Ở Nhật, mọi thứ đều tạo nên âm thanh (Phần 2)

Cuộc trao đổi với Gaspard Kuentz và Noa Garcia

Bộ phim We Don’t Care About Music Anyway

TOC: Vậy nói cách khác, họ cũng không bận tâm đến chính trị?

NG: Theo cá nhân tôi, khía cạnh này quan trọng với chúng tôi hơn với họ.

GK: Và không nghệ sĩ nào trong bộ phim tuyên bố họ không quan tâm đến âm nhạc cả. Chúng tôi chọn cái tên này, một số thì thích nó, số khác thì không. Họ không phải là những nhà hoạt động, điều đó đương nhiên, nhưng nói như thế không có nghĩa là họ không màng đến chính trị. Tôi cho rằng tất cả bọn họ đều để tâm đến chính trị theo một cách nào đó, đặc biệt là vào thời điểm hiện nay.

NG: Đúng thế.

GK: Và tôi cho rằng một khi đã quyết định kiếm sống bằng nhạc thể nghiệm ở giữa một xã hội như nước Nhật, đó là một chọn lựa mang tính phản kháng.

NG: Đó là một hình thức phản kháng rất cấp tiến, nhưng với đám đông, đấy là sự tự do làm theo điều mình muốn.

GK: Tôi chỉ muốn nói thêm rằng có lẽ bộ phim có nhiều chi tiết mang tính chính trị trong nó hơn bản thân thứ âm nhạc mà nó phản ánh, tôi vẫn không nghĩ đấy là một bộ phim có chất phản kháng nếu xét cho cùng. Nó có những sắc thái bình luận xã hội, nhưng rốt cuộc nó vẫn thiên về âm nhạc và tác động hữu hình của âm thanh đến với người nghe.

TOC: Đúng vậy. Ngoài các phần biểu diễn trong phim ra, chúng tôi còn được nghe thấy rất nhiều âm thanh khác nhau của chính thành phố Tokyo. Các anh làm sao để quyết định chọn âm thanh nào, hay đấy chỉ là sự “ngẫu hứng” không chọn lọc?

NG: Trước hết, Tokyo là một thành phố của âm thanh. Mọi cỗ máy đều có một âm thanh nhân tạo thu sẵn đưa ra chỉ dẫn sử dụng; mỗi nhà ga đều có một điệu nhạc báo hiệu đóng cửa tàu, đấy chỉ là một vài ví dụ. Chúng tôi quyết định ngay từ đầu, những ân thanh ấy sẽ là một phần quan trọng trong chất âm bộ phim, và muốn truyền tải những không gian ấy đến cho người xem. Tuy vậy, chúng tôi không thật sự chắc chắn sẽ sử dụng chúng như thế nào, nhưng biết rõ những âm thanh này sẽ là một phần không nhỏ trong footage tiếng của bộ phim. Hình dáng của nó gần như hoàn toàn do chọn lựa của nhà thiết kế âm thanh của Shaiprod, anh Jaike Stambach.

TOC: Hoàn toàn đồng ý với điều ngay, cho dù bản thân tôi vẫn chưa từng đặt chân đến nước Nhật hay Tokyo trước đây. Các anh có nghĩ rằng điều này cũng khiến cho người sống ở Tokyo có sẵn thiên hướng nghiện âm thanh, một cách trực tiếp hay gián tiếp không? Ý tôi muốn nói là, đấy quả là một môi trường lý tưởng để chuyển hóa bất cứ thứ gì để nó trở thành một bản thể độc nhất. Trước đây, tôi đã từng có dịp làm việc chung với một số người Nhật luống tuổi, độ tuổi mà theo thông lệ có thể họ sẽ nghe những âm thanh du dương êm ái. Một lần về trễ và ở lại văn phòng, tôi phát hiện ra họ cũng thưởng thức đủ các thể loại, dòng nhạc khác nhau, trong đó có cả những loại mà đa phần sẽ cho là không phù hợp với những người ở độ tuổi của họ.

NG: Các bạn vừa đưa ra một điểm rất thú vị. Sự thật là tác động của rừng âm thanh điện tử và tiếng động mọi lúc mọi nơi là vô cùng to lớn và tôi hình dung đây là một trong những thứ có thể gây sốc cho bất kỳ ai lần đầu đặt chân đến Nhật Bản, nhưng chính chúng tôi cũng thấy ngạc nhiên khi nhận thấy những nghệ sĩ trong phim chẳng có một tí quan tâm nào đến những âm thanh ấy. Kiểu như họ là một phần khắng khít của tổng thế ấy, chứ không giống như cách chúng tôi/ta vẫn hình dung.

GK: Về việc sử dụng âm quyển thành phố trong phim, tôi cũng muốn thêm là đấy chính là một trong những nguyên nhân mà chúng tôi yêu cầu các nghệ sĩ chơi ở không gian ngoài trời, hay chí ít là những không gian họ chưa từng trình diễn qua. Đấy là một cách để khiến họ biến tấu với chính không gian ấy, cũng như với âm thanh nơi đó (tiếng máy bay, tiếng máy móc..)

NG: À, tôi còn một điều nữa chưa nói..

GK: Cậu nói đi

NG: Tôi muốn nói thêm về quá trình thu âm thực tế và biên tập chúng. Đây là phần do Jaike Stambach đảm nhiệm, nhưng chính chúng tôi muốn âm thanh của bộ phim phải được biên tập sao cho người ta có thể nghe nó một cách riêng lẻ mà không cần nhìn vào phần hình ảnh. Mong muốn tạo ra một “tổ hợp liên tiếp” này dẫn chúng tôi đến tác phẩm mà chúng ta nghe thấy và Jaike chính là kiến trúc sư của công trình ấy. Có cả những sáng tác của chính anh trong phim, hầu hết lấy từ chính những lần thu âm thực tế trong lúc quay tại Nhật.

Chúng tôi tìm cách thu thập thật nhiều tư liệu âm thanh mà không áp dụng một mục tiêu hay phương cách nào cả. Chúng tôi thu vào gần như mọi thứ xung quanh bởi ở Nhật cái gì của tạo nên âm thanh cả. Anh ấy đã lọc chúng lại khi làm việc trong phòng thu ở Paris. Anh ấy chính là người đứng sau bản sắc âm thanh của bộ phim và là người không thể phù hợp hơn cho vị trí này. Tất cả các nghệ sĩ trong phim đều khá thận trọng về âm nhạc của họ.

GK: Anh ấy (Jaike) cũng phối lại âm thanh của phim thành một đĩa CD soundtrack, và các nghệ sĩ đều rất hài lòng.

NG: Khi nghe thấy thành quả ấy.

TOC: Về những địa điểm quay, tôi cũng muốn hỏi các anh về một số nơi được quay trong phim. Chẳng hạn mái vòm khổng lồ nơi Numb & Saidrum biểu diễn, với các cánh vòm phía trên. Phải thừa nhận trông nó rất có dáng dấp vị lai.

GK: Đúng thế, nơi này đã được dùng đi dùng lại trong các bộ phim siêu anh hùng theo kiểu Power Rangers. Đấy là một bể nước mưa khổng lồ chứa cho toàn bộ khu vực Tokyo. Cao 80 thước. Thật sự chúng tôi đã có hình ảnh “tận thế” trong đầu khi chọn quay không gian ấy. Ý tưởng đó là chọn ra những nơi bị xã hội bỏ rơi hay phó mặc, chẳng hạn những bãi phế liệu công nghiệp hay bãi rác. Chúng tôi muốn sử dụng những hình ảnh này để tạo sự tương phản với bề mặt hào nhoáng của thành phố Tokyo.

TOC: Và những nơi ấy kỳ thực đã mang đến một cái gì đó mới mẻ cho phần trình diễn, khác với những địa điểm trình diễn quen thuộc của họ, phải không?

GK: Chắc chắn là thế. Chúng tôi trao đổi với các nghệ sĩ trước khi chọn chỗ quay và tìm kiếm khá công phu để bảo đảm nơi ấy có thể sản sinh một cái gì đó thú vị xét về mặt âm nhạc. Chẳng hạn Yamakawa Fuyuki muốn chơi trong một cái hang, bởi anh ấy có hình ảnh về những người tiền sử phát hiện ra việc ca hát trong hang động, kiểu thế.

Tôi phải thừa nhận một số nơi vẫn chưa phải là tối ưu để tạo ra âm thanh, nhưng chúng tôi luôn cố gắng sao cho các nghệ sĩ thật sự phát huy được chính mình; tất cả các trình diễn đều được ghi trực tiếp, không biên tập hay kỹ xảo. Tất cả những biểu cảm âm nhạc bạn thấy trên phim đều đúng thực với âm thanh tạo ra. Với chúng tôi điều ấy rất quan trọng bởi chúng tôi tin rằng đấy là thứ âm nhạc có tính trình diễn: mọi thứ nằm trong biểu cảm và trong âm thanh có được từ hình thức biểu cảm ấy.

TOC: Câu hỏi cuối cùng của tôi, ngày nay mọi thứ ở bối cảnh ấy đã ra sao? Nó vẫn phát triển và mở rộng chứ?

GK: Với riêng tôi thì trước kia nó hoạt động hơn ngày nay, hay đúng hơn là trước khi chúng tôi quay. Rất nhiều club đã đóng cửa, và càng lúc càng khó sống bằng âm nhạc chủ yếu bởi các nguyên nhân kinh tế. Nhưng những nghệ sĩ vẫn rất tích cực và do đó nhìn chung cũng không đến nỗi quá bi đát.

TOC: Tôi cho rằng đấy là tình hình chung ở khắp mọi nơi.

GK: Đúng vậy. Nhưng còn rất nhiều nghệ sĩ tài năng khác tại Nhật và bộ phim thì chỉ giới thiệu 8 gương mặt.

NG: Gần một năm trước, ngay sau trận động đất Tohoku, chúng tôi lưu diễn Châu Âu cùng với các nghệ sĩ trong phim, sau khi Otomo và Yamakawa không tham gia, bởi cuộc động đất ấy. Đấy cũng là tour diễn sau cùng của Umi no yeah!!!, cả 2 đã tách ra. Numb & Saidrum không chơi cùng với nhau nữa. L?K?O đã sang Thái Lan.

GK: Có nghĩa là anh ấy dễ có khả năng trình diễn ở Việt Nam hơn!

TOC: Tôi nghĩ như thế, với những gì đã diễn ra sau bộ phim có lẽ sẽ có gì đó đặc biệt hơn? Giống như một snapshot của giai đoạn mà ngày nay đã ít nhiều thay đổi.

GK: Đúng thế. Nhiều người ở Châu Âu còn trông thấy hình ảnh về cơn sóng thần trong cảnh quay bãi biển trong phim, cho dù bộ phim hoàn tất từ năm 2009 và không liên quan gì đến tai ương ấy.

NG: Nhưng vẫn còn nhiều nghệ sĩ rất tích cực hoạt động, nếu không muốn nói là tất cả các nghệ sĩ trong phim, ngoại trừ Shimazaki Tomoko, vẫn còn đang biểu diễn.

TOC: Tôi hy vọng mọi thứ sẽ sáng sủa hơn cho bối cảnh nghệ thuật và những nghệ sĩ ở Tokyo.

NG: Cám ơn các bạn đã dành ra công sức công chiếu bộ phim tại Việt Nam. Chúng tôi rất cảm kích.

GK: Và tôi cũng hy vọng một lúc nào đó có các nghệ sĩ Nhật đến diễn tại Việt Nam. Tôi chắc chắn họ sẽ rất vui và sẵn lòng.

TOC: Tôi cũng hy vọng như thế. Lý tưởng nhất, chúng tôi muốn có thể mời một số nghệ sĩ trong phim đến diễn Việt Nam trong các buổi chiếu, nhưng về mặt tài chính điều ấy vô cùng khó khăn.

GK: Hiểu chứ. Bộ phim WDC cũng được thực hiện trong ngân sách rất eo hẹp.

TOC: Các anh mất hết bao lâu để hoàn tất dự án?

GK: Từ lúc ra ý tưởng đến lúc hoàn thành là 2 năm rưỡi, nhưng chắc chắn khi tài chính dồi dào hơn thì tiến độ sẽ nhanh hơn!

TOC: Xin cảm ơn các anh đã dành thời gian trả lời các câu hỏi. Xin chào và hẹn gặp lại.

NG: Xin chào!

GK: Xin chào!

NB

---------------------------------------------------------------------------

Thông tin thêm về Onion Cellar

The Onion Cellar hướng đến việc giới thiệu và mang những dòng nhạc cũng như các nghệ sĩ, từ khắp nơi trên thế giới, trở nên gần gũi với công chúng trong nước hơn nữa, thông qua hoạt động trình chiếu phim điện ảnh/tài liệu âm nhạc, và theo sau là các bộ phim tiểu sử về cuộc đời của những tên tuổi nổi tiếng trong làng âm nhạc thế giới đã có công hình thành nên thế giới đại chúng của chúng ta ngày nay.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng nỗ lực hết sức mình trong quỹ thời gian và kinh phí hạn hẹp, song song với việc tìm kiếm nguồn hỗ trợ quý báu từ các cá nhân, tổ chức có cùng tầm nhìn để khuyến khích hoạt động trao đổi văn hóa giữa những người bạn quốc tế và cộng đồng những người có chung đam mê và tầm nhìn với họ tại Việt Nam.

Cuối cùng, nhưng cũng không kém phần quan trọng, đó là chúng tôi, những người có lòng với âm nhạc, mong muốn truyền ngọn lửa đam mê đến những bạn trẻ có cùng “chí hướng” với chúng tôi, đặc biệt là những người có nhiều khả năng hơn.

Đây là một dự án hợp tác của một thành viên M!osaic

Liên hệ: onioncellarproject@gmail.com

Nguồn M-Mosaic: http://m-mosaic.com/tin-tuc/o-nhat-moi-thu-deu-tao-nen-am-thanh-phan-2