Ở đâu vay lãi suất trung hạn 7%, cố định suốt thời gian vay?

Mặc dù lãi suất đã giảm nhiều so với trước, song các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) vẫn khó tiếp cận vốn ngân hàng, vì thiếu tài sản đảm bảo. Trong khi đó, DNNVV không dễ vay tín chấp, mà nếu vay được thì lãi suất cao. Vì thế, DNNVV rất cần có cơ chế hỗ trợ như giảm thuế, giảm lãi vay...

Hỗ trợ phát triển DNNVV bằng nguồn vốn từ SMEDF

Thiếu tài sản thế chấp, tình hình tài chính không minh bạch, khó khăn chồng chất trước bối cảnh kinh tế khó khăn…, khiến DNNVV vốn đã khó tiếp cận ngân hàng lại càng khó hơn khi gõ cửa nhà băng, dù cầu vốn tăng.

Thực tế, các DNNVV khó tiếp cận vốn vay, ngoài nợ xấu tăng và hết tài sản đảm bảo, một phần còn do tăng trưởng tín dụng bị hạn chế trong những năm gần đây, đặc biệt là với nguồn vốn trung và dài hạn. Tất nhiên, DNNVV cũng có những hạn chế riêng và không phải doanh nghiệp nào cũng có đủ điều kiện để đáp ứng tiêu chí cho vay của ngân hàng. TS. Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh ngân hàng thừa vốn, doanh nghiệp đói vốn hiện nay, cần có chính sách hỗ trợ để giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, nhất là với các DNNVV.

HDBank là ngân hàng thương mại cổ phần đầu tiên được lựa chọn để giải ngân vốn ODA.

Nắm bắt được xu hướng đó, Ngân hàng TMCP Phát triển nhà TP.HCM (HDBank) và một số ngân hàng đã có những giải pháp để khơi thông dòng chảy tín dụng cho khách hàng là các DNNVV. Trong khi DNNVV được cho là rất khó tiếp cận vốn thì lại có những dòng vốn hỗ trợ lãi suất ưu đãi đang tích cực tìm doanh nghiệp để cho vay. Điển hình là dòng vốn từ Quỹ Phát triển DNNVV (SMEDF), đang được ủy thác qua 3 ngân hàng: Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và HDBank.

Tại Hội thảo "Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn trong và ngoài nước" vừa được Tạp chí Tài chính Doanh nghiệp (Bộ Tài chính), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh Cần Thơ, SMEDF và HDBank phối hợp tổ chức tại Cần Thơ, ông Phạm Quốc Thanh, Phó tổng giám đốc HDBank cho biết: “HDBank ưu đãi lãi vay 7% cho doanh nghiệp trong suốt thời gian vay”.

Cũng theo ông Thanh, HDBank sẽ là ngân hàng nhận ủy thác từ SMEDF hỗ trợ tài chính cho DNNVV nhằm cải tiến công nghệ, máy móc, thiết bị, nâng cao khả năng cạnh tranh, tăng thu nhập, tạo việc làm cho người lao động, tạo động lực phát triển kinh tế.

Cụ thể, đối tượng doanh nghiệp thuộc các nhóm: DNNVV đổi mới sáng tạo; DNNVV tham gia chuỗi sản xuất, chế biến và bảo quản nông - lâm - thủy sản; DNNVV sản xuất sản phẩm công nghiệp phụ trợ cho ngành điện tử và cơ khí; DNNVV trong ngành hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải sẽ được hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn trung và dài hạn với lãi suất ưu đãi chỉ định từ SMEDF. Lợi ích của DNNVV khi tham gia là có thể vay tối đa 80% vốn đầu tư dự án , phương án sản xuất - kinh doanh; tài sản bảo đảm hình thành từ vốn vay hoặc tài sản có sẵn; lãi suất trung và dài hạn cố định ở mức 7% trong suốt thời gian vay và được miễn phí trả nợ trước hạn.

Giúp DNNVV nâng cao năng lực cạnh tranh

Theo Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), DNNVV hiện chiếm đến 98% tổng số doanh nghiệp trên cả nước, đóng góp 45% GDP, 33% tổng thu ngân sách nhà nước, giải quyết 62% nhu cầu việc làm. Tuy nhiên, DNNVV gặp không ít hạn chế, khó khăn, như quy mô nhỏ, thiếu nhân lực, thiếu vốn đầu tư sản xuất - kinh doanh, khó tiếp cận vốn, công tác quản trị còn nhiều hạn chế... Để nâng cao năng lực cạnh tranh, khai thác tiềm năng phát triển và trở thành động lực của nền kinh tế, DNNVV rất cần vốn để đầu tư công nghệ, đổi mới sáng tạo, tạo động lực cho tăng trưởng cao. Riêng khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có hơn 60.000 doanh nghiệp, nhưng hầu hết là DNNVV và đang thiếu vốn sản xuất - kinh doanh. Bởi vậy, sự hỗ trợ của SMEDF sẽ giúp DNNVV thúc đẩy sản xuất - kinh doanh trong nước và hội nhập quốc tế.

Trên thực tế, đây không phải lần đầu tiên, HDBank tham gia các chương trình như vậy. HDBank có kinh nghiệm và đã từng được Bộ Tài chính tin tưởng lựa chọn để giải ngân vốn ODA - nguồn vốn đòi hỏi cao về thẩm định chất lượng và chịu sự giám sát chặt chẽ từ phía các tổ chức quốc tế đã viện trợ. Có thể nói, HDBank là ngân hàng thương mại cổ phần tiên phong hợp tác cùng Nhà nước thúc đẩy vốn ODA đến các dự án - phá vỡ yếu tố “địa hạt” xưa nay chỉ dành cho phân bổ, ủy thác trong hệ thống ngân hàng nhà nước.

Sự có mặt của HDBank khiến các DNNVV yên tâm và có độ tin cậy cao hơn về khả năng tiếp cận vốn từ SMEDF, bởi 2 ngân hàng đầu ngành lớn xưa nay gần như “mặc định” dành vốn cho doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp xuất khẩu.

Bên cạnh hạn mức vốn mà các DNNVV được vay tối đa là 30 tỷ đồng từ SMEDF, doanh nghiệp có thể tăng thêm hạn mức từ nguồn vốn của HDBank để phục vụ các dự án kinh doanh lớn hơn và doanh nghiệp có thể vay với thời hạn ngắn, trung hạn (riêng thời gian vay trung và dài hạn có thể lên tới 7-10 năm). Đặc biệt, SMEDF mới đi vào hoạt động, nên nguồn tài chính rất dồi dào và đây chính là cơ hội cho các DNNVV tiếp cận vốn.

Trao đổi bên lề một cuộc hội thảo tại TP.HCM, bà Hoàng Thị Hồng, Giám đốc SMEDF cũng cho biết, 3 ngân hàng được ủy thác nói trên chịu trách nhiệm thẩm định hồ sơ vay vốn của các doanh nghiệp từ SMEDF chuyển xuống cũng như thực hiện giải ngân, theo dõi các khoản nợ… với các hồ sơ đạt yêu cầu. Các ngân hàng ủy thác cũng là đầu mối tiếp nhận hồ sơ vay vốn của các doanh nghiệp.

Cũng theo bà Hồng, việc lựa chọn 3 ngân hàng trên dựa trên các tiêu chí về khả năng thanh khoản, uy tín…, và quan trọng nhất là mức độ sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp bởi ngân hàng phải “hy sinh” một số quyền lợi khi tham gia cùng SMEDF. “Có thể trong thời gian tới, SMEDF sẽ mở rộng số lượng ngân hàng, bởi mục tiêu của Quỹ là tạo vốn mồi, thu hút ngân hàng tham gia và tiến tới sẽ sử dụng vốn của ngân hàng, chứ không phải từ ngân sách như hiện nay. Điều này cũng giúp thay đổi khẩu vị rủi ro của các ngân hàng, hướng nhiều hơn đến DNNVV, thay vì thích cho doanh nghiệp lớn vay”, bà Hồng nói.

Vân Linh

Nguồn Đầu Tư: http://baodautu.vn/o-dau-vay-lai-suat-trung-han-7-co-dinh-suot-thoi-gian-vay-d53095.html