Ổn định để sống sót

(ĐTCK) Sự gia tăng tính bất ổn của thị trường tài chính đã khiến cho các định chế tài chính đa phương như IMF, WB, ADB, ECB và OECD… nhóm họp liên tục nhằm thống nhất hành động với một mục tiêu duy nhất là duy trì sự ổn định của nền kinh tế thế giới…

TS. Lê Xuân Nghĩa,Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia

Trào lưu trọng sự ổn định…

Từ đầu thập niên của thế kỷ trước, toàn cầu hóa đã trở thành xu thế chủ yếu của kinh tế thế giới, đặc biệt là trào lưu tự do hóa tài chính, biến đồng tiền (vốn) không còn tổ quốc riêng mà trở thành cái gọi là dòng vốn quốc tế. Mạng Internet bùng nổ cũng biến thông tin trở thành vô tổ quốc. Như vậy, hai nhân tố có quyền lực nhất của kinh tế là tiền và thông tin đã được toàn cầu hóa. Các trung tâm tài chính quốc tế, nơi tập trung tiền và thông tin có vị thế thống soái và chi phối toàn bộ kinh tế thế giới. Từ đây, thị trường tài chính thoát ly hoàn toàn khỏi nền kinh tế thực, thậm chí tài sản tài chính đã lớn gấp hàng chục lần tài sản thực. Hàng loạt công cụ tài chính mới ra đời mà mức độ phức tạp của nó không một nhà đầu tư nào có thể hiểu nổi, ngay cả những người thiết kế ra nó cũng không kiểm soát được.

Thị trường tài chính ngày càng khó giám sát và rủi ro của nó có thể đánh gục bất cứ nền kinh tế và tập đoàn kinh tế nào, như tỷ phú Soros đã nói “Thị trường tài chính đang bất định”. Với quy mô “khủng” của thị trường tài chính thì những khuyết tật tất yếu của nó thường vượt quá sức chịu đựng của nền kinh tế thực. Chỉ trong khoảng vài chục năm gần đây, hàng trăm vụ đổ bể tài chính đã nổ ra, chủ yếu là các cuộc khủng hoảng đồng tiền (tỷ giá hối đoái), khủng hoảng ngân hàng hoặc cả hai. Và giờ, đây thế giới đang chứng kiến cuộc khủng hoảng nợ chính phủ đang dìm nền kinh tế châu Âu vào suy thoái.

Cũng trong thời gian đó, hệ thống giám sát tài chính thay đổi lớn, các quốc gia bắt đầu chuyển từ mô hình giám sát riêng biệt ngân hàng, chứng khoán và bảo hiểm sang mô hình giám sát hợp nhất cả 3 thị trường trên. Hội đồng các NHTM của các nước thuộc OECD đã nhóm họp và đưa ra các tiêu chí an toàn ngân hàng mới như Basel I, II, III với những yêu cầu ngày càng khắt khe hơn về giám sát cẩn trọng và ổn định.

Sự gia tăng tính bất ổn của thị trường tài chính đã khiến cho các định chế tài chính đa phương như IMF, WB, ADB, ECB và OECD… nhóm họp liên tục nhằm thống nhất hành động với một mục tiêu duy nhất là duy trì sự ổn định của kinh tế thế giới, bao gồm kinh tế vĩ mô (tăng trưởng, lạm phát và việc làm) và ổn định hệ thống tài chính (tiền tệ, ngân hàng và nợ công). Tất nhiên, việc duy trì sự ổn định không phải đơn giản trong điều kiện thị trường tài chính bất định và sự lan truyền khủng hoảng rất nhanh chóng từ khu vực tài chính sang nền kinh tế thực, cũng như từ một quốc gia sang các quốc gia khác. Khủng hoảng tài chính của Mỹ đã lan sang kinh tế thực của Mỹ và toàn cầu, khủng hoảng nợ công châu Âu cũng vậy. Thậm chí, một quốc gia nhỏ, luôn đứng đầu về xếp hạng môi trường kinh doanh và cạnh tranh quốc gia như Singapore, trong vài năm gần đây, cũng có năm lạm phát tăng trên 10% (2010) và tăng trưởng kinh tế 1% (2012).

Để duy trì sự ổn định, nhiều nước đã ban hành hàng loạt quy định mới về hoạt động ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm và giám sát an toàn tài chính, cũng như bảo hiểm tiền gửi với cách tiếp cận dựa trên nền tảng cân bằng giữa tăng trưởng và ổn định. Trong đó, yếu tố này là nền tảng của yếu tố kia, đồng thời giám sát chặt chẽ sự bành trướng của các công cụ tài chính mới và gia tăng các yêu cầu về an toàn tài chính. Yêu cầu về một nền kinh tế ổn định cũng đòi hỏi vai trò lớn hơn của chính phủ như là một định chế tạo lập thị trường hùng mạnh nhất, nhằm đảm bảo các cân bằng kinh tế vĩ mô được duy trì, kể cả tạo lập sự cân bằng trên thị trường tài chính.

Sự can thiệp của chính phủ để duy trì ổn định kinh tế đang được nhiều quốc gia (vốn sùng bái thị trường tự do trước đây) lựa chọn như là công cụ hữu hiệu nhằm kiểm soát lạm phát, kích thích kinh tế, ổn định hệ thống tài chính khi cần thiết. Về mặt lý thuyết, dường như Học thuyết kinh tế của Keynes đang được nhiều chính phủ như Mỹ, châu Âu, Đông Á áp dụng sau khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Họ không còn phó mặc thị trường hoàn toàn, mà tăng cường can thiệp duy trì ổn định và kiểm soát chặt chẽ thị trường tài chính toàn cầu.

Lãnh đạo các nước, tổ chức lớn trên thế giới đã nhóm họp nhiều lần trong năm qua để bàn cách ổn định lại nền kinh tế toàn cầu

… không ngoại trừ Việt Nam

Ở Việt Nam , với đặc điểm của một nền kinh tế mới nổi, xuất phát điểm thấp, việc Nhà nước định hướng chính sách tập trung vào tăng trưởng là điều dễ hiểu. Chỉ có thông qua tăng trưởng mới tạo được việc làm, tăng thu nhập, xóa đói nghèo và xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội. Chính sách này thực hiện khá thành công trong một thời gian khá dài với tốc độ tăng trưởng bình quân 7,5%/năm và lạm phát bình quân thấp hơn tốc độ tăng trưởng. Nhưng từ năm 2007, khi Việt Nam gia nhập WTO thì vấn đề đã khác. Từ năm 2007 đến năm 2012, tốc độ tăng GDP bình quân giảm mạnh, còn khoảng 6,1% trong khi lạm phát bình quân lên tới 12%, đặc biệt có 2 năm lạm phát lên tới 20%. Mặc dù nguồn lực kinh tế nhờ hội nhập đã tăng lên rất nhanh, đặc biệt là xuất khẩu và đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Điều này có 2 lý do. Một là, cấu trúc kinh tế truyền thống tỏ ra không hiệu quả khi đương đầu với các thách thức cạnh tranh quốc tế. Hai là, phương thức điều hành nền kinh tế định hướng tăng trưởng nhanh tỏ ra rất dễ bị tổn thương từ bên ngoài, khi mà các dòng vốn có thể rút khỏi Việt Nam khi có những cú sốc vĩ mô trong nước hoặc từ thị trường quốc tế. Ngoài ra, hầu hết các doanh nghiệp của Việt Nam đều là doanh nghiệp vừa và nhỏ, khả năng đề kháng trước những cú sốc vĩ mô rất kém. Điều này đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp này chưa có nền tảng chiến lược ổn định (vốn, công nghệ, thị trường tiêu thụ).

Về nguyên tắc, sự ổn định kinh tế vĩ mô phụ thuộc rất lớn vào chính sách tiền tệ và tài khóa cùng với sự phối hợp giữa hai chính sách này (ngoại trừ những rủi ro lớn về thiên tai). Trong đó, chính sách tài khóa có mức độ ổn định cao hơn do ngân sách và thâm hụt ngân sách được kiểm soát chặt chẽ hơn và nguồn để tăng chi tiêu ngân sách cũng hạn chế. Trong khi đó, chính sách tiền tệ, tín dụng có mức độ biến động rất lớn. Tăng trưởng tín dụng năm cao nhất lên tới gần 50% (2007); năm thấp nhất khoảng 8 - 9% (2012). Tăng trưởng tín dụng bất thường tác động trực tiếp đến đầu tư ồ ạt của khu vực tư nhân và tạo ra bong bóng thị trường tài sản (bất động sản, chứng khoán). Đến lượt nó, sức nóng của thị trường sẽ gây bất ổn vĩ mô ngắn hạn và đồng thời làm xói mòn nghiêm trọng sản lượng tiềm năng dài hạn do nợ xấu, phá sản và mất lòng tin đầu tư, kinh doanh.

Cuối năm 2011, hàng loạt nghị quyết của Đảng Cộng sản, Quốc hội và Chính phủ Việt Nam đã có những điều chỉnh cơ bản sang định hướng chính sách ổn định và duy trì tăng trưởng hợp lý với mức thâm hụt ngân sách không quá 4,8% và tăng trưởng tín dụng dưới 20%. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã chuyển hướng chính sách tiền tệ sang định hướng “lạm phát mục tiêu”, nghĩa là nhằm vào lạm phát kỳ vọng để điều chỉnh chính sách bơm, hút tiền. Quá trình ổn định hóa chính sách đã có những thành công bước đầu quan trọng, nhưng cái giá phải trả cho một giai đoạn mất cân bằng có thể sẽ rất lớn, đó là nợ xấu và vỡ bong bong tài sản và mất lòng tin cũng như nhiệt tình kinh doanh (chỉ số xếp hạng cạnh tranh toàn cầu giảm 10 bậc trong vòng 3 năm).

Điều này cho thấy, lập lại trạng thái phát triển ổn định dài hạn còn là chặng đường đầy khó khăn, vừa phải xử lý hậu quả của giai đoạn cũ, vừa phải tạo lập thể chế quản lý mới, đảm bảo hiệu quả, minh bạch và theo nguyên tắc thị trường có sự giám sát của Nhà nước.

Năm 2013 là năm bản lề để giải quyết hàng loạt vấn đề mà đôi khi kết quả xung đột nhau trong ngắn hạn nhưng có thể tạo lập được cân bằng dài hạn, như kiểm soát lạm phát, phục hồi đà tăng trưởng, xử lý nợ xấu, tăng trưởng tín dụng cao hơn 2012, phục hồi thị trường tài sản và tái cấu trúc nền kinh tế. Khó có thể kỳ vọng gì quá lớn trong năm 2013, nhưng hy vọng có thể tạo được bước đột phá, làm đà cho các năm sau.

Tôi có 18 chữ dành cho năm 2013, đó là: “Đột phá tái cấu trúc, phục hồi đà tăng trưởng, lấy lại niềm tin, tiến về phía trước”.

Nguồn ĐTCK: http://tinnhanhchungkhoan.vn/GL/N/DJAEJG/on-dinh-de-song-sot.html