Ở nơi không có “rào chắn”

QĐND - Chúng tôi đã từng đi đến nhiều nơi, cảm nhận những điều đặc biệt. Từ những khu công nghiệp, chế xuất - nơi các hoạt động lao động sản xuất tập trung; các doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài thường quản lý công việc (sản phẩm) của công nhân bằng cách chấm công chặt chẽ, xây dựng khu vực sản xuất với tường bao bề thế, bảo vệ vòng trong, vòng ngoài. Nhưng ở Trung tâm Giáo dục-Lao động xã hội Hải Phòng-nơi không có tường bao, rào chắn, học viên có thể “vượt rào” nếu họ muốn; hay dễ dàng vận chuyển vật chất ra khỏi Trung tâm khi họ có lòng tham. Nhưng tại sao điều đó lại không xảy ra? Điều này không dễ lý giải nhưng chúng tôi cảm nhận được sự gắn bó ở đây giữa hàng ngàn cá nhân có hoàn cảnh, tuổi tác, quê quán, tư tưởng khác nhau. Ông Nguyễn Quang Toàn, Giám đốc Trung tâm cho biết, “Nhân tố chính tạo hiệu quả trong công tác cai nghiện là phương pháp quản lý, giáo dục tư tưởng cho học viên. Giữa cán bộ, điều dưỡng viên với người nghiện không có khoảng cách nên chúng tôi gắn bó với nhau như một gia đình”.

Ông Nguyễn Quang Toàn (ngoài cùng, bên phải) và các học viên trong xưởng sản xuất giấy của Trung tâm.

Cấp ủy, Ban giám đốc Trung tâm luôn xác định: Để cai nghiện hiệu quả, giúp người nghiện tái hòa nhập cộng đồng tốt phải chăm lo sức khỏe cho học viên, trang bị cho họ khả năng và kỹ năng lao động. Trung tâm đã tổ chức lao động cho học viên mức độ từ thấp đến cao. Mỗi năm, Trung tâm xuất khẩu hàng nghìn cây giấy quét hòe, giấy dán bạc và nhiều loại giấy in. Sản phẩm do học viên làm đã được các đối tác đánh giá cao, nhất là các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, gốm sứ có chất lượng và mẫu mã đẹp. Kết quả lao động đã giúp cải thiện rõ nét đời sống của học viên, giúp họ tích lũy được nhiều kinh nghiệm sau khi hồi gia.

Mục sở thị tại “ngôi nhà lớn” không lâu, chúng tôi đã chứng kiến nhiều điều thú vị và bất ngờ. Đây là cơ sở đầu tiên bố trí khu nhà ở miễn phí cho Cộng tác viên sau cai. Họ là những học viên đã hoàn thành quy trình cai nghiện nhưng có nguyện vọng ở lại Trung tâm làm việc và giúp đỡ đồng đẳng (học viên mới). Đội ngũ này được sắp xếp công việc theo khả năng, hưởng lương như cán bộ, công nhân viên trung tâm. Đặc biệt, cộng tác viên được sắp xếp nơi ăn, ở miễn phí, đóng bảo hiểm xã hội dài hạn. Mô hình mới này tuy mới được triển khai nhưng đã mang lại hiệu quả rõ nét. Nhiều người được đào tạo nghề nghiệp bài bản, có công việc tốt và cuộc sống ổn định. Chính họ là những người có thể giúp đỡ các học viên khác nhanh tiến bộ. Ý nghĩa hơn, đây là những tấm gương để người nghiện noi theo trên con đường phục thiện, làm lại cuộc đời.

Bài và ảnh: Tuấn Nam

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/43/7/22/22/195417/Default.aspx