Obama rời chính trường, bà Merkel sẽ 'cô đơn trên cao'?

Thủ tướng Đức Angela Merkel đã trở thành “người bảo hộ” quyền lực cuối cùng của châu Âu và khối đồng minh xuyên Đại Tây Dương sau khi ông Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.

Theo New York Times, bà Merkel có thể là người cuối cùng bảo vệ nền tự do dân chủ ở phương Tây khi ông Obama chuẩn bị rời khỏi chính trường thế giới. Tuy nhiên, theo các phụ tá của bà, sau 11 năm nắm quyền, Bà Merkel giờ đây đã mệt mỏi và đang bị bủa vây từ mọi hướng. Thủ tướng Đức đang chịu nhiều áp lực từ các lực lượng ủng hộ ông Trump ở Mỹ, thúc đẩy Anh rời khỏi EU và giờ là cổ vũ cho bà Marine Le Pen, người theo phái dân túy ở Pháp. Tại Đức, đảng Sự lựa chọn khác cho nước Đức đã giành được hàng loạt chiến thắng tại cuộc bầu cử gần đây.

Thủ tướng Đức cần phải chiến đấu chống lại sự trỗi dậy của Nga, với đường lối “dân chủ hẹp hòi” đã ủng hộ cho các đảng cánh hữu trên khắp châu Âu cũng như làm “bùng cháy” thêm ngọn lửa của chủ nghĩa dân túy. Tuy nhiên, việc ông Trump công khai khen ngợi Tổng thống Putin sẽ khiến cho việc duy trì cấm vận đối với Moscow vì xung đột ở Crimea và Ukraine sẽ trở thành một thách thức lớn.

Bà Merkel là nhà lãnh đạo quyền lực cuối cùng của nền dân chủ tự do ở châu Âu? Nguồn: NY Times

Simon Tilford, Phó giám đốc Trung tâm cải cách châu Âu ở London, nhận định: “Trước đến giờ chưa bao giờ nước Đức phải đối mặt với tình trạng như thế này. Chúng ta rất may mắn vì bà Merkel đã lãnh đạo nước Đức bởi bà sẽ đứng lên và làm những gì mà châu Âu muốn bà làm”.

Một châu Âu bị chia rẽ sâu sắc đang hướng về Đức, cường quốc giàu có nhất, để giải quyết rất nhiều vấn đề của châu lục này, như tỷ lệ tăng trưởng thấp, khủng hoảng tị nạn tiếp diễn và sự giận dữ cũng như yêu nước thái quá của một số bộ phận cử tri.

Italy và Tây Ban Nha có một nền chính trị rất mỏng manh, Áo có thể sẽ bầu cho một vị Tổng thống cánh hữu vào tháng tới và bà Merkel phải đối mặt với những cuộc đàm phán khó khăn với Anh về thỏa thuận Brexit. Cùng với việc Tổng thống đắc cử Donald Trump chủ trương “nước Mỹ là trên hết”, nghi ngờ về giá trị của liên minh NATO, thì áp lực lên nước Đức càng nặng nề hơn với nhiệm vụ bảo vệ an ninh cho châu Âu.

Trong suốt 8 năm qua, bà Merkel có thể trông cậy vào người bạn cùng chí hướng và kiên định, Barack Obama cũng như sự hậu thuẫn từ Cung điện Elysee. Nhưng với sự tiếp quản của Donald Trump và tỷ lệ tín nhiệm sụt giảm của Tổng thống Pháp Hollande, bà Merkel đang mất đi những sự ủng hộ cực kỳ lớn.

Những người theo sát bà Merkel cho rằng Thủ tướng Đức đã mệt mỏi với việc gánh vác các rắc rối của châu Âu và lực lượng ủng hộ bà cũng trở nên nhỏ bé hơn sau cuộc khủng hoảng tị nạn vào năm ngoái, khiến sự nghiệp chính trị của bà yếu đi. Cho đến nay, bà đang chịu áp lực tiếp tục tranh cử nhiệm kỳ thứ tư, quyết định cuối cùng sẽ có thể được đưa ra vào đầu tháng 12 tới.

“Bà Merkel là người cuối cùng, điều này đem lại cho bà cả sức mạnh lẫn điểm yếu cùng một lúc. Thủ tướng Đức là cây cột của sự ổn định, là bức tường cuối cùng mà mọi người muốn dựa vào đó”, Stefan Kornelius, nhà phân tích chính trị cho nhật báo Süddeutsche Zeitung, nhận xét.

Cùng lúc đó, ông cho rằng: “Bà Merkel là “cột chống sét” cho tất cả những người theo chủ nghĩa dân túy ở châu Âu, những người đổ lỗi cho Đức vì sức mạnh và quyền bá chủ và tự tạo ra luật lệ, bao gồm cả đảng Sự lựa chọn khác cho nước Đức”.

Tuy nhiên, kinh nghiệm và sự kiên nhẫn sẽ có lợi thế. Giống như khi lời phát biểu đầu tiên của bà sau khi bỏ phiếu chọn Brexit, đó là yêu cầu sự bình tĩnh và bày tỏ việc sẵn lòng hợp tác vì một mối quan hệ thân thiết với Vương quốc Anh dù cho có bất kỳ chuyện gì, phản ứng của bà Merkel trước tin ông Trump trở thành Tổng thống Mỹ cũng rất khéo léo.

Thủ tướng Đức đề nghị hợp tác với Tổng thống đắc cử Donald Trump nhưng cái gì cũng phải có cái giá của nó, đó là yêu cầu ông tôn trọng phẩm giá con người, nhất là những cộng đồng thiểu số, khi trước đó ông Trump đã chỉ trích và chế nhạo cả hai.

Với một giọng điệu linh hoạt và quả quyết, bà Merkel khẳng định: “Đức và Hoa Kỳ cùng có những giá trị chung: dân chủ, tự do cũng như tôn trọng luật pháp, phẩm giá cũng từng người dân dù cho họ xuất thân, màu da, tín ngưỡng, thiên hướng giới tính hay quan điểm chính trị như thế nào. Việc hợp tác với Hoa Kỳ cần phải dựa trên tất cả những giá trị đó”.

“Thật tuyệt vời khi bà Merkel đưa ra những yêu cầu cho ông Trump, vừa chúc mừng ông nhưng đồng thời cũng đặt ra những điều kiện”, ông Kornelius nhận xét.

Bà Merkel và ông Obama có một tình bạn thân thiết. Nguồn: CNN

Đối với Thủ tướng Đức, chiến thắng của ông Trump cũng là một “đòn giáng” vào cá nhân bà bởi bà có một tình bạn đáng ngưỡng mộ với cựu ứng viên đảng Dân chủ Hillary Clinton và bởi vì điều này sẽ phá hủy di sản của ông Obama.

Chuyến đi cuối cùng của ông Obama tới châu Âu trên cương vị Tổng thống được cho là lời tạm biệt “vừa ngọt vừa đắng” của hai nhà lãnh đạo, vốn đã dựa vào nhau suốt 8 năm qua. Đức vẫn phụ thuộc vào quân đội và tình báo Hoa Kỳ để gìn giữ an ninh mặc dù nước này đã đầu tư thêm vào chi phí tình báo.

Trong hai năm qua, bà Merkel trở thành một “trụ cột” trong việc đối phó với Nga, giữ cho châu Âu đoàn kết trong các vấn đề cấm vận với Kremlin. Nhưng việc bà Merkel tiếp nhận hàng trăm nghìn người tị nạn Hồi giáo trong năm ngoái đã khiến bà trở nên yếu thế cũng như khiến quan hệ với các quốc gia Đông và Trung Âu trở nên tồi tệ.

Việc ông Trump trở thành Tổng thống Mỹ có thể loại bỏ một số khó khăn trên. Chính sách yêu cầu các quốc gia NATO tự trả tiền của ông Trump là một ví dụ, có thể khiến các nước Trung và Đông Âu quay trở lại với Liên minh châu Âu và Đức để tìm chỗ dựa dẫm và bảo vệ cho mình.

Eugeniusz Smolar, chuyên gia của Trung tâm Quan hệ quốc tế Warsaw, cho rằng: “EU cần một cú sốc, và cuộc bầu cử Mỹ là một trong những biện pháp hữu hiệu giúp các nước châu Âu đoàn kết hơn”.

Tuy nhiên, sự yếu thế của ông Hollande và sự trỗi dậy của phong trào dân túy cánh hữu ở Ba Lan, Hungary cho tới Pháp và Đức, đã đặt thêm gánh nặng lên vai bà Merkel. “Nếu ông Trump có thể giành chiến thắng ở Mỹ thì bà Le Pen cũng có thể giành chiến thắng tại Pháp”, Eugeniusz Smolar nói.

Thủ tướng Đức đã từng chứng tỏ năng lực đối phó với những người đàn ông quyền lực của mình, khi bà đạt được thỏa thuận với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan để ngăn chặn dòng người tị nạn từ Trung Đông tới châu Âu và đàm phán với ông Putin. Và có thể bà sẽ tận dụng được chiến thắng của ông Trump để làm lợi thế cho cuộc bầu cử sắp tới của riêng mình.

Tuệ Minh (lược dịch)

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/obama-roi-chinh-truong-ba-merkel-se-co-don-tren-cao-post214091.info