Oan mạng vì cô giáo kiêm 'bà lang' chữa bỏng 'chui'?

“Mặc dù không có giấy phép hành nghề nhưng bà Dương Thị Tú (giáo viên Trường THPT Dân tộc nội trú huyện Tủa Chùa) vẫn thuyết phục và tiến hành điều trị bỏng cho chồng tôi. Sau 8 ngày được bà Tú điều trị, chồng tôi đã rơi vào tình trạng nói mê sảng và đã tử vong sau khi được đưa đến bệnh viện”, bà Dương Thị Thặm (39 tuổi, ngụ tại tổ dân phố Thống Nhất, thị trấn Tủa Chùa, huyện Tủa Chùa) phản ánh đến Báo PLVN.

Bà Dương Thị Thặm không đồng ý trước cách giải quyết của Công an và UBND huyện Tủa Chùa

Giáo viên kiêm “bà lang”

Trong đơn gửi Báo PLVN, bà Dương Thị Thặm trình bày: Ngày 20/4/2016, trong lúc bà đi vắng, chồng bà là ông Trịnh Tiến Hùng không may bị bỏng xăng tại nhà nên được bà con hàng xóm đưa đến nhà bà Dương Thị Tú để chữa bỏng bằng thuốc gia truyền.

Tại đây, người thân trong gia bà chứng kiến thấy bà Tú không vệ sinh sạch sẽ vết bỏng cho ông Hùng mà đắp thuốc ngay nên sáng ngày hôm sau, ông Hùng bị sốt cao và được gia đình đưa tới Trung tâm Y tế huyện Tủa Chùa chữa trị. Tới nơi, các bác sĩ khuyên bà Thặm nên chuyển ông Hùng đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên.

“Tuy nhiên, khoảng 8 giờ 30 phút ngày 21/4/2016, bà Tú đã chủ động tìm tới Trung tâm Y tế huyện Tủa Chùa để thuyết phục gia đình tôi rằng hãy đưa anh Hùng về nhà để bà đắp thuốc và cam đoan trong 10 ngày sẽ chữa khỏi vết bỏng trước sự chứng kiến của nhiều y, bác sĩ của Trung tâm Y tế huyện Tủa Chùa”, bà Thặm cho hay.

Cũng theo bà Thặm, bị thuyết phục bởi khả năng chữa bỏng của bà Tú, gia đình đã tin tưởng đưa ông Hùng về để bà Tú điều trị theo phương thuốc gia truyền. “Khi tôi đưa chồng về đến nhà, cô Tú đã có mặt và tiến hành đắp thuốc luôn, chi phí đắp thuốc mỗi lần như vậy gia đình tôi phải trả cho bà Tú 7 triệu đồng. Bà Tú còn nói, bệnh của chồng tôi chắc chắn sẽ khỏi, cần thiết thì bà có thể viết giấy cam đoan, nếu xảy ra chuyện gì thì sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật”, bà Thặm cho biết thêm.

Tuy nhiên, trái với những lời thuyết phục và những gì bà Tú đã cam kết trước đó, sau 8 ngày kiên trì điều trị bằng phương thuốc gia truyền của bà Tú, ngày 29/4/2016 tình trạng sức khỏe của ông Hùng diễn biến ngày càng một xấu đi và rơi vào tình trạng nói mê sảng nên khoảng 14h cùng ngày gia đình quyết định đưa ông Hùng về Viện Bỏng Quốc gia để chữa trị. Bà Tú lúc này còn xuống nhà bà Thặm khẳng định chỉ đắp thuốc của bà một lần nữa thôi thì ông Hùng sẽ khỏi bệnh. Lo ngại về tình hình sức khỏe của ông Hùng nên gia đình bà Thặm không đồng ý.

Về phía ông Hùng, sau khi được đưa đến Viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác, quá trình hội chẩn, các bác sĩ thông báo cho gia đình biết ông Hùng bị nhiễm trùng máu và suy đa tạng. Nguyên nhân dẫn đến việc này là do để ở nhà đắp thuốc quá lâu, không được chữa trị kịp thời. Tiên lượng xấu nên ông Hùng được cho về. Đến sáng 5/5/2016, ông Hùng tử vong.

Hành nghề “chui”

Khẳng định cái chết của chồng mình do việc điều trị bỏng bằng thuốc gia truyền của bà Tú và qua tìm hiểu gia đình bà Thặm mới phát hiện một sự thật “động trời” khi bà Tú hành hành nghề chữa bỏng “chui”. Do đó, bà Thặm đã có nhiều đơn tố cáo bà Tú đã có hành vi vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác theo Điều 242 Bộ luật Hình sự đến các cơ quan chức năng của huyện Tủa Chùa và tỉnh Điện Biên.

Ngày 31/8/2016, Cơ quan CSĐT Công an huyện Tủa Chùa đã có “Thông báo kết quả giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố” số 15/TB gửi bà Thặm xác định: Hành vi không cấu thành tội phạm, do vậy đã quyết định không khởi tố vụ án hình sự và chuyển toàn bộ tài liệu hồ sơ đến Phòng Y tế huyện Tủa Chùa để xem xét xử lý theo quy định.

Ngày 1/11/2016, UBND huyện Tủa Chùa có Văn bản số 533/UBND-YT trả lời khiếu nại của bà Thặm xác định: Việc bà Tú cứu chữa bỏng cho ông Hùng là do các bên hoàn toàn tự nguyện; thuốc của bà Tú đắp cho ông Hùng lấy tại gia đình ông Dương Mạnh An (bố đẻ bà Tú tại thị trấn Cầu Giát, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) để chữa trị cho ông Hùng. Như vậy, trong lúc cứu chữa cho ông Hùng, bà Tú sử dụng thuốc có nguồn gốc xuất xứ.

Bà Thặm cho biết, việc cơ quan chức năng nhận định như vậy là hết sức chủ quan, suy diễn khi không làm rõ bài thuốc chữa bỏng có nguồn gốc xuất xứ mà bà Tú dùng để điều trị cho ông Hùng đã được các cấp có thẩm quyền thẩm định và công nhận hay chưa, cũng như xử lý việc hành nghề “chui” của bà Tú như thế nào?

Không đồng ý với cách giải quyết của Công an và UBND huyện Tủa Chùa, bà Thặm tiếp tục gửi đơn khiếu nại. Ngày 16/11/2016, UBND tỉnh Điện Biên có Văn bản số 3553/UBND-BTCD giao cho Sở Y tế kiểm tra, xem xét liên quan đến nội dung khiếu nại của bà Thặm.

Trong khi khiếu nại của bà Thặm chưa được Sở Y tế kết luận thì ngày 24/11/2016, UBND huyện Tủa Chùa bất ngờ có Quyết định số 3241/QĐ-XPVPHC “Xử phạt vi phạm hành chính theo thủ tục xử phạt không lập biên bản” đối với bà Dương Thị Tú về hành vi “hành nghề không có chứng chỉ hành nghề” quy định tại điểm a khoản 5 Điều 28 Nghị định 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế. Theo đó, xử phạt bà Tú 35 triệu đồng.

Trung Thứ

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/nhip-cau/oan-mang-vi-co-giao-kiem-ba-lang-chua-bong-chui-311938.html