Ô nhiễm môi trường tại các khu công nghiệp: Hậu quả khôn lường!

Phát triển các khu công nghiệp (KCN), làng nghề đã mang lại nhiều hiệu quả kinh tế cho đất nước. Song theo đó, tình trạng ô nhiễm môi trường tại đây đang gây nhiều bức xúc trong xã hội. Để giải quyết bài toán trên cần một phương án tổng thể và đồng bộ.

Các làng nghề rất cần chú trọng việc xử lý chất thải, chống ô nhiễm môi trường Ảnh: Hoàng Long 70% nước thải chưa qua xử lý xả thẳng ra môi trường Tính đến hết năm 2010, Việt Nam đã có Quyết định thành lập 15 Khu kinh tế (KKT) ven biển. Hiện đã có 10 KKT cơ bản hoàn thành, 5 KKT còn lại đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư. Bên cạnh đó, hiện có tới 258 KCN được Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập. Tỷ lệ lấp đầy trung bình ở các KCN đạt 48%; trong đó có 172 KCN đã đi vào hoạt động (chiếm 66,7%); 82 KCN đã và đang trong giai đoạn xây dựng và đưa vào vận hành. Sự phát triển của các KKT, KCN đã khẳng định được vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế, tuy nhiên, vấn đề môi trường tại các KKT, KCN hiện nay đang gây những ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường, đến sự phát triển bền vững của đất nước. Theo thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư năm 2010, trong số 172 KCN đã đi vào hoạt động hiện nay, có 102 KCN đã đầu tư và đưa vào hoạt động các nhà máy xử lý nước thải tập trung (chiếm khoảng 60%); 33 KCN đang xây dựng công trình xử lý nước thải (chiếm 19%); 36 KCN đang hoạt động hiện chưa có công trình xử lý nước thải (chiếm 21%). Tuy nhiên, bên cạnh các KCN đã hoặc đang đầu tư hệ thống xử lý nước thải, có nhiều KCN chưa vận hành nghiêm túc hoặc đúng kỹ thuật các trạm xử lý nước thải, nhất là các cơ sở vốn 100% của Việt Nam. Theo báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia năm 2009, khoảng 70% trong số 1 triệu m3 nước thải/ngày với các thành phần chủ yếu là các chất lơ lửng, chất hữu cơ, chất dinh dưỡng, dầu mỡ và một số kim loại nặng từ các KCN đã xả thẳng ra nguồn tiếp nhận không qua xử lý. Ước tính một năm các KCN thải ra khoảng 2,3 triệu tấn rác thải rắn, trong đó chất nguy hại chiếm trung bình khoảng 20%. Hầu hết các doanh nghiệp trong các KCN hiện nay đều tự quản lý và trực tiếp ký hợp đồng để các đơn vị chức năng ở địa phương vận chuyển và xử lý chất thải rắn. Tuy nhiên, thực tế trong quá trình thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải nguy hại, một số đơn vị xử lý không đạt tiêu chuẩn, thậm chí không xử lý (cả chất thải nguy hại), gây ra những hậu quả khôn lường đối với môi trường và đời sống dân sinh. Đối với vấn đề khí thải, các báo cáo giám sát môi trường gửi các cơ quan chức năng cho thấy, các thông số ô nhiễm khí thải đều xác định đã đạt tiêu chuẩn/quy chuẩn quốc gia. Tuy nhiên, thực tế các đợt thanh tra, kiểm tra cho thấy, những kết quả trái ngược, nhiều DN đã có những hành vi vi phạm các quy định bảo vệ môi trường không khí, xả khí thải vượt tiêu chuẩn cho phép 2-5 lần. Cụ thể là KCN Hiệp Phước, Vĩnh Lộc, Tân Tạo, Linh Trung... tại TP. Hồ Chí Minh; KCN Mỹ Xuân A2, Phú Mỹ I tại Bà Rịa – Vũng Tàu... Làng nghề: Tùy tiện xả thải Theo một thống kê, đến cuối năm 2010 Việt Nam có khoảng 2.100 làng nghề. Không nhiều chất thải như các KKT, KCN nhưng việc thải bỏ không đúng cách và tùy tiện (phổ biến là không qua xử lý) tại các làng nghề dẫn đến mất mỹ quan, văn hóa và gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Kết quả khảo sát 52 làng nghề, theo đề án kiểm soát ô nhiễm môi trường làng nghề năm 2006 của Cục Bảo vệ môi trường cho thấy, 46% làng nghề bị ô nhiễm nặng, 27% bị ô nhiễm vừa, 27% ô nhiễm nhẹ. Chất lượng môi trường tại hầu hết khu vực sản xuất trong các làng nghề đều không đạt chuẩn. Các nguy cơ mà người lao động tiếp xúc khá cao: 95% người lao động có nguy cơ tiếp xúc với khói bụi, 85,9% tiếp xúc với nhiệt, 59,6% tiếp xúc với hóa chất. Vấn đề nổi cộm của ô nhiễm môi trường làng nghề là khí thải, nước thải và chất thải rắn chưa được xử lý đã thải thẳng vào môi trường. Bên cạnh việc ảnh hưởng tới sức khỏe người dân, ô nhiễm môi trường làng nghề còn ảnh hưởng đến các vấn đề kinh tế - xã hội như làm tăng chi phí khám, chữa bệnh, giảm năng suất lao động, mất ngày công lao động do nghỉ ốm đau..., ảnh hưởng tới năng suất sản xuất nông nghiệp, giảm sức thu hút đối với du lịch dẫn đến thiệt hại về kinh tế. Để giải quyết triệt để vấn đề môi trường, cần thiết phải xây dựng và thực hiện đồng bộ các giải pháp, một lộ trình, kịch bản khẩn trương hợp lý. Bên cạnh đó đòi hỏi sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp, các ngành, sự quan tâm chỉ đạo mạnh mẽ từ Quốc hội và Chính phủ. Ngọc Ước

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=28956&menu=1504&style=1