Ổ cắm điện và câu chuyện giáo dục

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội nghị

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội nghị

(GD&TĐ) – Sáng nay 28/12, tại Hà Nội, dự và chủ trì Hội nghị Quán triệt Nghị quyết T.Ư 8, khóa XI và Tổng kết năm học 2012- 2013 các trường ĐH, CĐ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có bài phát biểu rất chân thành và chia sẻ khiến toàn thể Hội nghị chú ý.

Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam mang theo một ổ cắm điện chuyển đổi trong một chiếc túi nhỏ. Ông hồi tưởng trước đây đi nước ngoài cắm bàn là có khi làm chập điện cả khách sạn. Giờ Việt Nam đã có ổ cắm chuyển đổi đa năng của Điện Quang, có thể mang đi đâu cũng thuận tiện.

Phó Thủ tướng cũng luôn mang theo USB, để có thể làm việc, tải tài liệu từ máy tính mọi lúc mọi nơi. Ông chân tình chia sẻ: Ta đã cởi mở hết, và khi vào hệ thống của ta sẽ thấy đủ, cả những dây điện của ngày xưa, cả hệ thống hiện đại hôm nay.

Trong hệ thống giáo dục, nhất là giáo dục đại học, cần phải đi vào chuẩn theo hướng quốc tế, hướng tới nó với tinh thần quyết liệt, nhanh nhất có thể; hướng tới lợi ích lớn lao của đất nước. Chậm không có nghĩa là chắc chắn, khẩn trương chưa chắc là ẩu. Xách một xô nước bình thường không khó, nhưng xách để đuổi theo người khác thì khó hơn, nhưng chắc chắn phải làm được.

Theo Phó Thủ tướng, khó nhất là hiện nay xem hiện trạng ta đang ở đâu, mạnh gì, yếu gì. Ngay chỉ một chuyện nhỏ như tên của các trường ĐH bằng tiếng Anh cũng cần lưu ý, nghiêm khắc ngay từ đầu, bởi có những việc nhỏ nhưng nểu không sửa đổi thì hậu quả sẽ rất lớn.

Đổi mới căn bản và toàn diện GD&ĐT là tất yếu

Phó Thủ tướng đánh giá cao báo cáo tổng kết năm học khối ĐH, CĐ của Bộ GD&ĐT với nhiều công việc đã thực hiện phù hợp và đúng với tinh thần của Nghị quyết T.Ư 8. Đổi mới căn bản và toàn diện không phải là xóa hết đi làm lại, nhưng có những cái không còn phù hợp với yêu cầu phát triển mới cần được mạnh dạn thay đổi.

Giáo dục liên quan đến tất cả mọi người, một đổi mới, thay đổi không phù hợp liên quan đến cả một đời người, cộng lại liên quan đến tương lai của cả một dân tộc. Nên những đổi mới căn bản và toàn diện GD&ĐT cần làm hết sức trí tuệ, bình tĩnh.

Đất nước hội nhập, phát triển, giữ vững được sự ổn định về mọi mặt trong cục diện thế giới là một thành công lớn của Việt Nam. Tự hào vì trong diễn đàn quốc tế, vị thế của Việt Nam vươn lên, không đơn thuần vì một bài phát biểu hay, một hành động ngoại giao đúng chỗ, mà là năng lực, sức mạnh thật sự của Việt Nam.

Phó Thủ tướng phân tích: Tuy nhiên, nhìn lại bản thân, ta vẫn còn thua kém một số quốc gia trong khu vực, đặc biệt trong giáo dục. Bởi vậy, không cách nào khác, giáo dục đào tạo cần quyết liệt, đi trước một bước. Trong đó, giáo dục ĐH mang lại nhiều kỳ vọng nhất.

Đối tượng của giáo dục sát với đầu ra của xã hội nhất, làm sao để các trường đại học, cao đẳng đào tạo cử nhân, thạc sỹ ra trường có việc làm ngay, được doanh nghiệp trong và ngoài nươc chấp nhận. Hiện tính nhân lực chưa được đào tạo là gần 50%, số người đào tạo ĐH, CĐ cũng còn thấp. Nhưng theo số liệu báo cáo hiện nay, khoảng 30% sinh ra trường chưa xin được việc làm. Như vậy, chất lượng, số lượng nguồn nhân lực đều đang có vấn đề.

Chúng ta phải trở thành công dân toàn cầu. Và không có cách nào khác, phải đổi mới. Từ đổi mới nghe quen, nhưng phải thay đổi thực sự căn bản, từ nhận thức, cơ cấu, chương trình, phương pháp, kiểm định… Các hành lang, luật định đã có đủ với Nghị quyết Trung ương, Luật, Nghị định phân cấp… nhưng dường như ta vẫn cảm thấy có gì đó cái nọ níu cái kia, chưa vượt ra được – Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhận định.

Thi cử là khâu đột phá – Nhận thức đúng của ngành Giáo dục

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ GD&ĐT đề ra thi là khâu đột phá là nhận thức đúng đắn, chính xác. Ngành Giáo dục cần làm đồng bộ tất cả các khâu, nhưng chọn thi cử vì đây là khâu bức xúc, có tác dụng lan tỏa đến toàn hệ thống và có tác động ngược lại đến cách dạy – học.

Nhưng trên hết Giáo dục nói chung cần tạo ra được đội ngũ lao động có kiến thức chuyên môn, có kỹ năng sống trước hết làm công dân tốt, sau đó là phục vụ, cống hiến cho xã hội, gia đình, bản thân…

Phó Thủ tướng chỉ đạo: Cùng với thi cử, phải đột phá đổi mới quản lý giáo dục và trước hết ngay từ Bộ GD&ĐT. Đề nghị các nhà trường và toàn xã hội ủng hộ để Bộ GD&ĐT đổi mới đúng nghĩa là cơ quan quản lý Nhà nước. Bước đột phá này có thuận lợi là đã có các Nghị quyết, có luật, có các Nghị định đang trong quá trình hoàn thiện. Dư luận nói chung trông chờ và ủng hộ Bộ GD&ĐT đổi mới.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng nêu rõ: Bộ GD&ĐT đang sẵn sàng đổi mới. Nhưng áp lực không chỉ dồn về phía Bộ GD&ĐT mà các nhà trường cũng sẽ có những tác động nhất định từ sự đổi mới này.

Với chương trình, hiện đang rất thuận lợi, nhiều tổ chức nước ngoài, trường học sẵn sàng liên kết, chia sẻ tri thức với ta. Vậy quản lý phải đổi mới để đón nhận được những điều này. Mong làm sao nhiều sinh viên khi vào trường đại học thực sự được trang bị đầy đủ hành trang cần thiết để sau này tốt nghiệp hội nhập ngay vào thị trường lao động, không chỉ của Việt Nam và cả thị trường lao động quốc tế.

Đổi mới tuyển sinh ĐH - vấn đề liên quan đến mọi gia đình, Bộ GD&ĐT cần lắng nghe, bàn thảo kỹ, sau khi thống nhất cần có sự tuyên truyền rộng rãi. Ta đổi mới nhưng không để sinh viên bị thiệt thòi – Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.

Gia Hân

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/channel/2741/201312/o-cam-dien-va-cau-chuyen-giao-duc-1977597/