'Ổn định lãi suất mới là thông điệp mà doanh nghiệp cần'

“Doanh nghiệp sợ nhất là vay chung hoặc dài hạn với mức 8% nhưng khoảng 2-3 năm sau lãi suất lại bị điều chỉnh lên 12-15%”, ĐBQH Trần Hoàng Ngân (Tp. HCM) chia sẻ.

Theo ông Ngân, một trong những yếu tố tác động đến giá thành sản phẩm của doanh nghiệp là lãi suất. Nhưng đáng nói là so với Thái Lan, Malaysia hay một số nước khác, lãi suất của Việt Nam vẫn còn cao.

Do đó, mong muốn được giảm lãi suất của doanh nghiệp cũng là mong muốn hợp lý. Về phía ngân hàng, họ cũng rất muốn cho doanh nghiệp vay với mức thấp. Vì khi cho vay lãi suất thấp, rủi ro của các ngân hàng cũng đồng thời giảm đi.

ĐBQH Trần Hoàng Ngân: “Doanh nghiệp sợ nhất là vay chung hoặc dài hạn với mức 8% nhưng khoảng 2-3 năm sau lãi suất lại bị điều chỉnh lên 12-15%” (Nguồn: trithuctre.vn)

“Được vay lãi suất thấp, doanh nghiệp làm ăn sẽ hiệu quả hơn và đồng nghĩa với khả năng trả nợ tốt hơn. Còn khi các ngân hàng cho vay lãi suất cao, chi phí của doanh nghiệp lớn, do đó, doanh nghiệp làm ăn có thể thất bại, không bán được sản phẩm và kéo theo nợ xấu sẽ tăng”, ông Ngân phân tích.

Ông Ngân cho biết thêm, ở Việt Nam, lạm phát dự tính khoảng 5%, nhưng thực tế, chi phí giá xăng dầu không như mong đợi và đã điều chỉnh giảm 2 lần trong tháng nên sẽ kéo CPI chững lại.

Nếu CPI ở mức 3-4% thì lãi suất huy động, cho vay có thể ở mức 6-7%. Từ tháng 2/2011, Chính phủ đã kiên quyết ổn định kinh tế vĩ mô bằng cách kéo lạm phát trên 18% về mốc 0,63% ở năm 2015. Việc giảm được lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô cũng chính là cơ sở để các ngân hàng hạ lãi suất huy động. Và khi lãi suất huy động hạ sẽ kéo theo lãi suất cho vay cũng thấp xuống.

“Dư địa để giảm lãi suất tuy không nhiều nhưng giữ lãi suất ở mức ổn định, lâu dài là thông điệp mà doanh nghiệp cần có. Doanh nghiệp sợ nhất là vay hôm nay với mức lãi suất chung hoặc dài hạn 8% nhưng khoảng 2-3 năm sau lãi suất lại bị điều chỉnh lên 12-15%”, vị ĐBQH đoàn TP.HCM dẫn chứng.

Chia sẻ với báo giới, ông Ngân vẫn giữ quan điểm là làm sao hạ lãi suất thấp hơn, cơ sở là phải ổn định kinh tế vĩ mô.

Tuy nhiên, năng suất lao động, năng lực cạnh tranh của sản phẩm của Việt Nam hiện nay còn thấp. Vì thế, một trong những yếu tố cần phải thay đổi chính là năng suất lao động tốt hơn và cạnh tranh dựa vào công nghệ, máy móc.

Dù vậy, đầu tư vào công nghệ, máy móc là đầu tư dài hạn, vốn lớn và nếu đầu tư vào lĩnh vực này thì có rủi ro vì lãi suất có thể biến động. Vì vậy, nhiều năm qua, các doanh nghiệp luôn do dự với nỗi lo thường trực là biến động lãi suất.

“Doanh nghiệp tha thiết về một nguồn vốn ổn định, lâu dài, lãi suất thấp. Bởi vậy, rất cần những chính sách và gói hỗ trợ lãi suất”, ĐB Ngân nhấn mạnh./.

Quỳnh Anh

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/kinh-te/on-dinh-lai-suat-moi-la-thong-diep-ma-doanh-nghiep-can-203597.html