Ở Mỹ, cố tình xâm nhập hiện trường vụ án có thể bị phạt tù

Tại nước ngoài, hiện trường vụ án được bảo vệ rất nghiêm ngặt. Khi đã xác định khu vực được coi là hiện trường vụ án, cảnh sát sẽ áp dụng nhiều biện pháp nhằm bảo vệ toàn vẹn hiện trường, bởi việc xâm nhập sẽ gây khó khăn, cản trở hoạt động điều tra, ảnh hưởng đến việc xác định dấu vết tội phạm.

Phóng viên được khuyến cáo không xâm nhập hiện trường vụ án khi chưa có sự cho phép của cảnh sát

Chỉ có những người có trách nhiệm mới được phép tiếp cận hiện trường vụ án như cảnh sát hay bác sĩ pháp y, bởi vì những bằng chứng dù nhỏ nhất như một đầu mẩu thuốc lá, dấu vân tay hay vết máu… cũng có thể liên quan tới tội phạm.

Điều quan trọng nhất đối với công tác bảo vệ hiện trường là không cho người dân và phóng viên tiếp cận quá gần. Biện pháp này không chỉ giúp duy trì hiện trường ở trạng thái ban đầu, mà còn giúp giữ kín các chi tiết quan trọng của vụ án. Quá nhiều thông tin bị lọt ra ngoài có thể ảnh hưởng đến tiến trìnhđiều tra và cũng có thể dẫn đến các cuộc gọi hoang báo gây chệnh hướng điều tra.

Khi xảy ra vụ án, các phóng viên thường có mặt rất nhanh và mong muốn tiếp cận hiện trường để cung cấp thông tin nhanh nhất tới độc giả. Tuy nhiên, tại Los Angeles (Mỹ) hay một số vùng ở Anh, phóng viên khi tác nghiệp tại hiện trường cần xuất trình giấy tờ hợp pháp.

Nhằm tạo điều kiện cho báo chí đưa tin chính xác về vụ án, cảnh sát sẽ thiết lập một khu vực tác nghiệp của báo chí và tạo điều kiện tối đa để phóng viên hoạt động tại đây. Sau đó, cảnh sát sẽ cử ra một sĩ quan thông tin để liên tục cập nhật tình hình kịp thời cho báo chí. Trong một số trường hợp để phục vụ quá trình điều tra hoặc vì lý do tư pháp, cảnh sát được quyền không công bố một số thông tin nhất định.

Nếu người dân hay phóng viên cố tình xâm nhập hiện trường vụ án, họ có thể bị bắt giữ hoặc bị phạt tù. Vụ bắt giữ một phóng viên tờbáo Fayetteville Observer ở Bắc Carolina của Mỹ hồi tháng 3-2004 là một ví dụ. Vào thời điểm đó, Robert Boyer, phóng viên chuyên viết về mảng tội phạm cho tờ báo, đã bị buộc tội chống lại một sĩ quan cảnh sát sau khi ông này sáu lần từ chối rời khỏi hiện trường vụ án, nơi một người đàn ông tử vong do bị đánh vào đầu.

Khi bị đưa ra tòa xét xử, luật sư bảo vệ cho Boyer cho rằng, cảnh sát đã vi phạm quy định khi không căng dây để ngăn không cho công chúng tiếp cận khu vực nơi xảy ra vụ án mạng. Tuy nhiên, trong vụ việc này, cảnh sát đã chặn lối vào hiện trường nhưng phóng viên trên vẫn cố tình phớt lờ. Ông này sau đó bị tòa án phạt 60 giờ lao động công ích.

Không chỉ Robert Boyer, một nhà báo tự do từng làm việc với Hãng ABC, CNN, Mary Moore cũng bị cảnh sát bắt giữ và bị tòa án thành phố Ferguson, bang Missouri (Mỹ) kết tội không tuân thủ yêu cầu và cản trở hoạt động của cảnh sát khi đưa tin về một vụ biểu tình hồi năm 2014. Cô này sau đó bị án treo.

Hồi năm 2015, cảnh sát bang Pennsylvania cũng kiện phóng viên Geraldine Gibbons của tờ Times Leader ra tòa sau khi cô này vượt qua khu vực cấm tại hiện trường một vụ nổ súng để chụp ảnh.

Trang mạng Rcfp.org (Reporters committee for freedom of the press) đã đưa ra một số lời khuyên cho các phóng viên khi tác nghiệp tại hiện trường vụ án. Trong đó có nhắc tới: mang theo thẻ hành nghề mọi lúc mọi nơi, không xâm nhập vào nơi riêng tư hoặc nơi có dây phong tỏa của cảnh sát, nếu cảnh sát đề nghị làm điều gì đó để phục vụ điều tra, thậm chí có vẻ cản trở công việc tác nghiệp thì cũng nên thực hiện.

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/the-gioi/o-my-co-tinh-xam-nhap-hien-truong-vu-an-co-the-bi-phat-tu/703156.antd