Ô nhiễm tại KCN Hòa Khánh, Đà Nẵng: Thải bẩn tràn lan, xử lý tạm bợ

Đường ống bị bục vỡ, nên chỉ một vài trận mưa nhỏ, nước thải từ Khu công nghiệp Hòa Khánh (Liên Chiểu, Đà Nẵng) hòa cùng nước mưa chảy ào ạt ra môi trường, bốc mùi hôi thối cả một vùng. Tình trạng này thường xuyên xảy ra trong nhiều năm qua, trong khi việc xử lý, khắc phục chỉ mang tính chất chắp vá, tạm bợ.

Hôi thối nồng nặc

Liên tiếp trong nhiều ngày, phóng viên NTNN đi thực tế tại Khu công nghiệp (KCN) Hòa Khánh, nơi có tuyến đường ống số 4 (đường huyết mạch thu gom toàn tuyến nước thải của cả KCN) và chứng kiến, sau mỗi trận mưa, các hố ga trên tuyến đường này lại ngập tràn nước thải KCN lẫn nước mưa, nước chảy lênh láng ra đường, bọt trắng xóa.

Theo ông Ngô Lê Quảng, hệ thống xử lý nước thải ở KCN Hòa Khánh đã xuống cấp trầm trọng. Ảnh: N.C

Rất nhiều DN trong KCN không tuân thủ đấu nối theo hệ thống thu gom riêng biệt nước thải và nước mưa. Có những DN mua lại cơ sở, không biết đâu là hệ thống nước mưa, đâu là thải, lẫn lộn cả. Chính vì vậy chúng tôi rất khốn khổ trong việc xử lý”.

Ông Ngô Lê Quảng - Giám đốc Công ty TNHH MTV Urenco Hà Nội (chi nhánh miền Trung)

Chứng kiến nước thải KCN đục ngầu, đậm màu chảy ra môi trường, chị Vân - một người dân sống cách KCN gần 100m, lắc đầu: “Nhà chúng tôi sống xa KCN thế mà ngày ngày vẫn ngửi mùi hôi thối rất nặng. Đặc biệt những lúc mưa xong, nước chảy lênh láng ra kênh mương, ra đường, chẳng biết đâu là nước mưa, đâu là nước thải”.

Trên tuyến đường số 4, có hàng chục hố ga nước chảy ào ạt, đường ống hư hỏng nghiêm trọng. Bọt của chất thải từ các nhà máy trắng xóa, mùi hóa chất công nghiệp hôi thối cả một vùng. Đầu tuyến đường, một vài hố ga được xây vội thêm cao lên vài viên gạch. Tuy nhiên, nhận định của lãnh đạo Trạm xử lý nước thải (XLNT) cho KCN này, đó chỉ là giải pháp tạm thời.

Theo ông Ngô Lê Quảng - Giám đốc Công ty TNHH MTV Urenco Hà Nội – chi nhánh miền Trung, đơn vị chịu trách nhiệm xử lý nước thải KCN Hòa Khánh, toàn bộ gần 22.000m ống nước thải thu gom ở KCN thì có tới 35% dùng loại ống bê tông ly tâm cũ, được đầu tư từ năm 2002 nay đã vỡ bục. Đặc biệt, tuyến ống số 4, nơi thu gom toàn bộ nay đã xuống cấp nghiêm trọng. “Vừa rồi thành phố đã mời các chuyên gia từ TP.HCM ra tận nơi phân tích, kiểm tra, phát hiện nhiều đoạn bị vỡ, bục. Rất may là địa chất đoạn này mềm, nhiều túi nước, áp suất bên ngoài lớn hơn trong đường ống nên nước thải không tràn ra môi trường” (?). Mặc dù vậy, ông Quảng thừa nhận, mỗi lần mưa to, các hố ga bị tràn là hệ quả của việc thiếu xử lý triệt để.

Nước chảy ra từ hố ga tạo thành bọt trắng xóa. Ảnh: N.C

Cụ thể, ông Ngô Lê Quảng cho hay, rất nhiều doanh nghiệp (DN) trong KCN không tuân thủ đấu nối theo hệ thống thu gom riêng biệt nước thải và nước mưa. “Có những DN mua lại cơ sở, không biết đâu là hệ thống nước mưa, đâu là thải, lẫn lộn cả. Thành ra chúng tôi phải xử lý vô cùng khó khăn”. Ông Quảng kể, từ những năm mới tiếp nhận xử lý nước thải KCN, các DN được thành phố ưu ái, trải thảm đỏ vào đầu tư tại KCN nên họ không để ý lắm tới xử lý môi trường. Rất may, mấy năm lại đây, Đà Nẵng mạnh tay với những DN gây ô nhiễm. DN nào không nghiêm túc vấn đề bảo vệ môi trường, bị phạt nặng, thậm chí đóng cửa. Nhưng câu chuyện xử lý vấn nạn về môi trường với Đà Nẵng vẫn rất gian nan.

Nhiều doanh nghiệp vi phạm

Theo tìm hiểu của PV NTNN, chỉ trong một thời gian ngắn, Đà Nẵng đã phát hiện nhiều DN vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, nhiều DN bị phạt nặng do xả thải vượt quy chuẩn, hoặc cố tình xả thải ra môi trường khiến dư luận bức xúc. Để kiểm soát hoạt động trong lĩnh vực môi trường, mới đây Sở TNMT TP. Đà Nẵng đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành đột xuất tại 37/167 DN đầu tư hoạt động tại KCN Hòa Khánh.

Hệ thống xử lý nước thải ở KCN Hòa Khánh đã xuống cấp trầm trọng. Ảnh: N.C

Theo Chi cục Bảo vệ Môi trường TP.Đà Nẵng, có 7/37 DN có chất lượng nước thải sau đấu nối vào hệ thống thu gom đưa về trạm XLNT tập trung không đạt yêu cầu đối với đầu vào của trạm. Qua kiểm tra được biết hầu hết các cơ sở đều vi phạm một trong các tiêu chí bảo vệ môi trường do ngành chức năng yêu cầu như không tách đấu nước mưa và nước thải, nước tràn từ hố ga ra đường. Cụ thể: Công ty Dệt Đà Nẵng có hàm lượng COD vượt 0,05 lần; Công ty Gạch men Cosevco có hàm lượng TSS vượt 3,86 lần, COD vượt 2,1 lần; Công ty TNHH MTV Thực phẩm Á Châu Đà Nẵng có hàm lượng COD vượt từ 0,63 đến 2,87 lần; DN Tư nhân Thành Công 2 có hàm lượng COD vượt 2,35 lần; Công ty TNHH Sản xuất keo dán và vải nhám Bá Lộc có hàm lượng TSS vượt 0,32 lần: Xí nghiệp Sản xuất giấy Thanh Hùng có hàm lượng COD vượt 4,17 lần; Công ty Giấy Vĩnh Nghiệp có hàm lượng TSS vượt 4,86 lần, COD vượt 20,67 lần so với yêu cầu chất lượng nước thải đầu vào Trạm XLNT tập trung.

Theo Sở TNMT, hoạt động quản lý và vận hành trạm XLNT tập trung cũng có nhiều hạn chế. Cụ thể, chất lượng nước thải sau xử lý tại Trạm XLNT tập trung KCN Hòa Khánh không đạt yêu cầu. Đối với màu, vượt 3,83 lần; hàm lượng COD vượt 0,47 lần và Coliform vượt 91 lần so với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp. Công ty Phát triển và Khai thác hạ tầng KCN Đà Nẵng (Daizico) - đơn vị chủ đầu tư khai thác không phối hợp với đơn vị vận hành Trạm XLNT tập trung để thường xuyên kiểm tra chất lượng nước thải đầu vào trạm hoặc nước thải sau khi xử lý cục bộ tại cơ sở, nhất là cơ sở có lưu lượng nước thải lớn, cơ sở có tải lượng ô nhiễm lớn.

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-tuc/o-nhiem-tai-kcn-hoa-khanh-da-nang-thai-ban-tran-lan-xu-ly-tam-bo-712579.html