Obama là “tổng thống vịt què”?

Hậu bầu cử tổng thống Mỹ, người ta chỉ nhắc đến chiến thắng của Trump, sự thất bại của bà Clinton mà quên mất một Obama luôn nằm trong tâm điểm chỉ trích của những người thuộc đảng Cộng hòa. Nhưng có đúng ông Tây đen ngồi ăn bún chả ở Hà Nội hôm nào là một chính khách giả dối và yếu kém hay không? Liệu người dân Mỹ có nhận được “món quà” của tổng thống tỉ phú sau khi Obama bị “hất cẳng” khỏi Nhà Trắng?

Obama chỉ giỏi…hứa suông?

Có thể nói thất bại của bà Clinton trong cuộc tranh cử tổng thống vừa rồi không chỉ là một “cú đo ván” rất “dịu dàng” của Đảng Cộng hòa đối với phe Dân chủ, một cuộc “lật đổ” bất ngờ của “ông trùm tỉ phú” đối với giới truyền thông mà còn là sự thua cuộc chua chát của Obama trong tất cả những nỗ lực nhằm hỗ trợ ứng viên Hilary cũng như bảo vệ tất cả những “di sản” của mình trong 8 năm cầm quyền tại Nhà Trắng. Trước đó không lâu, ngay trong lúc cuộc bầu cử tổng thống trên đất Mỹ đang diễn ra quyết liệt, người ta cũng không còn thấy Obama quyền lực như lúc ông đọc diễn văn trong buổi lễ tuyên thệ nhậm chức, đó là quãng thời gian các phe đối lập trong Quốc Hội bắt đầu nổi dậy và nỗ lực thông qua TPP vẫn không thể qua nổi cánh cửa của Hạ viện Hoa Kỳ. Ngay bây giờ, khi nước Mỹ đã tìm ra người kế nhiệm, những “di sản” còn lại của Obama như gói bảo hiểm y tế Obamacare, chính sách về biến đối khí hậu, chiến lược xoay trục sang Châu Á – Thái Bình Dương và con đường nhập cư… có thể sẽ bị xóa sổ bởi những bất đồng chính kiến của ứng viên vừa thắng cử tổng thống.

Không thể trách những người đã bỏ phiếu cho Trump bởi khi người ta bị đau chân, người ta sẽ chẳng nghĩ được đến cái chân đau của người khác. Kết quả của cuộc bầu cử tổng thống suy cho cùng cũng chỉ khởi phát từ chủ nghĩa hoài nghi đang xâm lấn vào tế bào của những người dân Mỹ, những khó khăn về kinh tế khiến họ phải nghĩ đến những quyền lợi sát sườn hơn là chuyện bao đồng, vấn đề lợi ích và sự phục hưng quốc gia còn đang ở trong một viễn cảnh rất xa xôi.

Obama có lẽ là một trong những chính khách phải đương đầu với nhiều biến cố nhất trong nhiệm kì thứ 2 của mình. Tình hình Iraq bất ổn, IS hoành hành ở Trung Đông, khủng hoảng Ukraine, sự trỗi dậy tham vọng quyền lực của Trung Quốc và những đối đầu Nga – Mỹ căng thẳng.

Trong số đó, việc giải quyết tận gốc Nhà nước hồi giáo IS đứng trước rất nhiều khó khăn vì những mâu thuẫn liên quan đến lợi ích của các quốc gia tham chiến. Người ta có thể hình dung Obama gần như đang đứng trước một “mớ bòng bong” rắc rối của người tiền nhiệm Geogre. W. Bush để lại. Sự kiện 11/9 đã phá vỡ những ảo tưởng về an ninh Mỹ, nhưng đem lại vô vàn lợi ích cho quốc gia này khi sau đó tổng thống Mỹ Bush tiến hành tham chiến ở Afghanistan, Iraq trong điều kiện vô cùng thuận lợi. Những lợi ích của nước Mỹ tại thời điểm bấy giờ, những tán dương lúc đó thuộc về Bush nhưng hậu quả khôn lường của nó, thế hệ sau của Al – Queada đã hình thành và kẻ “chịu trận” thuộc về người kế nhiệm - ông Obama.

Một số những đánh giá cho rằng, trong suốt 2 nhiệm kì của mình, Barack Obama chưa làm được bằng một phần những gì ông nói. Ông hô hào bảo vệ môi trường nhưng chưa tìm được cách giảm bớt chất thải gây ô nhiễm từ các tập đoàn công nghiệp Mỹ, chính sách xoay trục sang châu Á – Thái Bình Dương không làm những căng thẳng tại Biển Đông bớt “nóng” và mặc dù muốn hạn chế tham vọng của Trung Quốc, Washington cũng ít có những hành động “can dự” vào khu vực này, Crimea vẫn thuộc phần lãnh thổ thôn tính của Nga và Putin vẫn “lấn sân” Mỹ trên chiến trường Syria bất chấp lệnh trừng phạt. Hơn hết, lời tuyên bố đóng cửa nhà tù Goatanamo mới chỉ dừng ở kế hoạch và nền hòa bình ở Trung Đông như hứa hẹn của ông Obama vẫn phải đương đầu với tương lai mù mịt…

Obama không chỉ “nói hay”

Sẽ thật bất công nếu cho rằng Obama chỉ biết hứa mà không biết làm. 8 năm tuy dài nhưng vẫn là khoảng thời gian quá ngắn để khôi phục lại một nước Mỹ đã bị “nhấn chìm” trong bạo loạn và khủng hoảng từ thời Bush “con”. Tiếc là người Mỹ đã quá nóng vội, đã thích “ăn xổi” hơn là đi bằng một con đường lâu dài nhưng vững chắc. Họ đã có một cuộc sống khá hơn những người “dễ bị tổn thương”, những người nghèo và những người yếu thế. Nhưng họ đã lo sợ phải san sẻ quyền lợi, sợ bị mất đi cơ hội của mình vào tay những kẻ da màu mà bấy lâu nay họ vẫn coi là giống người hèn kém. Từ tận trong sâu thẳm của những người da trắng vẫn mang một nỗi mặc cảm và hằn học về sự hiện diện của những màu da khác trên cùng một mảnh đất với mình.

Và thế là họ trút hết lỗi lầm lên “ông Tây đen”, kẻ bị Trump nghi ngờ về xuất thân ở một nơi khác bên ngoài nước Mỹ. Trong bảng xếp hạng Tổng thống vừa qua, “tổng thống vịt què” đang giữ vững vị trí… chót bảng. Rõ ràng, Obama không chỉ nói hay mà đã làm rất tốt, ít nhất là ông đã thực hiện được kha khá những điều mình hứa và sẽ tốt hơn nếu ông tìm được người kế nhiệm có thể tiếp nối con đường của mình sau khi ông rời Nhà Trắng. Bởi trong số những thành tựu ấy có những thứ sắp bị hủy hoại bởi Donnal Trump!

Trước tiên là việc kết thúc chiến tranh ở Iraq và Afghanistan. Sau một khoảng thời gian dài mệt mỏi và tổn thất nặng nề ở khu vực này, nước Mỹ cần phải tránh một cuộc sa lầy nguy hiểm, và Obama xuất hiện như một người hùng đã cứu đế quốc ra khỏi những cuộc chiến tranh “hao tiền tốn của” mà lợi ích địa chính trị trong tham vọng của những “diều hâu” vẫn mờ mịt như ảo ảnh. Sự rút quân của Mỹ không thể đem đến một nền hòa bình toàn diện ở Trung Đông. Iraq sau đó vẫn chìm trong xung đột và lửa đạn, tuy nhiên ít nhất đối với nước Mỹ, lợi ích đầu tiên là không tiếp tục bị nhấn chìm vào những cuộc chiến khó có hồi kết.

Về cuối nhiệm kì của mình, Obama đã chạy đua với thời gian và chạy đua với cuộc bầu cử tổng thống Mỹ phòng khi trường hợp tồi tệ nhất xảy ra (và tất nhiên là nó đã xảy ra), trong đó, ông giải quyết những vấn đề kéo dài trong cả mấy thập kỉ tiêu biểu như việc bình thường hóa quan hệ với Cu Ba, dỡ bỏ cấm vận với Iran. Phải lâu lắm rồi từ khi Mỹ cấm vận Cuba vào 60 năm trước mới có một vị tổng thống Mỹ sẵn sàng bắt tay với lãnh đạo Cuba và ngồi vào “chiếc bàn” đối thoại. Đó là niềm tin của một đất nước tự do, một nền tảng của dân chủ và hòa bình thế giới .

Obama cũng cho thấy những chính sách cứng rắn của mình trong việc kìm hãm Nga. Tuy không có những động thái lấy lại Crimea cho Ukraine nhưng việc cấm vận Nga và việc dỡ bỏ cấm vận Iran đặc biệt trong lĩnh vực dầu mỏ đã khiến kinh tế Nga rơi vào tình thế bị trừng phạt nặng nề.

Những “can dự” sâu hơn của Mỹ ở Biển Đông cùng những cái “bắt tay” với các bên liên quan đã khiến Trung Quốc không ít lần “nóng máu”.

Trong chuyến thăm Việt Nam, việc kí kết hiệp định dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí có thể coi là một bước nhảy vọt trong quan hệ hợp tác của hai nước kể từ khi bình thường hóa quan hệ năm 1995. Lệnh dỡ bỏ cấm vận vũ khí chính là một trong những bước đi dứt khoát của Obama trong việc thực hiện kế hoạch xoay trục sang châu Á của Mỹ, nó đặc biệt ý nghĩa khi các đồng minh ở Trung Đông như Arab Saudi và Israel đã có những bất đồng với Washington về vấn đề lợi ích. Hơn hết, những bước đi nhằm gia tăng quan hệ đặc biệt trong hợp tác vũ khí với Việt Nam có thể tạo nên một đối trọng với Trung Quốc và các quốc gia có lợi ích ở Biển Đông trong khu vực Đông Nam Á.

Quỹ bảo hiểm Obamacare đã bảo vệ những người nghèo khỏi sự chênh lệnh quyền lợi trong xã hội, một hình thức nhân đạo vốn là nền tảng của xã hội dân chủ. Đó là một “chiếc bánh” để chia cho người nghèo, một sự đảm bảo về “công bằng” chứ không phải “cào bằng” giữa những nhóm người không cùng vị thế trong xã hội.

Chính sách bảo vệ quyền lợi của người da màu, phụ nữ, người nhập cư, người trẻ tuổi và người có học chính là điều kiện để phát triển kinh tế và xã hội Mỹ. Một đất nước phát triển cần nhân tài nhiều hơn là một giống người “tinh tuyển” về màu da, độ tuổi và giới tính. Đó là cách nước Mỹ dấn thân vào con đường đa văn hóa, toàn cầu hóa chứ không phải một chính sách đóng cửa và “Mỹ hóa” được hứa hẹn bởi vị Tổng thống tân thời. Obama đã rất sáng suốt khi nhận ra điều đó, đã hướng tới rất nhiều giá trị nhân văn mà các quốc gia “phúc lợi” như Đức, Phần Lan… đã làm được. Tiếc là nhiệm kì của ông quá ngắn, 8 năm chưa đủ dài để những chính sách của ông kịp phát huy hiệu lực.

Tuy nhiên, vẫn phải có một niềm tin rằng, rồi nước Mỹ sẽ thay đổi Trump chứ không phải Trump sẽ thay đổi nước Mỹ. Những ngày sắp tới sẽ cho người Mỹ một thực tế để chiêm nghiệm về việc bầu cho ai là đúng!

Rõ ràng, những gì ông Obama làm được sau 2 nhiệm kì tuy không phải quá ưu việt nhưng tất cả các vấn đề vĩ mô đều có tính hai mặt và rất khó có thể giải quyết được triệt để. Tuy nhiên chắc chắn rằng để có thể “quét sạch” được những gì Obama đã làm, có lẽ Trump sẽ mất một khoảng thời gian kha khá lâu mà trong bốn năm chưa chắc đã “dọn dẹp” hết được. Chưa kể đằng sau vị tân tổng thống còn có một hệ thống lập pháp cứng rắn. Cho dù có ngạo mạn, Donnal Trump cũng không thể “thay trời hành đạo”.

Phạm Trang

Nguồn Sống Mới: http://songmoi.vn/the-gioi-thoi-su/obama-la-%e2%80%9ctong-thong-vit-que%e2%80%9d