Ô nhiễm nghiêm trọng khu vực Suối Nước Trong (huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai): Hàng trăm hộ dân hoảng loạn vì bệnh dịch

Nước giếng sinh hoạt bị nhiễm độc nặng, hàng ngàn gia súc, gia cầm của bà con nông dân ven suối Nước Trong (huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai) có nguy cơ chết hàng loạt do nguồn nước thải từ khu công nghiệp (KCN) Tam Phước đổ về với nồng độ độc hại cao suốt nhiều ngày qua.

Suối Nước Trong bị ô nhiễm chuyển sang màu đỏ đục khiến hàng loạt gia súc của nông dân 3 xã Tam Phước, An Phước và Tam An bị chết Ảnh: HỒNG PHÚC Bệnh dịch bùng phát do nguồn thải độc hại Suối Nước Trong có chiều dài khoảng 20 km, trong đó, khu vực gần KCN Tam Phước thời gian gần đây xuất hiện nước suối màu nâu đen và bốc mùi hôi thối. Theo phản ánh của nông dân 3 xã Tam Phước, An Phước và Tam An, ngày 29-9-2010, lòng Suối Nước Trong xuất hiện nguồn phát thải từ KCN Tam Phước. Đặc biệt, mùi hôi thối từ lòng suối bốc lên rất nồng nặc, cay xè mắt. Gia đình anh Nguyễn Hải Hoàng (28 tuổi), sống ven Suối Nước Trong cho biết, chiều ngày 29-9, khi cơn mưa lớn vừa dứt, người dân ven suối bỗng thấy xuất hiện một luồng nước có màu đỏ đục, rồi sau đó chuyển sang màu đen kịt. Mùi hôi thối nồng nặc từ dòng nước đã ảnh hưởng trực tiếp tới hàng trăm hộ dân sinh sống ven sông. “Mấy đứa trẻ trong xóm tới trạm y tế xã khám thì được các bác sĩ cho biết là các cháu bị bệnh sổ mũi và viêm vọng do tác động của không khí ô nhiễm từ nguồn thải”, anh Hoàng bức xúc. Bà Nguyễn Thị Lan (56 tuổi, ngụ ấp 4, xã Tam An) phản ánh: “Người dân khi thấy nguồn nước bị ô nhiễm thì không dám sử dụng, nhưng sang ngày hôm sau thì thấy hàng loạt gia đình có gia cầm bị chết không rõ nguyên nhân”. Bà Lan cho biết, khi một số hộ nông dân tiếc của, đem thịt gia cầm chết thì phát hiện phổi và lòng vịt bị hư và nổi cục đỏ, người dân sợ quá bỏ đi không dám ăn. Trong khi đó, anh Nguyễn Văn Tùng, một chủ trại nuôi vịt với trên 2000 con ở xã Tam An cũng dở khóc, dở cười khi đàn vịt của anh đang chết dần chết mòn. Bà Nguyễn Thị Chờ, mẹ anh Tùng than thở: “Không chỉ có vịt mà gia đình tôi cũng bị mất vụ cá vừa qua. Cá nuôi gần 2 năm rồi mà vẫn chỉ bằng ngón tay, đem bán thì người ta cũng không mua vì cá nhỏ quá”. Nguồn ô nhiễm kéo dài lâu nay khiến một số hộ dân phải đào giếng khoan ở xa dòng sông để tránh nhiễm độc. Một số hộ dân vẫn sử dụng nước từ dòng suối tưới tiêu cho cây trồng (chôm chôm, bưởi) cũng không thấy cây cối đậu quả mấy năm nay, lá cây thì khô héo. Một số hộ gần suối vì không chịu nổi mùi hôi phải dọn về ở nhờ nhà người thân ở nơi khác để ở. Mặc dù, ngay khi xuất hiện nguồn phát thải độc hại, người dân đã kéo lên UBND xã Tam An để phản ánh. Chính quyền xã đã báo cáo lên Phòng TN-MT huyện Long Thành, tuy nhiên đến nay vẫn chưa thấy hồi âm. Chính quyền xã bất lực hay thụ động? Ông Quảng Hoàng Huynh, cán bộ môi trường xã Tam An cho biết: “Chính quyền xã nghi ngờ nguồn nước thải do các Công ty thuộc KCN Tam Phước xả thải trái phép ra Suối Nước Trong. Xã đã lập 4 biên bản gửi Phòng TN-MT huyện nhưng cho đến nay xã vẫn chưa nhận được kết luận chính thức của lãnh đạo cấp trên”. Ông Huynh bức xúc: “Vụ xả thải mới đây nhất được xã trực tiếp gọi điện khẩn lên huyện nhưng không hiểu sao vài ngày qua vẫn chưa thấy huyện có động thái gì ngoài việc yêu cầu xã “chờ kết quả”. Ông Hồ Văn Tước, Trưởng Ban công tác Mặt trận ấp 4, xã Tam An cho biết, hiện có khoảng trên 400 hộ dân thuộc 3 xã Tam Phước, An Phước và Tam An sống ven Suối Nước Trong. Tình trạng ô nhiễm đã tiếp diễn từ nhiều năm nhưng nghiêm trọng nhất vào khoảng 2 năm gần đây, gây ảnh hưởng nặng nề tới sinh hoạt và hoạt động nuôi trồng của người dân ven suối. Theo ông Tước, cách đây 10 năm, người dân trong vùng vẫn sử dụng nguồn nước suối để sinh hoạt nhưng mấy năm gần đây thì không dám dùng nữa”. Được biết, thời điểm tháng 4-2008, Sở TN-MT tỉnh Đồng Nai đã từng xử phạt hành chính Công ty Tín Nghĩa (chủ đầu tư KCN Tam Phước) do phát hiện lượng nước thải của KCN Tam Phước thải ra môi trường vượt chỉ tiêu nhiều lần (COD, BOD vượt tiêu chuẩn 11-13 lần; amoni vượt tiêu chuẩn 2,6 lần; coliform (vi khuẩn gây bệnh đường ruột) vượt tiêu chuẩn cho phép tới 36.000 lần). Lê Anh

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=17981&menu=1390&style=1