Oằn mình đóng phí, nông dân đi tù vì…nhận hối lộ

Hai ông nông dân ở Bình Thuận vừa được đình chỉ điều tra bị can nhận hối lộ.

Hai ông nông dân bị khởi tố vì tội nhận hối lộ. Ảnh: Pháp luật TPHCM

Hai ông nông dân bị khởi tố vì tội nhận hối lộ. Ảnh: Pháp luật TPHCM

Báo Tri Thức Trẻ vừa khởi đăng nhiều loạt bài về việc nông dân ở Thanh Hóa và Nghệ An phải còng lưng vì hàng loạt những loại thuế phí, đến mức họ phát sợ mỗi khi cầm tờ danh sách các khoản thu còn nợ chính quyền, chưa biết đến khi nào trả được.

Ở xã Nghi Thái (Nghi Lộc, Nghệ An), nhiều năm qua người dân được chính quyền xã phát cho 1 cuốn sổ "theo dõi công dân". Nếu hộ nào đóng đầy đủ các khoản sẽ được "phê" vào sổ là "đã hoàn thành các khoản đóng góp trong năm". Nếu hộ nào chưa hoàn thành sẽ bị ghi không hoàn thành và muốn lên xã giao dịch một số giấy tờ sẽ gặp nhiều khó khăn.

Bài báo cho biết, xã này đã về đích xây dựng xã nông thôn mới vào năm 2014, tuy nhiên đến nay vẫn còn nợ 10 tỷ đồng tiền nông thôn mới. Có lẽ vì thế mà những khoản đóng góp đổ xuống đầu dân mỗi ngày một nặng nề hơn. Hộ nghèo, hộ đơn thân, gia đình liệt sĩ cũng không thoát, mỗi năm sơ sơ khoảng 24 loại thuế, phí với số tiền từ 1,5 đến 2 triệu đồng. Có nhà nợ đọng từ năm trước đến năm sau, lên tới gần 10 triệu đồng.

Thật sự, những con số đó là một bi kịch với người dân ở khu vực nông thôn, nơi rất nhiều hộ nghèo, người dân thiếu đói, làm chẳng đủ ăn lại còn gánh thêm cái nợ với chính quyền. Có gia đình như nhà anh Ngô Sỹ Trường ở xã Diễn Hạnh (Diễn Châu, Nghệ An), con bị u máu muốn lên xã xin giấy khai sinh để đưa con đi viện nhưng không có tiền để thanh toán khoản nợ đọng 2 triệu đồng, xã nhất quyết không cấp giấy khai sinh cho. Anh Trường đành ôm con về trong nước mắt.

Những cảnh ngộ đau lòng như thế không thiếu gì, về nông thôn là thấy. Nông dân đang bị vắt kiệt sức trên cánh đồng, nông dân lại bị tróc đến những đồng xu cuối cùng cho các loại thuế phí.

Trớ trêu hơn, có hai ông nông dân ở Bình Thuận còn vừa mới đi tù vì bị khép vào tội… nhận hối lộ. Cơ khổ, hai ông này được bà con trong thôn Lò To (xã Hàm Cần, Hàm Thuận Nam) tín nhiệm, ủy thác để thay mặt họ đứng ra giao dịch vay vốn với ngân hàng chính sách xã hội. Họ đi lại vất vả, cũng phải lúc thì thuốc nước, lúc mua con gà làm cơm thết đãi cán bộ ngân hàng. Bởi vậy 12 hộ dân trong thôn góp tiền bồi dưỡng cho hai ông này là 13,6 triệu đồng.

Tháng 5/2015, công an huyện bất ngờ bắt giam 2 ông vì tội… nhận hối lộ. Tháng 8, tòa án huyện xử 1 ông 8 năm tù, 1 ông 7 năm tù trong khi trước tòa, những hộ dân nói đó là tiền họ tự nguyện đóng góp để phụ giúp chi phí vay vốn làm ăn.

Ngày 9/8 mới đây, Cơ quan CSĐT Công an huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận đã ra quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ điều tra bị can đối với hai ông nông dân này. Báo Pháp luật TPHCM cho biết, lý do đình chỉ là bị can khai báo thành khẩn, tích cực khắc phục hậu quả do mình làm sai, trật tự trong hoạt động vay vốn trong khu vực đã được ổn định, sai phạm của bị can không còn gây nguy hiểm cho xã hội.

Với lý do đình chỉ này, xem như CQĐT không thừa nhận đã khởi tố oan hai ông nông dân. Và do đó, hai người nông dân không được xin lỗi, bồi thường oan.

Đúng là chẳng có chuyện gì mà không thể xảy ra. Hai ông nông dân bỗng chốc bị xử tù vì 13,6 triệu đồng do dân tự đóng góp bồi dưỡng, án của họ nặng chả kém gì những đại án tham nhũng khác. Mà số tiền ấy, có lẽ chưa đủ cho 1 bữa nhậu của các quan xã.

Đọc những câu chuyện này trên báo chí, thấy bất lực, chua chát cho những phận người thấp cổ bé họng trong cái vòng xoay công lý vốn dĩ ít lương tâm và trách nhiệm. Ai trong chúng ta chẳng thuộc nằm lòng câu khẩu hiệu: Mọi công dân đều bình đẳng trước hiến pháp và pháp luật.

Thế nhưng ở đây, hai ông nông dân bị đi tù vì tội “nhận hối lộ” 13,6 triệu đồng ấy với các quan tham “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” hàng ngàn tỷ đồng chỉ phải rút kinh nghiệm, rõ ràng đã “kém bình đẳng”, không thể nói khác được. Chỉ vì họ là nông dân, chỉ vì họ nghèo, họ không có chỗ dựa.

Và vì thế, nỗi đắng cay của họ phi lý tới mức, chúng ta đọc như một câu chuyện hài mà chẳng biết vì sao?

Mi An

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/van-hoa/nguoi-viet/oan-minh-dong-phi-nong-dan-di-tu-vinhan-hoi-lo-3316813/