NYTimes: Dù Trump hay Clinton đắc cử, Mỹ-Nga vẫn khó hòa hợp

Ứng viên Donald Trump luôn hết lời ca ngợi Tổng thống Putin với mong muốn hai nước có thể cải thiện mối quan hệ. Lí do vì đâu Nga-Mỹ xa cách suốt nhiều thập kỷ?

Giới phân tích chính trị của tờ NY Times (Mỹ) nhận định rằng không có lý do gì Nga - Mỹ không thể "hòa hợp" hơn trong mối quan hệ ngoại giao cũng như nhiều lĩnh vực và đổ lỗi cho sự tan vỡ mối quan hệ này là mấu chốt chỉ ở phía các nhà lãnh đạo Nga.

Nhớ lại những ngày đầu hai nước còn "mặn nồng", Mỹ và Liên Xô cũ đã ký kết nhiều thỏa thuận cắt giảm vũ khí sâu rộng nhất trong lịch sử. Ở thời Tổng thống đầu tiên của Nga, ông Boris Yeltsin, Moscow đã bước vào nhóm G8 (8 quốc gia công nghiệp hàng đầu thế giới) với sự hỗ trợ của Washington. Khi ấy, Mỹ còn gia nhập lực lượng gìn giữ hòa bình và cung cấp viện trợ cho các nền kinh tế Nga.

Nhưng sau khi Tổng thống Putin nhậm chức năm 2000, mối quan hệ hai bên bắt đầu "lục đục" với nhiều căng thẳng trong vấn đề mở rộng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương NATO và cuộc chiến tranh xâm lược Iraq của Mỹ.

Khi ông Putin trở lại chức Tổng thống vào năm 2012, hợp tác giữa Nga - Mỹ lại kết thúc nhưng không phải do phía Mỹ mà bắt nguồn từ những quyết định của nhà lãnh đạo Nga.

Năm 2013, việc cựu nhân viên CIA Edward Snowden bất ngờ đến Nga trong thời gian bị truy nã đã phần nào ảnh hưởng đến mối quan hệ hai nước. Phía Mỹ cho rằng Nga có can dự vào kế hoạch của Snowden khi công bố mọi thông tin mật từ chính phủ nước này. Vụ việc năm ấy vẫn để "đọng" lại nhiều nghi ngờ về vấn đề tình báo an ninh và vô hình gây nên những đồn đoán về các cuộc tấn công thông tin mạng giữa hai bên.

Những năm sau đó, cuộc xung đột ngày càng sục sôi ở miền đông Ukraine cũng là nguyên nhân khiến hai bên căng thẳng. Hai nước không ngừng gia tăng hiện diện quân sự, tăng viện trợ và hỗ trợ các bên khác nhau tại khu vực này.

Việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào lãnh thổ cũng khiến Mỹ và phương Tây phản ứng kịch liệt. Không những vậy, chiến sự tại "chảo lửa" Syria thời gian qua đã đủ thể hiện mọi "hục hặc" của Nga - Mỹ khó lòng đi đến "kết thúc có hậu".

Mặc những sự mập mờ về mối liên hệ giữa ứng viên đảng Cộng hòa và nhà lãnh đạo Điện Kremlin, tỉ phú Trump luôn lên tiếng ca ngợi, thể hiện sự ngưỡng mộ đặc biệt của ông với Tổng thống Putin.

Ứng viên Donald Trump từng nhiều lần nảy ra ý tưởng trong nhiều buổi tranh luận rằng: "Sẽ không tốt hay sao nếu chúng ta cải thiện mối quan hệ với Nga?". Ông Trump cũng đưa ra dẫn chứng rằng Mỹ đã nỗ lực cải thiện mối quan hệ tốt hơn nhiều lần so với quá khứ 30 năm trước.

Những ý tưởng khác biệt của ông Trump và bà Hillary về chính sách với Nga trong tương lai liệu có cải thiện quan hệ hai nước trong bối cảnh hiện tại?

Nhìn lại những nghi vấn gần đây về việc Nga có can thiệp vào thông tin nội bộ của chính phủ Washington hay không, giới chuyên gia Mỹ vẫn thống nhất quan điểm luôn muốn ngăn chặn sự "kết dính" của Tổng thống Putin vào nội bộ nước này.

Bất kỳ bằng giải pháp nào, vị tổng thống Mỹ tương lai cũng sẽ phải đối mặt với vấn đề trên. Liệu chính sách "khó khăn" của ứng viên Hillary Clinton hay ý tưởng "hòa hợp" của ứng viên Donald Trump sẽ tạo nên hướng đi tích cực mới cho hai nước?

Nhà nghiên cứu khoa học chính trị John Mearsheimer phân tích, dù Mỹ có trở nên "khó khăn" hay "hòa hợp" với Nga thì nước Mỹ cũng sẽ đối mặt với hai tình thế "tiến thoái lưỡng nan" trong tương lai do sự khác biệt trong quan điểm của các tân tổng thống.

Bà Hillary có thể sẽ duy trì tinh thần cứng rắn khiến mối quan hệ hai nước ngày càng "xa cách" trong bối cảnh hiện tại, còn tỉ phú Trump có thể sẽ không nhận được sự đồng thuận của giới chức và công dân Mỹ vì bị "đóng đinh" bởi những ấn tượng xấu.

Loại bỏ những "ám ảnh" về việc để ông Putin dính líu đến nội bộ nước Mỹ, giới chức ngoại giao và công dân Mỹ thực sự hy vọng có thể tái thiết lập đối thoại để thúc đẩy lợi ích quốc gia của cả hai bên.

Các chuyên gia cho rằng hai nước hoàn toàn có thể cải thiện mối quan hệ tốt đẹp hơn nhưng tất cả phụ thuộc vào mục đích của quá trình hợp tác trong tương lai.

Giáo sư Kathryn Stoner, trường Đại học Stanford (Mỹ) nhận định hai nước có những căng thẳng không chỉ ở những vấn đề nêu trên. Hiện tại, Nga - Mỹ đang chạy đua trong các cuộc chiến mới dự báo sẽ còn nhiều gay cấn như lĩnh vực vũ khí hạt nhân, chạy đua không gian và chiến tranh thông tin mạng...

Phương Hà

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/nytimes-du-trump-hay-clinton-dac-cu-my-nga-van-kho-hoa-hop-a304192.html