Ốc đảo trên vùng núi cao

Con đường duy nhất nối từ phố Tân Sơn (Văn Quan, Lạng Sơn) ra thế giới bên ngoài là cây cầu tự chế từ các thân tre. Vào mùa lũ, 22 hộ dân ở đây gần như bị cô lập.

Phố Tân Sơn (trước đây là thôn Nà Sáng) với 22 hộ dân bị tách khỏi thị trấn Văn Quan bởi con sông Bản Quyền.

Cách đây 10 năm, người dân ở đây nhà có điều kiện thì dùng thuyền, nhà khó khăn phải chế từ các thùng phuy thành các thuyền thúng để di chuyển ra bên ngoài.

Hiện người dân đã cùng góp tiền để mua các thân tre, kết thành cầu tạm. Mỗi thân tre có giá 50.000 đồng. Để tạo thành một cây cầu tạm cần đến 80 thân tre. Như vậy, mỗi gia đình phải đóng góp 200.000-300.000 đồng.

Cây cầu được tu sửa mỗi năm 2 lần để đảm bảo an toàn cho người đi lại. Mỗi lần cũng tốn kém gần chục triệu đồng. 22 hộ dân được kết nối với đất liền bằng 2 chiếc cầu tạm. Đầu cầu được buộc cố định vào cọc gỗ.

Các mảng tre được neo bởi sợi dây nối với đoạn dây sắt căng ngang qua sông.

Đoạn giữa sông, chiếc cầu được tách ra để rác và thuyền của người dân có thể đi qua. Người dân phải dùng sức kéo đoạn bị tách ra để có thể tiếp tục di chuyển.

Việc đi lại của người dân thuận tiện hơn nhưng nhiều nguy hiểm vẫn đang rình rập.

Cầu nhỏ nên người dân phải né nhau khi đi qua cầu. Nhiều hộ gia đình muốn xây sửa nhà cửa cũng gặp khó khăn do phải vận chuyển bằng sức người từng viên gạch qua cầu. Các phương tiện giao thông như xe máy, xe đạp, người dân phải gửi bên kia sông.

Nhiều đoạn tre bị mục rỗng, nếu không chú ý người đi trên cầu có thể sẩy chân bất cứ lúc nào.

Chị Long Thị Huyền (tổ trưởng tổ dân phố Tân Sơn) cho biết đã có trường hợp tử vong do trượt ngã xuống sông khi đi qua cầu.

Trẻ em luôn được người lớn đi cùng khi đi qua cầu. Anh Hoàng Văn Hòa cho biết: “Mỗi sáng tôi và vợ thay nhau cõng con qua cầu để đi học, đã có nhiều người bị ngã nên chúng tôi không yên tâm khi để cháu tự đi”.

Vào những ngày mưa lớn, nước dâng cao, người dân phải cắt một đầu dây để mảng tre trôi theo dòng nước. Những ngày đó người dân hoàn toàn bị cô lập. Thực phẩm chủ yếu tự cung tự cấp.

Đây cũng là nơi diễn ra một số sinh hoạt của người dân như giặt giũ…

Hay là khu bơi lội của trẻ em.

Chị Hòa cũng tận dụng cầu tre tạm để đặt ống dẫn nước suối từ trên núi xuống.

Chị Huyền cho biết, người dân cũng kiến nghị lên các cấp để mong có một câu cầu đảm bảo an toàn, tuy nhiên đến nay người dân vẫn tiếp tục phải đi trên cầu tạm với những nguy hiểm không biết bao giờ mới kết thúc.

Quỳnh Trang

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/oc-dao-tren-vung-nui-cao-post770749.html