Ô nhiễm môi trường biển từ phát triển kinh tế thủy sản

(ĐCSVN) - Phát triển kinh tế thủy sản đang gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường biển. Hàng năm môi trường biển phải tiếp nhận một lượng rất lớn chất thải, thức ăn thừa chưa qua xử lý từ các các cơ sở nuôi trồng thủy sản, cùng sinh hoạt thiếu ý thức của con người. Nạn ô nhiễm từ chế biến thủy sản đã góp phần không nhỏ trong việc tạo nên tình trạng ô nhiễm môi trường ở khu vực.

Một thực trạng đang xảy ra với các cơ sở nuôi trồng thủy sản là hiện tượng thức ăn nuôi trồng thủy sản gây ô nhiễm. Do thiếu quy hoạch và ý thức về môi trường, ở các doanh nghiệp và cá nhân, khu du lịch huyện đảo Cát Bà-Hải Phòng hiện có nghề nuôi cá lồng trên biển đang phát triển rất mạnh. Ô nhiễm môi trường biển ở khu vực này đang diễn biến hết sức phức tạp. Mỗi ngày ở những ô lồng nuôi cá giò, người nuôi đã đưa xuống vịnh Bến Bèo một lượng thức ăn nuôi cá gồm hàng chục tấn các loại. Lượng thức ăn này một phần do cá ăn không hết, hoặc lọt qua lưới rơi xuống đáy biển, trôi sang khu vực biển gần đó. Mỗi bè lại có một kiểu cho cá ăn riêng. Các loại cá sống, cá chết được băm nhỏ dùng làm thức ăn, rồi tinh bột, rau tươi…Tất cả đều tống xuống hàng chục nghìn ô lồng. Việc khai thác hải sản thiếu khoa học đang là những tác nhân khiến biển Cát Bà mất đi vẻ đẹp và môi trường trong xanh, hữu tình. Ngư dân ở khu vực vịnh Bến Bèo cho biết, mùa sứa năm 2008, riêng xưởng chế biến trên đảo mỗi ngày có hàng trăm tàu thuyền ra vào cung ứng sứa nguyên liệu. Trong quá trình sản xuất, xưởng chế biến sứa này đã thải ra biển toàn bộ lượng nước thải, bao gồm cả hóa chất, phèn chua muối sứa xuống biển. Nghiêm trọng hơn, trong khi chế biến, sứa chỉ được cắt lấy đầu. Còn phần thân vứt xuống biển, khiến một phần vùng biển Cát Bà nhất là khu vực Bến Bèo nước biển bị ô nhiễm nặng chuyển sang màu đen đục, bốc mùi hôi rất khó chịu...gây ảnh hưởng xấu đến quần thể du lịch vùng biển Cát Bà. Tình trạng nuôi trồng thủy sản gây ô nhiễm còn diễn ra tại một số vùng biển như Từ Nham, Vịnh Hòa, Bãi Ngà, Hội Sơn, Nhơn Hội, Long Thủy, Sông Cầu... dọc theo bờ biển có hàng chục nghìn lồng nuôi tôm hùm, cá mú, ốc hương. Thức ăn để nuôi sống thủy sản chủ yếu là thức ăn sống. Những thức ăn này được đổ trực tiếp xuống biển và ít nhất 15% lượng thức ăn dư thừa là một tác nhân nguy hiểm gây ô nhiễm. Khu vực đồng bằng sông Cửu long cũng bị ảnh hưởng nhiều do tình trạng này. Theo báo cáo của Công ty TNHH Xử lý chất thải công nghiệp và tư vấn môi trường Văn Lang chỉ có hơn 100 trên tổng số 400 cơ sở, nhà máy chế biến thủy sản có đầu tư hệ thống xử lý nước thải, trong đó chỉ khoảng 50 cơ sở có hệ thống xử lý đạt yêu cầu. Theo số liệu quan trắc của Viện Nước và Công nghệ Môi trường tại sông Tiền đoạn thuộc địa phận tỉnh An Giang, hàm lượng BOD đã ở mức 5 miligam/lít, SS là 400 miligam/lít... Nguyên nhân gây ra tình trạng ô nhiễm này là ý thức chấp hành của các cá nhân, tổ chức làm kinh tế thủy sản ở biển còn thiếu, vấn đề quy hoạch biển cấp quốc gia, vùng, địa phương cũng còn yếu về số lượng và kém về chất lượng. Để bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp cần có sự phối hợp đồng bộ của các cơ quan, các nhà chuyên môn, ban, ngành, Bộ Tài nguyên&Môi trường và Bộ Nông nghiệp&Phát triển Nông thôn cần có được sự phối hợp quản lý, có chế tài giữa nuôi trồng thủy sản và bảo vệ môi trường từ đó có giải pháp hợp lý để bảo vệ môi trường tại các vùng biển./..

Nguồn ĐCSVN: http://www.cpv.org.vn/cpv/modules/news/newsdetail.aspx?cn_id=366787&co_id=30087