại Súc. Quẻ có cái tượng đặc biệt, Núi ở trên, Giời ở dưới, núi mà ôm được giời, thì sức chứa của núi to lắm nên tên quẻ là Đại Súc (Chứa lớn). Cái “sức chứa” của chúng tôi phải nói là đáng kể, khi rời khỏi quân đội, ông bạn tôi về nhà chỉ nhờ đọc sách của Hải Thượng Lãn Ông và làm quen với các thầy thuốc dân gian mà trở thành một nhà Đông y lão luyện trong thành phố quê hương. Còn tôi ngoài nghiệp văn chương, chỉ nhờ đọc sách của Học Năng (cuốn sách đã cháy xém), Phan Bội Châu, Nguyễn Duy Cần, Nguyễn Hiến Lê mà thành tác giả Hà Lạc, viết thêm bốn cuốn sách nghiên cứu về văn chương dưới ánh sáng Kinh Dịch và hơn 400 bài “Góc nhìn bát quái”. Tôi và ông bạn rời khỏi quân ngũ, mỗi người một phương, biệt tăm nhau, vậy mà ông bạn tìm được tôi, một hôm gõ cửa nhà tôi và hiện ra với chiếc áo “màu xanh cứt ngựa” và chiếc mũ cối binh nhì. Chúng tôi ôm lấy nhau và chẳng bao lâu biết nhau là đồng quẻ. Cứ như có giời xui khiến. Cái hôm ăn cỗ giỗ ấy, có câu chuyện này hay nhất. Ông bạn đồng quẻ của tôi còn là nhà thơ cấp câu lạc bộ phường, mỗi cuộc gặp gỡ, chúng tôi thường được nghe ông đọc thơ, nào là lục bát, nào là thất ngôn bát cú, bài nào cũng ý tứ sang trọng, vần điệu chỉnh tề, bằng trắc ngay ngắn. Hôm cỗ giỗ ấy tôi tuy là khách nhưng cũng mấy lần vỗ tay xin mọi người im lặng nghe ông đọc thơ. Ông xin có ngay và đọc liền mấy bài một lúc, toàn là thơ tình, và toàn là những bài xưa cũ nói về tình cảm với người có chân dung trên bàn thờ. Sức nhớ của ông phải nói là đáng nể phục. Sau một lần đọc thơ, chờ mọi người vừa ngớt cuộc vỗ tay, bà chị ông bỗng nói: Chú có bài thơ hay nhất nói về bà em tôi, chưa thấy chú đọc. Ông bạn đồng quẻ của tôi ngẩn người nói: Em đọc hết rồi đấy. “Chưa đâu, để tôi đọc chú nghe”. Bà hắng giọng nhưng chưa đọc vội và giải thích với tôi. Chả là nhà tôi với nhà chú ấy đây ở quê, ngõ sát ngõ, ngõ này trông thấy ngõ kia, bà em tôi (bà ngẩng đầu lên bàn thờ) vẫn gánh nước giếng Vàng đi qua nhà chú ấy. Chú ấy đi bộ đội chiến đấu bốn phương, chả lấy được vợ ở đâu, phải tìm về quê nhà. Nên có thơ này. “Tìm nàng trăm núi ngàn sông/ Trăm khe ngàn suối mà không thấy nàng / Ai ngờ nàng ở ngõ trông sang/ Vẫn thường gánh nước tắt ngang qua nhà/ Gặp nhau ở góc tường hoa/ Xin một ngụm nước quê ta ngọt ngào/ Thấy em ăn nói hỏi chào/ Hình như gặp gỡ đã bao lâu rồi”. Sau tiếng vỗ tay ran lên, bà chị bình luận một câu “chết người” ngay cả với tôi: Chú cứ văn chương chữ nghĩa ở đâu đâu, đối với dân quê chúng tôi mấy câu vừa rồi hay nhất, tôi còn nhớ đến giờ. (Chỉ thiếu một câu bà không nói ra còn chúng tôi thì nghe thấy: Còn chú thì quên tịt). Ông bạn đồng quẻ gọi con cháu lấy giấy bút, xin tôi đổi chỗ cho ngồi cạnh bà chị nhờ bà đọc lại cho chép lại chính những câu thơ gan ruột của mình. Còn tôi nhìn lên bức ảnh chân dung, bỗng nhận ra có một nụ cười kín đáo của người quá cố, mà bình thường ta không nhận ra.

Xuân Cang

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/lao-dong-cuoi-tuan/ong-ban-dong-que-607896.bld