Ở một vùng đất, có một hồn thơ

Được đào tạo kỹ sư ngành giao thông vận tải, Trần Đỗ Liêm được biết đến như một nhà kinh tế khi từng bước đưa Hợp tác xã Rạch Gầm của Tiền Giang trở thành doanh nghiệp nổi tiếng.

Bây giờ, Trần Đỗ Liêm vẫn tay năm tay mười với chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Rạch Gầm nhiều ngành nghề, nhiều dịch vụ có vốn điều lệ ngàn tỷ đồng, nhưng ông vẫn không nguôi niềm đam mê văn chương!

Có ba biểu hiện để khẳng định sự say đắm chữ nghĩa của Trần Đỗ Liêm. Thứ nhất, ông biến căn biệt thực của mình thành Vườn thơ Hoa Mai chuyên tổ chức các cuộc gặp gỡ tiếng đàn dìu dặt tiếng thơ. Thứ hai, tác phẩm của ông liên tục xuất bản, cả thơ lẫn văn, có thể kể đến những cuốn sách như “Cho cau gặp trầu”, “Quê hương tình yêu” hoặc “Miệt vườn sông nước”. Thứ ba, Trần Đỗ Liêm dành nhiều tâm huyết để đọc và thẩm định văn chương của bạn bè, mà tập phê bình tiểu luận “Vùng đất, hồn thơ” chính là minh chứng thuyết phục nhất!

Bây giờ thơ văn in dễ dàng lắm. Muốn in một tập thơ hay một tập văn cực kỳ đơn giản. Chỉ cần có tiền, xin giấy phép xuất bản là có ngay tác phẩm vần điệu du dương, hoặc tác phẩm lời ngắn tình dài. Thế nhưng, để có một cuốn sách phê bình, tiểu luận thì không thể đùa chơi. Phải rất cẩn trọng, phải rất chịu khó và phải rất nhọc nhằn. Chỉ có người hết lòng với văn chương mới dám đeo đuổi lĩnh vực này. Bất ngờ thay, Trần Đỗ Liêm lại có “Vùng đất, hồn thơ”.

Chỉ gói ghém trong 100 trang sách, nhưng qua “Vùng đất, hồn thơ” vẫn thấy được tấm lòng của Trần Đỗ Liêm với văn chương xứ Tiền Giang. Ngoài những bài viết có tính tổng quan như “Đôi điều về thơ nữ Tiền Giang”, “Vùng đất nào hồn thơ đó” hoặc “Nhà thơ nổi tiếng nhờ con chữ”, Trần Đỗ Liêm còn tiếp cận trực diện với từng tác giả và từng tác phẩm một cách cụ thể như “Nghệ thuật – Bố cục xây dựng tính cách nhân vật sử dụng từ ngữ dẫn dắt độc giả trong truyện ngắn của nhà văn Lương Hiệu Vui” hoặc “Đối mặt thời gian” nhà thơ Trần Công Tùng còn dệt nhiều áng thơ hay đẹp nữa cho đời”.

Với “Vùng đất, hồn thơ”, Trần Đỗ Liêm không đặt nặng lý luận và trường phái, mà chủ yếu chia sẻ những rung động của chính mình. Ví dụ, bài “Dòng thơ chảy cùng dòng đời” viết về thơ Trần Thế Ngọc, bằng sự thẳng thắn Trần Đỗ Liêm bày tỏ: “Tiếc rằng chưa thấy thi sĩ quyết liệt say, quyết liệt đau. Điểm đỉnh của nỗi buồn, niềm đau cũng như hạnh phúc vẫn còn ở đâu đó cách xa vào cường độ, nhịp điệu…”.

“Vùng đất, hồn thơ” là tác phẩm phê bình, tiểu luận đầu tay của Trần Đỗ Liêm. Giữa bận bịu công việc một nhà quản lý kinh tế, vẫn có được những trang viết nghiêm ngắn như “Vùng đất, hồn thơ” đã là một thái độ vì văn chương, đáng trân trọng!

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/o-mot-vung-dat-co-mot-hon-tho-post181655.html